Trong dịp tết, có những khung giờ các nhà máy điện mặt trời tại hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) bị cắt giảm 50-60% công suất - Ảnh: NGỌC HIỂN
Sau nhiều năm thiếu hụt, từ năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, ngành điện công bố chính thức trên báo đài là nguồn cung cấp điện đã dư thừa. Có lúc ngành điện đã phải sa thải bớt công suất của các nhà máy điện gió, điện mặt trời vì lượng điện cung cấp ban ngày xài không hết.
Thiếu điện là nỗi lo nhưng thừa điện cũng rất nguy hiểm bởi lượng điện dư thừa phát lên hệ thống sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh của hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Để khắc phục mối nguy do thừa điện, thời gian qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện nhiều giải pháp như: điều tiết cắt giảm công suất phát các nguồn điện theo quy định, dừng mua điện từ nước ngoài, đẩy mạnh cải tạo và nâng cấp hệ thống truyền tải...
Lãnh đạo EVN cho hay năm 2021, khoảng 1,3 tỉ kWh điện năng lượng tái tạo sẽ bị cắt giảm (trong đó hơn 500 triệu kWh nguồn điện mặt trời) do quá tải đường dây 500kV. Giải pháp này dù bảo đảm an toàn hệ thống truyền tải nhưng nghe rất xót, kiểu như "ăn không hết thì đổ bỏ".
Việc cắt giảm công suất, sản lượng điện của các nhà máy năng lượng tái tạo không chỉ thể hiện sự bất bình đẳng giữa các nhà cung cấp mà còn lãng phí năng lượng, gây thiệt hại không nhỏ đối với các doanh nghiệp đầu tư năng lượng tái tạo, lĩnh vực rất cần được ưu tiên, khuyến khích bởi những lợi ích về môi trường cũng như hiệu quả kinh tế.
Từ năm 2015, EVN áp dụng biểu tính giá điện sinh hoạt theo phương thức bậc thang 6 bậc. Với mức giá và cách tính giá điện như hiện nay rõ ràng chưa khuyến khích được khách hàng bởi càng dùng nhiều thì giá điện càng cao. Nhằm tiết giảm chi phí, thời gian qua người dân và doanh nghiệp phải hạn chế sử dụng các thiết bị điện, tự đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và có dư thì bán ngược cho ngành điện.
Khi dịch COVID-19 xảy ra, hàng loạt khách sạn, nhà hàng, nhà máy, công xưởng, trang trại… phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí đóng cửa, kéo theo nhu cầu sử dụng điện sụt giảm.
Từ góc độ khách hàng, trong bối cảnh hiện nay khi mà nguồn cung điện đã thừa mứa, không phải "thắt lưng buộc bụng nữa", theo tôi, EVN cần phải tính tới phương án kích cầu tiêu thụ điện năng để vừa kích thích phục hồi sản xuất kinh doanh, vừa tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước, nhà đầu tư đã dồn cho ngành điện.
Đặc biệt, EVN nên tính toán lại giá bán điện phù hợp và điều chỉnh phương thức tính giá điện theo khung giờ, chẳng hạn giá điện ban ngày (có nguồn cung từ điện mặt trời) thì thấp hơn so với giá điện tiêu thụ vào ban đêm.
Việc giảm giá điện vừa giúp chia sẻ khó khăn với khách hàng trong bối cảnh đại dịch COVID-19, vừa giảm thiệt hại cho các nhà đầu tư điện mặt trời và điện gió, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu giữ an toàn cho hệ thống truyền tải điện quốc gia.
TTO - Sau 31-12-2020, nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng làm trang trại điện năng lượng mặt trời áp mái ‘ôm pin mà khóc’, do chưa có hướng dẫn mới từ Chính phủ.
Xem thêm: mth.50002920160401202-gnohk-coud-neid-aig-maig-oc-auht-ud-gnuc-nougn/nv.ertiout