Hãng tin Channel News Asia dẫn lời ông Tuan Ibrahim Tuan Man - Bộ trưởng Môi trường Malaysia - ngày 6-4 cho biết Malaysia sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì, nói rằng sự kiện này dành cho các nền kinh tế chịu trách nhiệm về 80% lượng khí thải toàn cầu.
Trong tuyên bố hôm 6-4, ông Tuan Ibrahim cho biết: “Cần phải hiểu rằng mục tiêu chính của hội nghị thượng đỉnh này là nhằm khuyến khích các nền kinh tế lớn, chịu trách nhiệm về 80% lượng khí thải toàn cầu, tăng cường cam kết đạt được mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ tối đa đối với sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C".
Ông Tuan Ibrahim Tuan Man - Bộ trưởng Môi trường Malaysia. Ảnh: MALAY MAIL
“(Hội nghị thượng đỉnh) cũng liên quan các quốc gia dễ bị tác động nhất trước tác động của biến đổi khí hậu như Việt Nam và Indonesia. Malaysia không nằm trong cả hai hạng mục này” - ông Tuan Ibrahim nói thêm.
Vị bộ trưởng cũng chỉ ra rằng các quốc gia khác nổi bật trong chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu toàn cầu như Thụy Điển, Thụy Sĩ và Thái Lan cũng không được mời.
“Hội nghị thượng đỉnh là sự kiện chỉ diễn ra một lần, không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán và quyết định theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC)" - ông Tuan Ibrahim lập luận.
Ngoài ra, ông Tuan Ibrahim cũng cho biết chính phủ Malaysia đang xây dựng năm chính sách mới trong chiến lược quản lý biến đổi khí hậu quốc gia.
Trước đó, ông Lim Guan Eng - quan chức cấp cao thuộc đảng Dân chủ Hành động (DAP) - hôm 6-4 cho biết chính phủ liên minh Perikatan Nasional (PN) đã thất bại trong việc thúc đẩy “các chính sách xanh” khi so sánh với Liên minh Hy vọng (PH), Reuters đưa tin.
“Việc Malaysia rút khỏi hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần này đã trở thành một trò đùa đáng buồn về tình trạng suy giảm đối với một hoạt động hàng đầu trước đây của Malaysia về thúc đẩy biến đổi khí hậu” - ông Guan Eng nói.
“Việc Malaysia rút khỏi hội nghị này khẳng định rằng Malaysia bị xem như một bãi rác thải nhựa hơn là một đối tác môi trường chiến lược” - ông Guan Eng nhấn mạnh.
Ông nói thêm rằng: “Bất chấp sự phủ nhận của Bộ trưởng Môi trường Tuan Ibrahim, chính phủ PN đã cho phép Malaysia từ từ trở thành bãi rác thải nhựa 'sạch' của Mỹ”.
“Ông Tuan Ibrahim nên thức tỉnh và đưa ra tầm nhìn về cách tích hợp các biện pháp biến đổi khí hậu vào nội dung công việc của các cơ quan chính phủ để lấy lại danh tiếng trong vấn đề biến đổi khí hậu của chúng ta” - ông Guan Eng nói.
Đáp lại, trong một tuyên bố hôm 6-4, ông Tuan Ibrahim cho biết vấn đề rác thải nhựa nên được xem xét riêng biệt với hội nghị thượng đỉnh về khí hậu.
Hồi tháng 2, Nhà Trắng cho biết đã mời 40 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Trung Quốc, Nga, Nhật, Ấn Độ, Singapore, Indonesia, Việt Nam và New Zealand, tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 22-4 và 23-4, nhân Ngày Trái đất.
Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu được tổ chức nhân Ngày Trái đất là một phần trong nỗ lực của ông Biden nhằm đưa vấn đề biến đổi khí hậu làm ưu tiên hàng đầu.
Nhà trắng cho biết vào thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 4 tới, Mỹ sẽ công bố “mục tiêu phát thải đầy tham vọng vào năm 2030”, và sẽ khuyến khích các nước khác thúc đẩy các mục tiêu của riêng họ theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.