vĐồng tin tức tài chính 365

Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ 3: Ai hàn nồi, vá chảo không?

2021-04-07 11:18
Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ 3: Ai hàn nồi, vá chảo không? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Tất cho xem một cái ấm nhà mà ông mới hàn vá để xài tiếp - Ảnh: THỦY TIÊN

"Giờ số ít người còn làm hàn nồi xoong thì hay ẩu, không có tâm, làm chỉ để nhanh cầm tiền. Nhìn cách làm là tôi biết khi họ đi xong ít hôm, nồi sẽ bị chảy lại.

Ông Nguyễn Văn Tất

"Ai hàn nồi, vá chảo lủng hông?... Nhiều lúc tui nghĩ nghề của tụi tui bị trời hành hay sao mà cứ đạp xe đi khắp nơi, kiếm nồi lủng, chảo hư đen thui lui để kiếm sống vậy" - ông Giả Văn Trưởng kể vui về cái nghề mà ông lụi cụi làm suốt mấy chục năm qua.

Nghề đen tay

Với bộ đồ nghề chẳng đáng giá bao nhiêu tiền và chiếc xe đạp cũ kỹ, người thợ hàn nồi cao tuổi này đã nuôi sống cả gia đình gần chục người qua suốt những năm tháng đất nước khó khăn, người người thiếu ăn, nhà nhà thiếu mặc.

Hơn 30 năm hành nghề ở Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Tất (còn gọi là ông Mười Ích, 73 tuổi, ngụ ấp Hòa Thân, xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) vẫn còn thấy vui khi nhớ lại chuyện tình cờ đưa đẩy ông "khởi nghiệp" làm người hàn xoong, nồi. 

Số là hôm đó, đứa cháu làm nghề hàn xoong nồi ghé nhà cậu Mười rồi để đồ nghề đó, trốn đi đánh bài "kiếm chút vốn mần ăn". 

Thấy có sẵn đồ nghề, nhà có mấy cái nồi nhôm lủng, ông cũng tò mò thử coi mình làm được không. Khoan khoan, gõ gõ, trét trét..., ông cũng hàn được cái nồi của nhà mình.

Thấy nghề này cũng không có gì khó, dễ kiếm ăn nên ông Mười Ích quyết định đi hành nghề từ dạo ấy sau nhiều năm làm đủ thứ nghề để nuôi đàn con như bắt ốc, lượm bịch nilông... 

Ông lên thành phố ở nhà thuê cùng đứa cháu ở quận 8. Cơm đường cháo chợ, hằng ngày ông đạp xe đi khắp các quận, huyện để rao "Ai hàn xoong nồi không?". 

Ở nhà đứa cháu này vài tháng, ông lại đến trọ cùng một người quen khác ở quận khác để tiện cho việc đi tìm những mối làm mới.

"Chuyên nghiệp" hơn ông Mười Ích, ông Giả Văn Trưởng (còn gọi là ông Hai Trưởng, 78 tuổi, ngụ ấp Muôn Nghiệp, xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) được dượng mình truyền nghề lại vì ông thấy nghề này có thể nuôi sống được cả gia đình. 

"Dượng tôi tự nghĩ ra cách hàn nồi rồi hành nghề ở quê ông tại An Giang. Khi ông về thăm nhà bên vợ ở Gò Công, sẵn đó truyền nghề cho tôi. Sau đó tôi lại truyền nghề cho hai đứa em của mình" - ông Hai Trưởng giải thích về chuyện tại sao nhà ông lại có nhiều "truyền nhân" làm cái nghề dính đến nồi hư, chảo lủng đen thui lui bàn tay như vậy.

Nhìn ông thợ hàn nồi khi xưa từ trên xuống dưới, "nội thất lẫn ngoại cảnh" người ta thấy có giá trị nhất là chiếc... xe đạp. Còn những dụng cụ đơn giản mà nhà ai cũng có như như búa, kềm, khoan, kéo. 

Thêm một cái đe nhỏ, một mớ con tán, một ít nhôm phế liệu là những người thợ hàn nồi có thể suốt ngày rong ruổi trên các tuyến đường để hành nghề bằng tiếng rao trầm bổng của mình.

Với những lỗ lủng còn nhỏ, họ sẽ đục, khoan cho to hơn vừa với con tán mà mình muốn sử dụng. Rồi chỉ cần gõ búa cho con tán đó ép chặt với cái nồi là chúng đã có thể dùng được. 

Đối với những chỗ lủng to, người thợ lại cắt một miếng nhôm to hơn để vá. Cũng đục, khoan và dùng các con tán để cái nồi, thau có thể được lành lặn trở lại.

Thấy đơn giản là vậy nhưng các ông thợ còn có một chất liệu "bí kíp" để kết dính miếng nhôm mới hàn và cái nồi là một thứ mà khó ai nghĩ đến là... ximăng. Trét ximăng vào giữa miếng nhôm mới và diện tích bên (trên) dưới chỗ nồi cần vá để chúng kết dính mối vá, không làm chảy nước.

Có người còn chế tạo bí quyết riêng thay vì chỉ dùng ximăng. Như ông Mười Ích sau khi mày mò làm thử bằng ximăng, ông được người cháu chỉ cho cách trộn ximăng chung với một loại keo hàn đồ mua ở chợ Kim Biên để miếng vá có "tuổi thọ" hơn. 

Có người còn chế loại keo này bằng loại nhựa đường tự nấu để khi cần hơ trên lửa rồi thực hiện công đoạn hàn như các ông thợ vá ép xe đạp ngày nay.

"Hàn nồi nhà thấy thành công nhưng đến lúc đi làm, hàn nồi nhà người ta xong 3, 4 tháng sau tôi mới dám quay lại. Vì sợ quay lại sớm, người ta mắng vốn mình làm không tốt, nồi vẫn chảy nước. Đến lúc quay lại người ta trách "sao lâu quá mới thấy chú quay lại mà nhà thì có mấy cái xoong cần vá". Lúc đó tôi mới mừng, hết hồi hộp trong bụng" - ông Mười Ích cười kể.

Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ 3: Ai hàn nồi, vá chảo không? - Ảnh 3.

Ông Giả Văn Trưởng hàn lại một cái nồi hư - Ảnh: T.TIÊN

"Nịnh" thợ vá nồi

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, khoảng thập niên 1980, nghe từ xa có tiếng rao "Ai hàn nồi, hàn xoong hông?", bà nội tôi đã nhắc thím nhớ đem cái chõ bị lủng ra cho ông thợ hàn dù thím bảo thôi, để mua chõ mới. 

Nội tôi tiếc cái chõ còn tốt mà bỏ thì phí, chưa kể là nó gắn bó thiết thân như mấy chục chén kiểu "mua hồi đám cưới cô Năm mày".

Dù biết cứ vài tháng ông thợ vá xoong nồi lại rảo qua, nhưng nếu nhà có nồi hư là gia chủ cứ nhấp nhổm, chờ mong họ mau đến. Không trả giá, không cò kè gì với người hàn nồi, có nơi gia chủ còn gọi thêm hàng xóm để ông thợ quen của mình "sẵn đây kiếm thêm chút bạc". 

Thậm chí gia chủ còn "nịnh", kêu cà phê cho thợ uống, mời cơm khi đến bữa. Chính nhờ đó, những người như ông Tám Ích, Hai Trưởng chấp nhận xa nhà, đi làm ăn nơi khác vài ngày hay cả tháng để nuôi bầy con nheo nhóc thời nghèo khó.

