Tổng thống Palau Whipps (phải) làm cử chỉ "bắn tim" trong cuộc gặp với người đứng đầu Cơ quan hành pháp Đài Loan Tô Trinh Xương ngày 30-3 - Ảnh: CƠ QUAN HÀNH PHÁP ĐÀI LOAN
Tổng thống Whipps hôm 28-3 đã tới thăm Đài Loan trên danh nghĩa khai trương "bong bóng du dịch" giữa Palau và Đài Loan.
Tháp tùng ông Whipps trong chuyến đi đó còn có Đại sứ Mỹ tại Palau, ông John Hennesey-Niland. Theo giới quan sát, đó là một động thái kép thể hiện sự ủng hộ với Đài Bắc giữa vòng vây của Trung Quốc.
Ông Whipps, 52 tuổi, trở thành tổng thống của Palau vào năm ngoái sau khi đánh bại một đối thủ có quan điểm ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh.
Hãng thông tấn AFP của Pháp nhận xét Tổng thống Whipps của Palau đã nổi lên như một nhà lãnh đạo "hoài nghi Trung Quốc nhất ở Thái Bình Dương".
Nói về điều này, ông Whipps giải thích thái độ đó bắt nguồn từ các tương tác của ông với quan chức Trung Quốc. Sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng là một lý do.
"Tôi đã tiếp xúc với họ trước đây. Điều đầu tiên họ nói với tôi, trong một cuộc gọi qua điện thoại, là 'Những gì ông đang làm là bất hợp pháp, công nhận Đài Loan là bất hợp pháp. Ông cần phải dừng nó lại'", ông Whipps kể lại với AFP.
"Đó là giọng điệu họ dùng với tôi", tổng thống Palau nói tiếp. "Đừng bảo chúng tôi nên và không nên làm bạn với ai".
Theo ông Whipps, chuông điện thoại văn phòng của ông reo liên tục trong giai đoạn ông tranh cử tổng thống. "Có lúc họ gọi 16 cuộc một ngày. Nhưng sau bầu cử, tôi không còn nhận được cuộc gọi nào nữa".
Nằm cách Philippines khoảng 900km về phía đông, Palau chứng kiến sự bùng nổ về du lịch và sự xuất hiện của du khách Trung Quốc kể từ năm 2010. Nhưng năm 2017, Trung Quốc bất ngờ cấm các tour du lịch trọn gói nhằm gây sức ép kinh tế với đảo quốc nhỏ bé.
Tổng thống Whipps khẳng định hành động của Bắc Kinh đã phản tác dụng vì nó khiến người dân Palau nhận thức được cách hành xử của Trung Quốc.
Mỹ đã công bố kế hoạch lắp đặt hệ thống radar trên Palau trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc - Ảnh: AFP
Palau là một trong số 15 nước còn lại duy trì quan hệ với vùng lãnh thổ Đài Loan. Bằng cách chìa "củ cà rốt" kinh tế và thương mại lẫn giương cao "cây gậy" răn đe, Trung Quốc đã thành công trong việc rút ngắn danh sách các đồng minh ngoại giao của Đài Bắc.
Năm 2019, Solomons và Kiribati, hai nước ở Thái Bình Dương, đã đồng ý cắt đứt quan hệ với Đài Loan và chuyển sang công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Các đồng minh của Đài Loan trong khu vực giờ chỉ còn lại Palau, Marshall Islands, Nauru và Tuvalu, theo AFP.
Palau độc lập vào năm 1994 nhưng vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ, một hệ quả của Thế chiến thứ 2. Quốc đảo này cùng với Micronesia và Marshall Islands chấp nhận cho Mỹ đảm bảo an ninh quân sự thông qua Hiệp ước Liên kết tự do (COFA).
Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Mark Esper đã trở thành người đứng đầu Lầu Năm Góc đầu tiên đến thăm Palau.
Tổng thống Whipps không giấu tham vọng muốn có thêm các căn cứ quân sự của Mỹ ở Palau, điều mà ông hi vọng sẽ giúp quốc gia của mình bớt phụ thuộc vào du lịch hơn. "Tôi nghĩ mọi người đều có lợi từ việc này", ông Whipps nêu quan điểm.
Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực để thu hồi. Kể từ năm 2016, khi bà Thái Anh Văn lên làm lãnh đạo Đài Loan, Bắc Kinh đã gia tăng áp lực cả về kinh tế lẫn quân sự đối với Đài Bắc. Liên lạc giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã bị đình chỉ kể từ năm 2016.
TTO - Hôm 5-4, Hãng tin CNA của Đài Loan đặt vấn đề "không rõ tại sao" Trung Quốc điều nhiều máy bay quân sự tới phía tây nam Đài Loan. Một ngày sau, Thời báo Hoàn Cầu "trả lời": Để huấn luyện bao vây hòn đảo này.