Kinh tế, xã hội quý I/2021 tiếp tục xu hướng phục hồi
Tại Nghị quyết, Chính phủ thống nhất đánh giá, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế, xã hội quý I năm 2021 tiếp tục xu hướng phục hồi, ổn định và đạt được những kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 4,48%.
Sản xuất công nghiệp tăng 6,5%. Khu vực nông nghiệp tăng 3,16%, năng suất và giá lúa tăng. Thương mại, tiêu dùng phục hồi tốt; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,1%.
Kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, trong quý I có trên 29 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký tăng 27,5%... Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm chỉ đạo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công "mục tiêu kép", vừa thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống, kiểm soát đại dịch COVID-19; vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân; chú trọng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành ngay các chương trình hành động, kế hoạch công tác để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành văn bản, đề án; khắc phục triệt để tình trạng xin lùi thời hạn trình, chậm, nợ ban hành văn bản, đề án, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết.
Sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế "hộ chiếu vaccine"
Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện nghiêm, hiệu quả thông điệp "5K", quản lý chặt chẽ việc cách ly y tế, nhất là đối với người nhập cảnh; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại trong cộng đồng.
Bộ Y tế tập trung chỉ đạo đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước phòng dịch COVID-19; đồng thời nhập khẩu vaccine phục vụ tiêm phòng COVID-19 theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ cũng như có kế hoạch để tiêm phòng vaccine trên diện rộng; khẩn trương cùng các bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế "hộ chiếu vaccine" tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, du lịch.
Cùng với đó, hoàn thiện quy định về thanh toán bảo hiểm y tế đối với các hoạt động khám chữa bệnh từ xa; tiếp tục bảo đảm nhân lực, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, vật tư y tế; nâng cao năng lực, chất lượng y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Hạn chế nợ xấu mới phát sinh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các dự án trọng điểm; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và các dự án ODA nói riêng.
Bộ cũng hoàn thành thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2021; chủ động triển khai kịp thời các giải pháp để thu hút và tận dụng hiệu quả làn sóng dịch chuyển đầu tư.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; giữ ổn định thị trường ngoại hối.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh; điều hành lãi suất, tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cụ thể, hiệu quả hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa; tăng cường xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam.
Bộ cũng hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các nền tảng số, các nền tảng thương mại điện tử lớn; tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản, vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài; bảo đảm cung ứng đầy đủ vật tư, trang thiết bị cho phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất, nhất là các nông sản theo mùa vụ; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, có phương án tích nước, vận hành công trình phòng chống hạn hán phục vụ sản xuất và phòng chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả khuyến nghị của EC để sớm gỡ “thẻ vàng”; đẩy mạnh công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng.
Đẩy nhanh tiến độ công trình, dự án trọng điểm
Bộ Giao thông Vận tải tập trung chỉ đạo triển khai đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, nhất là dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông; khẩn trương vận hành, khai thác các công trình mới đưa vào sử dụng, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung rà soát, khẩn trương báo cáo về việc sửa đổi Luật Đất đai; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải; nhân rộng các mô hình xử lý rác thải hiệu quả, bền vững; tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo xa; dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan, nguy hiểm phục vụ phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức hoạt động dạy và học tập trung tùy theo tình hình diễn biến dịch COVID-19. Đồng thời, tăng cường và nâng cao chất lượng học trực tuyến, bảo đảm công bằng cho các học sinh; chuẩn bị kỹ các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, nhất là lớp 2 và lớp 6.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; khôi phục sản xuất và đời sống cho nhân dân vùng ảnh hưởng của bão lũ tại miền Trung và thời tiết cực đoan ở miền Bắc.
Bộ khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ các văn bản quy định chi tiết Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là tại các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp; tăng cường công tác bảo đảm an toàn lao động.
Khuyến khích cung cấp dịch vụ du lịch trong nước gắn với an toàn chống dịch
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch trong nước gắn với bảo đảm an toàn chống dịch và nâng cao chất lượng phục vụ; chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức SEA Game 31.
Bộ Công an triển khai có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT an toàn xã hội, nhất là trong dịp bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; tiếp tục đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.
Bộ tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm về nông độ cồn, sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông; chủ động công tác phòng chống cháy nổ, nhất là tại các lễ hội, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu dân cư...
Các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm điều kiện kinh doanh một cách thực chất; tăng cường đối thoại, tham vấn, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp, là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng tập trung đầu mối, phân định rõ thẩm quyền, chuyển mạnh từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Xem thêm: /232636-1202-3-gnaht-yk-gnouht-uhp-hnihC-poh-neihp-teyuq-ihgN/us-ioht-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac