- Thiên tài trong gene: Sức bền hay sức mạnh?
- Những nhà văn chỉ một lần “lóe sáng”
- Nhà văn Yury Krylov: “Văn học không phải là cách kiếm tiền”
Sống trong ghẻ lạnh, chết trong vinh quang
Hai cuộc hội thảo quốc tế quan trọng về Kapka được tổ chức ở Liblice (Tiệp Khắc) năm 1963 và ở Tây Berlin năm 1966 tôn vinh ông như một hiện tượng văn học kỳ lạ, không tiếc lời ngợi khen, tôn vinh ông là thiên tài. Thậm chí nhiều người không cần biết là thiên tài ở điểm nào. Với họ cái tên Kapka đã đồng nghĩa với thiên tài!
Tác phẩm của Kapka được in lại dồn dập ở nhiều quốc gia, được đưa vào chương trình giảng dạy của hầu hết các trường đại học danh tiếng. Hiện tượng Kapka đã trở thành đề tài nghiên cứu lý thú cho nhiều nhà nghiên cứu khoa học. Vinh quang đến quá muộn bởi nhân loại hiểu ông nhiều hơn dân tộc ông hiểu về ông.
Kapka là người Tiệp Khắc gốc Do Thái sinh ở Praha năm 1883, đỗ tiến sĩ luật năm 1906. Ông bị bệnh lao mất ở dưỡng đường Kierling gần Vien năm 1924. Ông viết văn bằng tiếng Đức, chịu ảnh hưởng triết học cổ điển Đức, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa truyền thống Do Thái và Slavơ. Cuộc đời của ông là một chuỗi ngày buồn tẻ cô đơn và đầy mâu thuẫn. Bao người đàn bà đã hắt hủi ông, bệnh lao ác nghiệt đã hành hạ ông suốt bảy năm trời, giết chết ông ở độ tuổi 41, lúc tài năng đang đà sung mãn và chín muồi.
Thiên tài F.Kapka và tác phẩm “Thư gửi bố”. |
Sinh thời, Kapka rất lập dị. Ông thích tự tay đốt cháy bản thảo để ngắm ngọn lửa lụi tàn. Lúc hấp hối, ông còn di chúc đề nghị đốt đi tất cả bản thảo của mình! May là người bạn thân của ông đã không làm theo di chúc, nếu không mãi mãi nhân loại đã mất đi một thiên tài Kapka, một tượng đài văn chương hùng vĩ.
Chẳng ai biết chính xác là Kapka đã viết bao nhiêu tác phẩm. Số còn lại không nhiều. “Hóa thân” và “Vụ án” được xem là hai tác phẩm quan trọng nhất. Ngoài ra còn có “Lâu đài”, “Châu Mỹ”, tập truyện ngắn “Thầy thuốc nông thôn” và tập “Nhật ký riêng tư”…
Về Kapka từ những năm 1960 cho đến nay, các nhà nghiên cứu đông – tây nghiêng về hai hướng khác nhau. Một là cường điệu hóa tài năng của Kapka đến độ thần thánh để đầu cơ khoa học hoặc mưu đồ cá nhân. Hai là khoác lên Kapka cái áo hiện sinh suy đồi để lảng tránh, xem ông như một kẻ sĩ bệnh hoạn đáng thương hại. Thế giới nghệ thuật của ông thật kỳ lạ, tràn ngập ảo thức. Có cảm giác ngòi bút của ông luôn được nhiều lớp sương mù bao phủ. Văn của ông ngồn ngộn chất phi lý. Các nhân vật của ông cựa quậy trên miền đất ảo thức ấy đau khổ và bi quan.
Khoảng trống nghệ thuật bao la trong cá tính vô thức
Tiểu thuyết “Vụ án” là một bản thảo dở dang. Sau khi ông qua đời, người bạn của ông là Mac Bross đã vứt bỏ các chương dang dở, sắp 10 chương còn lại theo trật tự… không phải của tác giả… mà vẫn được thừa nhận là kiệt tác! Việc loại bỏ một số chương hoặc đảo lộn vị trí các chương vẫn không làm thay đổi tính chỉnh thể hoàn chỉnh của một tác phẩm mang ký hiệu Kapka!
Đây quả là điều hy hữu khi các nhà văn khác chỉ cần thay đổi một vài chi tiết là đã làm rối tung cấu trúc. Kapka tạo ra được điều này là do ông đã tạo dựng được các khoảng trống nghệ thuật bao la giữa các chương; các tiểu đoạn; các nhân vật… Các nhân vật của ông vừa hoạt động bên trong chữ nghĩa, lại vừa đi đứng bên ngoài các khoảng trống nghệ thuật ấy. Và người đọc cũng dễ bị chết đuối giữa các khoảng trống nghệ thuật bao la này.
Kapka là người đầu tiên và cũng là người duy nhất biết đóng đinh vào các khoảng trống nghệ thuật ấy thành các điểm dừng. Đây cũng là nơi tâm cảm con người nghiệm sinh cuộc đời một cách sâu sắc. Các dòng ý thức cảm nhận tha hồ chồng chéo lên nhau. Đó cũng là lúc con bọ người Gregor Samsa (“Hóa thân”), chứng kiến thái độ kinh ngạc - ân cần - hờ hững của bố mẹ và em gái…
Nhếch nhác và u buồn, là hai dạng thức tồn tại cá biệt của chất bút Kapka. Nội hàm của nó phiêu du từ miền đất lãng quên của ảo thức đến cõi bi quan tột cùng của trần thế. Trong tiểu thuyết “Hóa thân” cái huyền thoại phi lý ấy đã được ảo thức hóa bằng một nguồn linh cảm phức tạp. Mạch tư duy của con bọ người đã làm biến dạng cấu trạng bản ngã ý thức nghệ thuật lạ lùng của thiên tài Kapka. Con bọ người bò trong tâm linh người đọc như một sự khởi động để lột xác các giá trị truyền thống. Một hình tượng quái dị mang tính nhân bản ngẫu biến cao. Cảm thức siêu nghiệm vừa lập lờ xa lạ lại vừa chính xác đến độ tỉ mỉ.
