- Những cung bậc cảm xúc trong thơ tình yêu
- "Nghề nhạy cảm" trong thơ Việt từ năm 1945 trở về trước
- Hà Nội trong thơ Việt
1. Người xưa khi bàn về thế giới nội tâm tình cảm của con người đã gói trọn lại trong mấy chữ “thất tình lục dục”. Đây có lẽ cũng là cội nguồn của nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng, khi lòng người bất chợt ngân lên bởi một cảm xúc nào đó. Nếu như lục dục là sáu điều ham muốn (sắc đẹp, âm thanh, hương thơm, món ăn, thân xác, ý nghĩ) thì thất tình là bảy thứ tình cảm chủ đạo của con người, bao gồm: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Cụ, Dục (Mừng, giận, yêu, ghét, buồn, sợ, muốn). Bài viết này xin được bàn riêng về chữ Sợ.
2. Thuở nhỏ, trong môi trường gia đình, ai trong chúng ta mà chẳng sợ bố mẹ, sợ bị ăn đòn. Những câu thơ của Giang Nam trong bài “Quê hương” đưa ta về một miền thơ ấu rưng rưng kỷ niệm: “Có những ngày trốn học/ Đuổi bướm cầu ao/ Mẹ bắt được/ Chưa đánh roi nào đã khóc” (Quê hương). Sau này, khi chú bé đã trở thành người lớn, đôi khi không thể tránh khỏi những nỗi sợ cơm áo gạo tiền: “Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu) và “Trời hỡi làm sao cho khỏi đói/ Gió trăng có sẵn làm sao ăn” (Hàn Mặc Tử).
Người trưởng thành đương nhiên có những cảm quan và ý thức về cuộc sống sâu sắc hơn, vì thế mà nỗi sợ cũng muôn màu hơn. Chàng hoàng tử thơ tình nửa đầu thế kỷ trước vì thế hơn một lần nói với chúng ta nỗi sợ hãi trước thời gian: “Gấp đi em anh rất sợ ngày mai/ Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn/ Vừa xịch gối chăn mộng vàng tan biến/ Dung nhan xê động sắc đẹp tan tành” (Giục giã - Xuân Diệu).
Nếu như Xuân Diệu được coi là nhà thơ của nỗi ám ảnh thời gian thì Huy Cận được coi là nhà thơ của nỗi ám ảnh không gian, vì thế bên cạnh nỗi sợ thời gian, Thơ Mới không thể thiếu nỗi e sợ không gian, bàng bạc bao phủ trong nhiều bài thơ của Huy Cận: “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc/ Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa” (Tràng giang).
Người Việt Nam nói chung, theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, thường có tâm lí e sợ các không gian rừng và biển. Bởi sợ rừng nên mới có câu “rừng thiêng nước độc”, bởi ngại nước nên mới có lời dặn dò “Con ơi nhớ lấy câu này/ sông sâu chớ lội đò đầy chớ qua”.
Người Việt tuy rất gần biển mà không có những phát kiến về hàng hải, không có những nhà thám hiểm đại dương, đánh bắt hải sản chủ yếu là gần bờ, ven bờ. Tâm lí sợ biển cũng đã được phản ánh một cách kín đáo qua truyền thuyết “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, khi mà vua Hùng bộc lộ rõ sự thiên vị Sơn Tinh nên toàn yêu cầu những lễ vật thuộc về đồng bằng và miền núi.
Dường như ở mỗi giai đoạn trong cuộc đời, mỗi con người đều có một hoặc một vài nỗi sợ. Như trên đã nói, lúc nhỏ còn sống với gia đình thì ít nhiều sợ bố mẹ, thoát ly gia đình một chút thì có những lúc sợ nghèo đói, sợ hết tiền. Ra ngoài đường thì phải biết “Thứ nhất sợ kẻ anh hùng/ Thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân”.
Kìa như Khổng Tử khi gặp đứa bé thông minh lạ thường còn phải thốt lên “hậu sinh khả úy” (kẻ hậu sinh thật là đáng sợ). Đến khi có gia đình riêng, người ta lại có thể có một nỗi sợ rất mới là sợ... vợ. Nếu như trong truyện cười dân gian, người Việt với bút pháp cường điệu đã có câu chuyện sợ vợ đến vỡ mật, thì trong thi ca của văn học thành văn, nỗi sợ vợ được biểu hiện với bút pháp khôi hài dí dỏm.
Nhà thơ người Bình Định Nguyễn Thanh Mừng có mấy câu lục bát thật “thấm thía”: “Có người khăn đóng áo dài/ Nghe thơ như thể nghe bài thánh kinh/ Gươm kề cổ chẳng giật mình/ Vợ kêu lại bất thình lình dạ thưa”.
Sợ vợ đương nhiên không phải như sợ giặc cướp, sợ vợ là kính nể và tôn trọng vợ ở mức độ cao nhất có thể. Phải chăng vì thế mà thi sĩ Hồng Thanh Quang đã viết bài thơ “Bái vợ”: “Ba thứ lăng nhăng đều vướng cả/ Lệ làng rất khó được dung tha/ Nhưng em lòng rộng như trời ấy/ Cuối cùng mọi sự vẫn nương ta/ Em thương con bé thương chồng dại/ Thật thà say đắm lắm ngu ngơ/ Cho ta gửi nhé muôn nghìn vái/ Vợ mà như mẹ của nhà thơ”.
Cũng có những thi sĩ không bộc lộ đức sợ vợ trong thơ nhưng lại tỏ ra rất sợ sinh con. Đó là trường hợp nhà thơ xứ Thanh Nguyễn Duy trong bài “Bán vàng”: “Lương tháng thoảng qua một chút hương trời/ Đồng nhuận bút hiếm hoi gió lọt vào nhà trống/ Vợ chồng ngủ với nhau như vụng trộm/ Không cái sợ nào bằng cái sợ sinh con”.
Một gã ngổ ngáo, nát rượu, coi trời bằng vung, bị cả làng Vũ Đại gọi là con quỷ dữ, mà cũng đến lúc phải dâng lên một nỗi sợ trong lòng. Đó là vào cái buổi sáng tỉnh dậy sau đêm ở vườn chuối với Thị Nở: “Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét ốm đau và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”.
Nỗi cô độc có thể xem là đỉnh điểm của sự cô đơn. Khi nói cô đơn, dù sao vẫn còn chút hy vọng, nhưng cô độc thì đã gần như là bế tắc, không còn ai quan tâm, không còn ai chia sẻ. Người kỹ nữ trong bài thơ của Xuân Diệu vì thế cố níu kéo bước chân người du khách lãng tử thêm chút nữa, bởi khi khách ra đi cũng có nghĩa là, nàng rơi vào một biển sầu cô đơn: “Em sợ lắm giá băng tràn mọi nẻo/ Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da” (Lời kỹ nữ).
Có một dạng biểu hiện khác nữa của nỗi sợ cô đơn – cô độc, ấy là nỗi sợ mình bị lãng quên, nỗi sợ người đương thời và hậu thế sẽ quên mình bởi không ai hiểu mình. Đại thi hào Nguyễn Du có lẽ là người đầu tiên ở Việt Nam đã thốt lên trong thơ: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng). Sau này trong thế kỷ XX, đến lượt nhà thơ Quang Huy có niềm bâng khuâng tương tự: “Gắng ngồi viết cạn bài thơ/ Bài thơ rồi có hư vô như mình” (Hư vô).
3. Có một địa hạt mang đến cho con người ta vô vàn nỗi sợ mà chúng tôi muốn dành một phần riêng để luận bàn. Đó là tình yêu bởi ái tình vừa dễ vừa khó, vừa gần gũi vừa xa xôi, có lúc sâu thẳm khôn cùng, có lúc mong manh dễ vỡ. Nói như Lưu Trọng Lư là “cái ái tình của các cụ thì chỉ là sự hôn nhân nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng”.
Nhiều người yêu thơ hẳn sẽ không quên bài thơ “Thì anh lại sợ” của nhà thơ Phạm Đức. Cái sợ của chàng trai trong bài thơ đúng là cái sợ của kẻ lần đầu bước vào cõi ái tình, “bước đi sẽ mất động hờ sẽ tiêu”, chàng sợ một điều quan trọng nhất – sợ thổ lộ tình cảm. Cái sợ ở đây có lẽ gần giống với rụt rè, nhút nhát: “Anh đã mất em/ Lẽ ra là được/ Anh chẳng có em/ Lẽ ra có được/ Bởi vì cần nói/ Với em một lời/ Thì anh lại sợ/ Âm thầm nuốt trôi/ Bởi vì cần đến/ Tìm em trước nhà/ Thì anh lại sợ/ Đứng nhìn từ xa/ Bởi vì cần hiểu/ Những lời lặng im/ Thì anh lại sợ/ Cái điều anh tin...”.
Còn với những trái tim phụ nữ, không ít người từng bày tỏ nỗi sợ tình yêu, sợ phải yêu như cô gái trong bài hát “Kiếp cầm ca” (Nhạc và lời: Huỳnh Anh): “Tình yêu em sợ tình yêu, vì tình yêu như là hương hoa. Lỡ mai sau em mất người yêu em khổ thật nhiều”.
Nhiều nữ sĩ khác bày tỏ nỗi sợ tình yêu tàn phai, tan vỡ, sợ người đàn ông sẽ bỏ mình đi hoặc thay lòng đổi dạ, không còn quan tâm đến mình nữa: “Em sợ một ngày anh phẩy tay trước câu thơ/ Lắc đầu trước những điều làm hồn em trăn trở/ Trong mỗi tế bào không có phần cho nỗi nhớ/ Tình yêu thành quán nhỏ chợ trời/ Em sợ một ngày anh sẽ nguôi vơi/ Trước mắt em nồng nàn và môi em khao khát/ Trước trái tim em không ngừng bão táp/ Anh thản nhiên với em, hối hả với người” (Em sợ - Khuyết danh), “Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may/ Áo em sơ ý cỏ găm đầy/ Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết lòng anh có đổi thay” (Hoa cỏ may – Xuân Quỳnh).
Cũng có những người sợ nhan sắc tàn phai: “Lời anh ngọt ngào/ Trên gương mặt em/ Lòng em đau xé/ Nỗi buồn đọng lại/ Em thôi xinh đẹp/ Anh còn yêu ai?”. (Em sợ - Lâm Thị Mỹ Dạ).
Chuyện xưa kể rằng, đời Hán Võ đế có nàng cung phi xinh đẹp tên là Lý phu nhân, khi nàng gần mất nhất định từ chối không cho vua xem mặt, bởi sợ vua trông thấy nét mặt tiều tụy sẽ hết yêu. Từ điển tích này mà Đoàn Phú Tứ đã viết nên mấy câu thơ rưng rưng xúc động trong bài thơ nổi tiếng “Màu thời gian”: “Tóc mây một món chiếc dao vàng/ Nghìn trùng e lệ phụng quân vương/ Trăm năm tình cũ lìa không hận/ Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng”.
Nỗi sợ của người phụ nữ trong tình yêu nhiều khi mong manh và mơ hồ khó nói rõ thành lời. Diễn tả được sự mong manh và tinh tế ấy, trong các nữ sĩ Việt Nam cũng không có mấy người: “Mắt anh nâu một vùng đất phù sa/ Vùng đất của nơi nào trong trí nhớ/ Em chiếm đoạt rồi em hoảng sợ/ Giữa vô cùng hoang vắng giữa cô đơn” (Không đề – Xuân Quỳnh).
Đọc lại những trang thơ của Xuân Quỳnh, tôi còn thấy nữ sĩ có một nỗi sợ khá đặc biệt nữa, đó là nỗi sợ một ngày sẽ không còn cảm xúc. Nỗi niềm ấy được bộc lộ qua bài thơ “Nếu ngày mai em không làm thơ nữa” với bốn câu kết in sâu vào trí nhớ người đọc: “Ôi trời xanh xin trả cho vô tận/ Trời không xanh trong đáy mắt em xanh/ Và trong em không thể còn anh/ Nếu ngày mai em không làm thơ nữa”.
Đỗ Anh VũXem thêm: /629536-oht-gnort-os-ioN/naul-yL/nv.moc.dnac.acnv