Bà Phạm Thị Kim Tâm - chủ tịch Mạng lưới tự kỷ Việt Nam - phát biểu tại họp báo - Ảnh: THU HIẾN
Tháng 1-2019, Tổng cục Thống kê công bố Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên (chiếm khoảng 6,5% dân số). Trong đó có khoảng 1 triệu người tự kỷ, tỉ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ước tính là 1% số trẻ em sinh ra.
Trong số 1 triệu người tự kỷ tại Việt Nam, phần lớn không được chẩn đoán, do đó họ không nhận được sự chăm sóc, trị liệu hoặc giáo dục phù hợp để giúp họ có được cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc.
Bà Tâm cho biết thêm số trẻ em tự kỷ tại Việt Nam đang tăng lên rất nhanh do nhận thức của xã hội và các bậc phụ huynh về tự kỷ ngày càng sâu rộng.
Đối với những trẻ bị tự kỷ, bản thân trẻ sẽ thiếu hụt về ngôn ngữ, giao tiếp, kỹ năng xã hội và sẽ có hành vi khác lạ do thiếu hụt giác quan.
Hiện nay các bậc phụ huynh có thể đưa con mình đến các bệnh viện, tìm khóa học can thiệp, tự dạy con cái hoặc đưa con đến các trường chuyên biệt.
Bà Tâm khuyến cáo các bậc cha mẹ nên trang bị những kiến thức về tự kỷ để nhận biết con có mắc tự kỷ hay không để điều trị sớm. Trong suốt quá trình mang thai, người mẹ cần giữ tâm trạng thoải mái, vui vẻ, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Chia sẻ tại buổi họp báo, chị C.L. (45 tuổi, quận 10, TP.HCM) - mẹ của một bạn trẻ tự kỷ 17 năm - cho biết: "Tôi mong muốn toàn xã hội hiểu đúng, nâng cao nhận thức về chứng tự kỷ để có thể cảm thông và trợ giúp trẻ tự kỷ, người tự kỷ trong mọi hoàn cảnh. Để trẻ tự kỷ hòa nhập thì môi trường hòa nhập cho trẻ phải có đủ cả về lượng và chất.
Cần có thêm các trung tâm bảo trợ hay nhà mở để đón nhận những người tự kỷ trưởng thành. Nếu không, người tự kỷ trưởng thành sẽ đi đâu, về đâu, đặc biệt là sau này khi cha mẹ họ không còn nữa?".
TTO - Đối với những trẻ tự kỷ tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, thay vì phải lặn lội di chuyển đoạn đường xa đến Bệnh viện Châm cứu trung ương (Hà Nội) để được chăm sóc, điều trị theo gói kỹ thuật cao thì nay khoảng cách này đã được rút ngắn.