Thương mại điện tử là một trong số ít ngành được hưởng lợi từ Covid-19 khi xu hướng mua sắm tại nhà tăng cao. Dịch Covid-19 khiến những người chưa từng mua sắm online bắt đầu làm quen dịch vụ, những người từng mua thì tần suất mua cao hơn, nâng thành thói quen.
Đại diện Shopee Việt Nam cho biết thông thường mua sắm online chỉ nhộn nhịp nhất vào dịp cuối năm nhưng năm 2020 đơn hàng của ứng dụng này tăng vọt từ đầu năm đến cuối năm. CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn cũng đưa ra nhận định lạc quan tương tự và qua năm 2020 cho thấy, càng ngày xu hướng online là bắt buộc cho dù kinh doanh cái gì.
Tuy là ngành tăng trưởng mạnh nhưng dưới góc độ cơ quan quản lý, Tổng cục thuế cho biết dù chính sách về quản lý thuế đối với kinh doanh TMĐT đã có nhưng chưa có quy định cụ thể về chính sách và quản lý thuế đối với các đối tượng đặc thù, dẫn đến phát sinh vướng mắc trong việc xác định thuế suất, hình thức khai thuế và trách nhiệm của các công ty đối tác và nhà cung cấp trên nền tảng trực tuyến nước ngoài. Điều này dẫn đến hiện tượng thất thu thuế.
Hiện lãnh đạo cơ quan thuế nhiều lần nhắc đến việc tăng cường trách nhiệm của các tổ chức trong việc khai thuế và nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh. Thông điệp này tiếp tục được thể hiện cụ thể hơn tại dự thảo Thông tư hướng dẫn và quản lý thuế với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang được lấy ý kiến.
Chia sẻ với VnExpress, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục thuế) cho biết, ngành thuế sẽ thay đổi tư duy quản lý với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Theo đó thay vì làm việc với từng người, cơ quan Thuế sẽ nắm đầu mối từ tổ chức có liên quan và dòng tiền chi trả.
Trong dự thảo Thông tư mới đang được xây dựng, các đơn vị trung gian được yêu cầu khai thông tin và thậm chí nộp thuế thay (nếu nắm dòng tiền) cho cá nhân và hộ kinh doanh. Trên tinh thần này, các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo hoặc các đơn vị giao vận sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin của chủ shop (nếu cư trú tại Việt Nam) cho cơ quan thuế. Dự thảo Thông tư này không điều chỉnh với nhà cung cấp nước ngoài.
Như vậy cách thức quản lý này sẽ giúp cơ quan thuế tiếp cận với doanh thu thực của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thông qua đơn vị thứ ba là sàn thương mại điện tử hay bên giao hàng.
Không chỉ thay đổi phương thức tiếp cận quản lý doanh thu thực của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, hiện cơ quan thuế còn triển khai các cách khác nhau để truy thu như: "Truy vết" trên mạng, qua đó nắm được tên, số tài khoản và truy thông tin từ ngân hàng, nắm thông tin trực tiếp.
Cụ thể chia sẻ với báo Tuổi trẻ, ông Phan Văn Dũng - chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 1, TP.HCM cho biết vừa qua cơ quan này đã thu thuế của một cá nhân kinh doanh quần áo qua mạng hơn 500 triệu đồng từ việc "truy vết" trên mạng.
"Thời gian qua, cơ quan thuế đã truy thu bằng nhiều cách khác nhau. Nhiều trường hợp cơ quan thuế xuống tận tổ dân phố để nắm bắt thông tin vì những nhà có kinh doanh online thì shipper thường xuyên ra vào nên tổ dân phố sẽ biết được. Sau đó, cơ quan thuế sẽ có cách để truy ra thông tin, thậm chí mua hàng để nắm được số tài khoản ngân hàng, từ đó yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản" - ông Dũng cho biết.
Tuy nhiên, thực tế người kinh doanh online hiện nay có nhiều chiêu giấu doanh thu nhằm đối phó. Ví dụ như người bán hàng trực tuyến sẽ đề nghị khách hàng khi chuyển khoản không ghi nội dung gồm các từ như "ck" hay "cọc" hay "mua hàng", "thanh toán"... mà nội dung chỉ đề tên Facebook là được, không nhắc đến từ hàng hóa gì. Hoặc có shop ưu tiên thu tiền mặt để xóa dấu vết.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị