Quyết định áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan của Bộ Công Thương đã bước đầu tháo gỡ những khó khăn cho ngành mía đường trong nước. Tuy nhiên, ngành mía đường vẫn cần nhiều giải pháp chống đường lậu, cạnh tranh với đường nhập khẩu giá rẻ từ các nước ASEAN tràn vào để hồi phục và phát triển.
Thiết lập hệ thống truy xuất để ngăn đường lậu
Triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc là một giải pháp rất quan trọng để ngăn đường nhập lậu. Trong Chỉ thị 28/2020, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh việc các doanh nghiệp mía đường phải chủ động xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc để giúp ngăn chặn hành vi buôn lậu đường.
Theo đó, hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đường phải là một hệ thống chung, quy mô quốc gia để có thể quản lý, đánh giá và nhận diện được các loại đường sản xuất và đóng gói trong nước cũng như đường nhập khẩu và xuất khẩu. Từ đó có cơ sở nhận diện mặt hàng đường nhập lậu và gian lận thương mại lưu hành trên thị trường.
Hệ thống này hỗ trợ các cơ sở trong ngành đường bao gồm doanh nghiệp sản xuất mía đường, cơ sở sang chiết, đóng gói và các công ty thương mại cấp 1, cấp 2 thiết lập được hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.
Đặc biệt, hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có tính năng chống hàng giả 100% bao gồm chống được việc làm giả tem chống hàng giả, chống lại sự làm giả từ chính nhà sản xuất hoặc cơ sở sang chiết, đóng gói. Hệ thống cấp mã QR code chống giả cho từng sản phẩm đường kết hợp truy xuất cơ sở dữ liệu nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng kiểm tra/thanh tra trong vận chuyển, lưu thông.
Bên cạnh đó, hệ thống truy xuất nguồn gốc cũng bao gồm cung cấp tiện ích app kiểm tra hàng giả bằng smartphone trên nền tảng Android và iOS để có thể cho ngay kết quả kiểm tra hàng giả tại hiện trường…
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Song song với việc thiết lập hệ thống truy xuất để ngăn đường lậu, các chuyên gia còn đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ khác để phát triển bền vững ngành mía đường trong nước. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề này.
GS VÕ TÒNG XUÂN, chuyên gia nông nghiệp:
Cần liên kết để giảm chi phí trồng mía
Giá đường bán tại thị trường Thái Lan thực ra cũng bằng giá đường Việt Nam. Tuy nhiên, cái lợi của các doanh nghiệp mía đường Thái Lan là họ được chính phủ nước này trợ giá nên bán giá rẻ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các đầu nậu buôn lậu mua đường tại Thái Lan với giá rẻ rồi tuồn về Việt Nam bán kiếm lợi.
Thái Lan hỗ trợ ngành mía đường hàng tỉ USD mỗi năm, gồm trợ cấp xuất khẩu gián tiếp thông qua hệ thống tổng hợp giá và trợ cấp cho các khoản thanh toán trực tiếp khi giá đường thế giới giảm. Ngoài ra, các nhà máy đường và nông dân trồng mía tại nước này còn hưởng lợi đáng kể từ các khoản vay ưu đãi và trợ cấp đầu tư vào như vật tư, phân bón... Trong khi đó, chính phủ nước này lại cố định giá đường cao trong nước, siết chặt hạn ngạch nhập khẩu.
Mặt khác, giá thành sản xuất mía nguyên liệu tại Brazil chỉ 16 USD/tấn, Úc là 18-20 USD/tấn, Thái Lan khoảng 30 USD/tấn. Trong khi giá thành sản xuất mía Việt Nam lại cao hơn, 35-40 USD/tấn, thậm chí có vùng lên đến 45 USD/tấn.
Nông dân Việt Nam thường tự làm nên chi phí trồng mía cao dẫn đến khi giá mía nguyên liệu được các nhà máy thu mua thấp là họ lỗ nặng. Từ đó nông dân bỏ mía trồng cây khác, nhà máy thiếu nguyên liệu, đóng cửa, giá đường trong nước tăng tạo cơ hội cho đường nhập giá rẻ tràn vào và đường lậu hoành hành.
Hiện nay đã có một số doanh nghiệp liên kết với nông dân làm cánh đồng lớn. Với chính sách này, người nông dân được hỗ trợ nhiều, khi giá mía nguyên liệu tăng bằng Thái Lan 30 USD/tấn.
Vì vậy trước mắt, để cạnh tranh với đường nhập khẩu theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) tràn vào, cần sự liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp mía đường, hướng dẫn nông dân cách canh tác để giảm chi phí sản xuất, hạ giá xuống mà vẫn có lợi nhuận.
Ông HUỲNH NGỌC HÔ Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389 An Giang:
Đề xuất lắp đặt camera, truy xuất nguồn gốc
Để hạn chế tình hình buôn lậu, Cục Hải quan tỉnh An Giang, Cục Quản lý thị trường tỉnh đề xuất thực hiện khảo sát vị trí lắp đặt camera tại các địa bàn trọng điểm khu vực biên giới; đề xuất di dời các kho đường phèn khu vực biên giới vào trong nước.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang đã yêu cầu và kiến nghị phải thực hiện các giải pháp quản lý hiệu quả hóa đơn, chứng từ có liên quan hồ sơ bán đấu giá hàng hóa tịch thu, trong đó có mặt hàng đường cát.
Mục đích của giải pháp này nhằm ngăn chặn tình trạng các đối tượng buôn lậu lợi dụng các loại hóa đơn, chứng từ này để quay vòng, hợp thức hóa đường cát nhập lậu; tăng cường các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn thủ đoạn đối phó của doanh nghiệp, hộ kinh doanh sang chiết, pha trộn các loại đường cát với nhau.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cần phối hợp nhiều hơn với các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống đường lậu như đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, giảm giá thành; xây dựng hàng rào kỹ thuật cho mặt hàng đường cát nhập khẩu, kể cả việc truy xuất nguồn gốc, bao bì. Đặc biệt, cần hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ vì hiện nay chi phí kiểm nghiệm cho đường cát nhập lậu khá cao cũng là trở ngại trong việc giám định tang vật.
PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế:
Siết chặt kẽ hở gian lận thương mại
Để bảo đảm sự ổn định và phát triển của ngành mía đường trong cạnh tranh bình đẳng theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa về tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại. Nhà nước cần bịt chặt kẽ hở pháp luật để ngăn chặn một số doanh nghiệp lợi dụng hợp thức hóa đường lậu thành đường nội địa.
Bên cạnh đó, cần thành lập các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất đường với các hợp tác xã và hộ nông dân. Trong các hợp đồng kinh tế phải quy định rõ ràng trách nhiệm cụ thể, tỉ mỉ trong việc cung cấp, hỗ trợ giống mía tốt, quy trình chăm sóc phù hợp và việc cung cấp phân bón, cung cấp các dịch vụ của các chủ thể. Qua đó đảm bảo tính công bằng, bình đẳng của các chủ thể trong chuỗi mía đường.
Áp thuế với đường Thái Lan Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 477 về áp thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá tạm thời ở mức 48,88% với đường tinh luyện và 33,88% với đường thô nhập khẩu từ Thái Lan. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 17-2-2021. |