Ông Lê Văn Khảm trả lời báo chí bên lề hội thảo - Ảnh: L.ANH
Theo ông Lê Văn Khảm - vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, Luật bảo hiểm y tế năm 2008 đã đưa khám sàng lọc, khám định kỳ vào danh mục được Bảo hiểm y tế chi trả, nhưng do khả năng của quỹ thời điểm đó nên chưa được thực hiện, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 đã đưa dịch vụ này ra khỏi danh mục chi trả của bảo hiểm.
"Sau hơn 10 năm, đến dự luật này, dịch vụ khám sàng lọc một số bệnh, khám định kỳ dự phòng sớm và cả tiêm vắc xin phòng bệnh đã được đưa trở lại danh sách các dịch vụ được bảo hiểm y tế chi trả" - ông Khảm cho biết.
Theo dự kiến, dự luật sẽ được trình Quốc hội ngay năm 2021 này, danh sách các bệnh được chi trả khám sàng lọc bệnh sớm, khám định kỳ..., theo ông Khảm, sẽ do Chính phủ xem xét, quy định.
"Theo tôi được biết, đó sẽ là các bệnh rối loạn chuyển hóa và nội tiết, tiểu đường, ung thư vú và ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, cùng một số bệnh ung thư có hiệu quả khi can thiệp sớm. Danh sách này sẽ mở rộng dần" - ông Khảm cho biết.
Hiện chi tiêu y tế từ tiền túi người dân vẫn chiếm xấp xỉ 40%/tổng chi tiêu. Điều này được lý giải là do gói bảo hiểm chưa đầy đủ dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mới tập trung cho khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, chưa dành chi tiêu cho dự phòng, sàng lọc sớm vốn có chi phí rẻ và hiệu quả cao hơn.
Hiện chi tiêu cho thuốc vẫn chiếm tới 35-37%/tổng chi phí khám chữa bệnh và y tế nói chung, đó là mức chi được coi là cao. Tới đây, Bảo hiểm y tế sẽ có thêm các gói dịch vụ theo nhu cầu, đa dạng quyền lợi bảo hiểm y tế, mục tiêu là giảm chi tiêu cho y tế từ tiền túi người dân xuống dưới 35% vào năm 2025 và dưới 30% vào năm 2030.
TTO - Quá trình điều tra, Công an huyện Hàm Thuận Nam xác định số tiền bà Lại nợ là gần 200 tỉ đồng. Bà còn có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi chuyển nhượng, mua bán 33.000m2 đất.