Hàm số triết học lớn nhất của cá tính vô thức này mang bóng dáng đích thực của con người. Mọi áp đặt bệnh hoạn lên Kapka là điều không chính xác. Cá tính vô thức này lung linh ở nhiều tầng nghĩa không dễ suy nghiệm. Chỉ có thiên tài mới xây dựng được cá tính nhân vật con bọ người hay đến như vậy.
Ám tượng chiến tranh
Bên trong và bên ngoài bản thảo của Kapka là một ám tượng chiến tranh rộng lớn bao trùm. Cuộc đời của ông đã chứng kiến cuộc đại chiến thế giới 1914 -1918 đầy tang thương. Ông đau đớn suy nghiệm về chiến tranh theo cách của riêng mình.
Trong truyện “Vụ án” ta có cảm giác tòa án hiện diện khắp nơi: từ nhà thờ; đến phòng xử án; phòng luật sư; phòng họa sĩ; đường phố… Cảm giác ngột ngạt gần như nghẹt thở. Ai cũng có thể là quan tòa và ai cũng có thể là kẻ phạm tội. Tội lỗi của nhân vật chính Jozep K thì mơ hồ và mông lung.
Trong ý đồ sáng tạo, Kapka đã xem tòa án như một biểu tượng dị dạng của chiến tranh. Ám ảnh của nó săn đuổi con người cả những lúc thanh bình. Kapka không trực tiếp mô tả chiến tranh nhưng cái ngột ngạt của chiến tranh lại len vào từng ngóc ngách chữ nghĩa. Nó đã làm kết dính các mảng không gian và thời gian nghệ thuật tưởng chừng rời rạc, lại thành chỉnh thể hoàn chỉnh.
Ám tượng chiến tranh là mặc cảm bi quan cố hữu tàng ẩn bên trong mỗi con người. Các Scene phục hiện của Kapka luôn tạo được ấn tượng mạnh là nhờ ám tượng chiến tranh điều phối. Nếu thiếu điều này văn Kapka sẽ không đứng được, văn của ông khó đọc cũng vì lẽ này. Ông đã dìu người đọc đi chênh vênh trên sợi dây tử thần mà không ngã xuống vực.
Sau này bọn phát xít Hitle hoảng sợ đã đốt đi nhiều tác phẩm của Kapka cũng vì sợ tư tưởng phản kháng ngầm chiến tranh của ông.
Hệ thống ký hiệu nhân vật
Kapka còn xây dựng được một kiểu nhân vật rất riêng. Các nhân vật của ông thường không có tên tuổi lai lịch; quá khứ, tương lai…, chỉ có loáng thoáng mơ hồ. Loại nhân vật này không lầm lẫn vào đâu được. Mỗi nhân vật được xem như một ký hiệu nghệ thuật mang nhiều thông số biểu hiện.
Các nhân vật con bọ người Gregor Samsa (“Hóa thân”), JozepK (“Vụ Án”), K (“Lâu đài”)… cái tên chỉ còn là ký hiệu được mã hóa từ tính cách sinh linh và tính cách xã hội chính trị. Tính cách sinh linh là hằng số chung mà mỗi con người cần có. Trong mỗi nhân vật của Kapka thì tính cách sinh linh là phần thăng hoa bổ sung cho tính cách người, là phần vươn cao vượt thoát tầm thường, được chắt lọc từ máu bản ngã. Cuộc nội chiến bên trong bản ngã luôn diễn ra căng thẳng. Nó luôn vận hành dưới nhiều dạng thức khó đoán định hoặc là những bức xúc dị biệt cần vươn tới của mỗi con người.
Tính cách xã hội chính trị là phần nền mà Kapka đã cho nhân vật của mình đi đứng khóc cười. Miền đất trần thế này bị ngòi bút của ông cày xới chằng chịt nỗi đau.
Nhân vật chính JôzepK trong “Vụ án” bị một cái án treo lơ lửng không rõ tội gì. Lúc đầu anh ta phản ứng rồi dửng dưng, đến lúc không thể cam chịu, anh ta lại chạy đến quì gối với cái chết trước cả đao phủ. Qua nhân vật này tác giả đã khái quát vấn đề thân phận con người trong xã hội Tiệp Khắc dưới thời cai trị của đế quốc Áo – Hung, con người bị săn đuổi đến độ phải chạy đến với cái chết là điều phi lý. Nỗi tuyệt vọng làm người còn mang tính cách người. Còn biết tuyệt vọng còn là con người, chỉ sợ con người lãng quên đi nỗi tuyệt vọng bẩm sinh của chính mình.
Thiên tài Kapka là người đã đặt viên gạch đầu tiên cho tòa lâu đài hiện sinh ở phương Tây buổi ban sơ. Có thể xem ông là nhà văn hiện thực phi lý xuất sắc với biệt tài chiêm nghiệm cuộc đời bằng ảo thức. Giá như Kapka không phải là thiên tài chắc là không bất hạnh đến thế! Thiên tài thường không dễ hiểu.
Đoàn Đình ThuấnXem thêm: /839536-akpaK-F-hnah-tab-iat-neiht-ut-os-na-gnuhN/aoh-nav-ueil-uT/nv.moc.dnac.acnv