"Hồi đó tôi đi hàn nồi xa, bả cũng háy, cũng nguýt dữ lắm. Mình hàn gần thì bả không dám nói gì. Rồi thấy mình ở xa có nhiều phụ nữ họ đưa đẩy thì mình cũng đẩy đưa cho vui vậy thôi chứ không có léng phéng gì hết. Cũng vì miếng cơm manh áo cho cả nhà mà mình đi làm xa, chứ có ai muốn xa vợ xa con, mỗi ngày đạp xe mấy chục cây số đâu" - ông Hai Trưởng tâm sự.

Đến giờ ông Mười Ích vẫn nhớ lại những ngày mình đạp xe từ Sài Gòn về thăm vợ con ở huyện Gò Công Đông, Tiền Giang năm xưa. Ông đi từ sáng mà tới chiều tối mới đến nhà vì vừa đạp xe vừa rao, tranh thủ kiếm thêm chút tiền trên đường về. 

Nhờ trời thương cho ông sức khỏe nên suốt 30 năm qua, chỉ với chiếc xe đạp cũ mà ông nuôi được vợ và 7 người con, dựng vợ gả chồng cho con đàng hoàng. 

Đến giờ dù con cái có cuộc sống khá giả, không cho cha đi hành nghề như xưa nhưng ông vẫn thương nhớ cái nghề từng là cần câu cơm của mình.

Ở nhà ba năm nay nhưng hàng xóm ai muốn vá nồi cũ mang sang ông Mười Ích đều giúp, không lấy tiền. Thấy cái ấm nhôm vẫn còn tốt của mình bị lủng đáy, ông lấy một nắp nồi dư khác hàn vào để tiếp tục sử dụng. 

Ông khoe mấy đứa con nay nên người, đã có của ăn của để và cười kể: "Thấy cha nó lụi cụi đục đục, hàn hàn, tiếp tục dùng lại đồ cũ vậy mà không có đứa nào cằn nhằn hết đó".

Nghe tôi hỏi chuyện nghề, ông kể nhiều nơi vẫn muốn ông đến giúp họ hàn nồi, nhất là ở các nhà hàng, quán ăn trên thành phố là mối quen của ông. 

"Hay mai mốt tôi gắn cặp loa rao thay giọng già để đi hàn nồi tiếp ta?" - ông Mười Ích cười nói. Nghe chồng hào hứng với chuyện xưa, vợ ông tiếp chuyện: "Ổng nói vậy thôi, chứ giờ hai chân ổng đều mổ khớp hết rồi. Có đi được đâu nữa"...

Hơn 40 năm làm nghề vá xoong nồi, giờ ông Hai Trưởng đã đau gối nên cũng bị các con không cho đi xa, chỉ ở nhà hàn nồi, xoong khi có hàng xóm mang đến. 

Ông ngậm ngùi: "Mà giờ mấy ai còn vá xoong nồi như hồi xưa đâu. Hầu hết họ đều xài hư rồi bỏ, mua nồi khác. Mà nồi hồi xưa cũng dày tốt hơn nồi bây giờ, nên hàn vá xong cho người ta xài cả thêm chục năm, mình cũng thấy vui bụng".

*******************

Không chỉ nhà quê cần mê bồ tre quây lúa, mà ngay nhiều nhà Sài Gòn thời nghèo khó hậu chiến cũng chẳng lạ lẫm gì khi dùng nó che chắn tạm những căn nhà xộc xệch, trống trước hở sau...

>> Kỳ tới: Nhớ mê bồ quây lúa

Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ 2: Leng keng cà rem dạoNhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ 2: Leng keng cà rem dạo

TTO - Leng keng, leng keng. Ai cà rem, cà rem đây. Đó là tiếng chuông lắc, lời rao thân thuộc khắp phố xá, làng quê mà những ai sống từ thập niên 1980 trở về trước không hề xa lạ.

Xem thêm: mth.91240230170401202-gnohk-oahc-av-ion-nah-ia-3-yk-ohk-oehgn-ioht-oar-gneit-mal-ohn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhớ lắm, tiếng rao thời nghèo khó - Kỳ 3: Ai hàn nồi, vá chảo không?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools