Biển mùa này mặn quá
Sóng khóc kiệt vì buồn
Bãi ngầm như chiếc lá
Rách bời vì sâu ăn..
(Nguyễn Hoàng Trung Hiếu)
Tôi đã liên tưởng đến câu thơ, khi lặng người nhìn những vạt đất lở đỏ bầm như máu ứa cạnh sông Vàm Cái Hố An Giang hay chứng kiến dòng nước xoáy vẫn còn hung dữ dù đã cuốn trôi bao nhiêu căn nhà dọc theo một đoạn sông Tiền ở Đồng Tháp và khi lướt qua bao nhiêu làng mạc ở miền đất Cửu Long Giang vào mùa nước lớn mà nước hình như chưa về, đồng vẫn cạn, lá chưa xanh, cá linh vẫn mất dạng đâu đó ở thượng nguồn… Bất chợt như có thoáng lo âu, viễn cảnh một mai châu thổ hoang vu.
Vâng! Câu thơ tưởng chừng viết về biển, nhưng không, nó như một dự báo tương lai “mặn hóa” đồng bằng châu thổ sông Mê Kông. Một sự đắng đót đến hoang mang khi nghĩ đến tương lai không xa, miền đồng bằng châu thổ từng được xem là một vựa lúa “Thạch Sanh” của cả nước đang ngày càng thu hẹp lại bởi xâm lấn nước mặn, bởi sạt lở sâu những bờ sông không ngừng mỗi mùa lũ và màu xanh cây trái cứ lần lượt mất đi, tạo những khoảng trống man mác buồn thênh trong tâm hồn… không chỉ bởi biến đổi khí hậu mà còn do con người vô tình hay hữu ý góp vào hủy diệt sự sống vốn hiền hòa êm đềm của miền châu thổ này.
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Trung Hiếu và dịch giả Nhật Chiêu trên rừng tràm Trà Sư - An Giang. |
Tuổi thơ tôi thấm đẫm những câu chuyện như cổ tích về miền châu thổ sông Mê Kông, từ truyện Bác Ba Phi “một hạt lúa một nồi cơm”, “cá leo ngọn cây đẻ trứng”, “rắn hổ mây tát cá”, “cọp xay lúa”… đến dòng Cửu Long Giang “sông trào nước xoáy” với những con cá hô thân hình to như tấm ván ngựa, vây ánh bạc, hai con mắt to bằng hai miệng chén ăn cơm, quẫy một cái làm mặt sông nổi sóng, tung bọt trắng xóa và tạo nên tiếng động ầm ầm, gặp rằm trăng chúng phi thân trên mặt nước thi triển sức mạnh “chúa tể sông ngòi”…
Cuốn “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi đã như một từ điển, một cẩm nang về miền sông nước Nam Bộ suốt thời thơ ấu của tôi, cho tôi hình dung một đồng bằng châu thổ giàu có trù phú thấm đẫm phù sa và bất tận màu xanh…
Quê nội quê ngoại của tôi nổi danh miền Tây Nam Bộ, một Cần Thơ “gạo trắng nước trong”, “miền gái đẹp” với “áo bà ba trên dòng sông Hậu thăm thẳm”... một Kiên Giang như “Việt Nam thu nhỏ” có sông có biển, có núi có ruộng, có biên giới hải đảo, có “hòn ngọc Phú Quốc”, có “Hà Tiên thập cảnh” nổi danh cùng “Tao đàn Chiêu anh các” từ 4 thế kỷ trước. Nhưng rồi theo con nước, theo những nóng giận của ông Trời và sư vô tâm của tình người với đất, cứ mỗi ngày mỗi mất đi một cảnh quan nào đó, mất đi những “nick name” đánh dấu sự độc đáo đặc biệt của miền quê …
Ba má kể ngày xưa đi kháng chiến, đất rừng miền Tây đã nuôi cả cuộc kháng chiến thành công, từ ngọn lúa ma ở Đồng Tháp mùa nước nổi, đến những con cá con tôm ở miệt U Minh Thượng, U Minh Hạ, từ những vạt rừng dừa tầng tầng lớp lớp Bến Tre, thốt nốt An Giang, đến những vườn cây trái xum xuê bốn mùa thơm thảo trái chín, sân chim náo nhiệt bản hòa tấu trời xanh miệt vườn Vĩnh Long, Tiền Giang…
Tôi như đang trở ngược ký ức của ba má, xuyên không gian, thời gian để trải nghiệm quá khứ, khi hiện tại mọi thứ cứ như đang dần tuột mất trong tầm mắt, không chỉ là tính theo năm mà hình như từng ngày từng giờ, tạo nên những vết xước trong tim không hề nhẹ... Cứ như trải qua nhiều cuộc bể dâu đến xót xa, giống như vết cứa vào tâm hồn càng ngày càng sâu thêm, khi băng qua vùng châu thổ Mê Kông chỉ thoáng chốc, nhưng “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Con người chỉ bởi lòng tham và cả sự ngạo mạn trong vai “ông chủ” đã cố tình “uốn nắn” thiên nhiên theo ý và buộc phải phục vụ con người…
Chính vì thế mà bao nhiêu gốc tràm, đước bám rễ giữ đất lấn biển, lọc phèn khử mặn tạo nên một miền rừng ngập mặt đẹp như những trang thơ lãng mạn bỗng chốc biến thành những vuông tôm nhân tạo xơ xác cả vùng rừng, để ngay con tôm tự nhiên cũng bỗng nhiên tủi phận mà dần “lặn” mất.
Đất châu thổ nặng phù sa Mê Kông hào phóng cho hai mùa lúa trong năm để làm ra những hạt ngọc trời với những dòng lúa mà giờ phần lớn chỉ còn lưu giữ trong bảo tàng gene với những cái tên cổ tích như: Nàng tro, ba kiếu, ba trúc, gẫy xe, nanh chồn, châu hàng võ, trắng chùm, trắng lép, huyết rồng... để thay vào các loại lúa cao sản mỹ miều Thần nông 73-2, IR64, IR19660, IR42, IR36, OM 1490, OM 2031, MTL 250, VND 95-20, Khao 39… tới bốn vụ trong năm. Để không ngừng tăng sản lượng lúa mà đất cạn kiệt sức, bạc màu. Cơm từ hạt gạo cao sản không cảm được hương vị ngọt của đất phù sa... để thương để nhớ đồng quê mà chỉ thấy càng ngậm ngùi.
Nhà văn Hoài Hương và đạo diễn điện ảnh Trần Ngọc Phong trên rạch Xẻo Quýt, Đồng Tháp. |
Không biết có phải thế mà khi tôi nhìn thấy những gói nhỏ gạo giống lúa Huyết rồng, một giống lúa quý của Ðồng Tháp Mười có cách đây hàng trăm năm, gạo có màu đỏ và hương vị thơm ngon béo ngậy, đang được gây giống lại, đã không ngần ngại xẻ ra bốc vài hạt nhai sống, ta nói cái vị ngọt gạo xưa sao nghe thương đến lạ lùng, đến chảy nước mắt vì yêu. Cũng kịp mừng chút ít khi loại gạo đặc sản của Sóc Trăng ST24 năm 2017 được xếp vào loại ngon hàng thứ 3 thế giới, thì năm 2019 ST25 đứng hàng Quán quân vượt trên cả gạo Thái Lan, Campuchia…
Có một nỗi xúc động đến vỡ òa, khi tôi chạm vào vẻ đẹp lặng lẽ pha chút kỳ bí của rừng tràm Trà Sư thuộc địa phận xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang, cách biên giới Campuchia khoảng 10km về phía Tây Bắc và cách sông Mê Kông khoảng 15km về phía Đông Bắc, với hệ sinh thái điển hình của vùng rừng ngập nước phía Tây sông Hậu, như một khám phá miên man con đường nước màu xanh huyền ảo. Không chỉ cái tên “Trà Sư” vẫn còn đang trong vòng tranh cãi của các nhà ngôn ngữ học, địa lý học, khảo cổ học… tạo nên một vòng huyền hoặc miền này, mà đây còn là một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc.
Khi chiếc tắc ráng rẽ những thảm lục bình xanh tiến vào rừng, thấp thoáng đâu đó quanh bờ những tàng cây cổ thụ soi bóng trên mặt nước miên man, những hàng cây uyển chuyển lay mình theo chuyển động của từng con sóng, nối tiếp hiện lên cho tới mãi cuối con đường, nổi bật trên cái nền xanh mướt mát huyền dịu ấy, có đôi lúc bắt gặp những khóm điên điển rực rỡ màu vàng nắng ấm áp, những khóm súng hoa tím mạnh mẽ vươn cao, khóm sen hồng e ấp nụ lấp ló sau tán lá xòe ô.
Thi thoảng bắt gặp những cánh chim bay liệng trên cao cất tiếng hót véo von một giai điệu thần tiên diệu vợi, hay vài chú gà lôi đang xòe cánh chộn rộn trong đầm nước, đặc biệt còn nhìn thấy cả giang sen và điêng điểng, hai loài chim quý hiếm trong sách đỏ… tất cả như những nét chấm phá đầy lạ lẫm mộng mơ cho bức tranh thơ rừng tràm quá đỗi đẹp xinh.
Theo những thông tin được biết thì hiện nay tại rừng tràm Trà Sư với diện tích 850 ha có 70 loài chim thuộc 13 bộ và 31 họ,11 loài thú thuộc 4 bộ và 6 họ,25 loài bò sát gồm 2 bộ, 10 họ và10 loài cá xuất hiện quanh năm và 13 loài chỉ xuất hiện vào mùa lũ, các bộ có số loài nhiều nhất là gặm nhấm (4 loài) và dơi (15 loài), ngoài ra rừng tràm còn là nơi tụ họp của 140 loài thực vật thuộc 52 họ và 102 chi, trong đó có 22 loài cây gỗ, 25 loài cây bụi, 10 loài dây leo, 70 loài cỏ, 13 loài thủy sinh, 11 loài sinh cảnh, 78 loài thuốc và 22 loài cây cảnh, v.v….
Màu xanh của rừng tràm Trà Sư, ở góc nào đó, như mang đến một niềm hy vọng để tin rằng, miền châu thổ sông Mê Kông nước Việt rồi sẽ được phủ xanh không chỉ là lúa là rau, là vườn cây trái, mà còn là những khu rừng tràm, đước, mắm, sú vẹt, dừa nước… giữ đất, rửa mặn thau chua, là những dòng nước phù sa màu đỏ tràn về mùa nước nổi, mà khi tôi khoát một vốc trong rừng tràm Trà Sư thấy sao ngọt đến kỳ lạ, ngọt đến rưng rưng thương.
Nhìn ra xa hơn, những gì miền châu thổ Mê Kông mà Việt Nam đang trải qua cũng giống như ở Vịnh Chesapeake, sông Columbia, Everglades-South Florida, sông San Joaquin, sông Colorado, sông Mississippi, the Puget South, the Netherlands và sông Po...
Sông không hiền như xưa, đất vẫn phập phồng một sớm mai biến theo con nước xoáy, nên vẫn một nỗi lo một mai châu thổ hoang vu, nếu như hôm nay, ngay từ lúc này, không cùng nhau kết vòng tay để yêu dòng sông, thương mảnh đất mình sinh ra lớn lên, nuôi dưỡng các thế hệ dòng tộc trường tồn, bồi đắp làm giàu cho đất cho sông, để cho dù sông có giận hờn chi nữa thì vẫn là sông quê hương làm nên miền châu thổ Mê Kông hiền hòa, trù phú, ấm áp tình người.
Hoài HươngXem thêm: /639536-uv-gnaoh-oht-uahc-iam-tom-ol-ioN/naul-yL/nv.moc.dnac.acnv