Áp lực chốt lời vẫn xuất hiện dồn dập, thậm chí đè chỉ số đỏ gần như trọn phiên sáng. Tuy nhiên cầu bắt đáy vẫn là yếu tố đảm bảo thị trường không thể điều chỉnh.
Mặc dù VN-Index hôm nay tăng kém phiên trước, nhưng giao dịch thực tế lại mạnh hơn. Bằng chứng là độ rộng của sàn HSX rất tốt khi số lượng cổ phiếu tăng giá gấp đôi số giảm. Những nỗ lực hấp thụ lượng hàng chốt lời ngắn hạn được thu hẹp lại bằng những dao động ngay trong phiên.
Dòng tiền bắt đáy là yếu tố gây bất ngờ nhất sau khi VN-Index vượt đỉnh. VN-Index tăng liên tiếp sang phiên thứ 8 nhưng không phải là đà đi lên thẳng băng. Phiên nào thị trường cũng có những rung lắc, nhưng kết thúc vẫn là một ngày tăng điểm.
Hôm nay thị trường tích cực hơn nhờ độ rộng tốt. Tuy chỉ số bị một vài mã lớn gây sức ép rất mạnh, nhưng độ rộng lại đảm bảo một tình thế giao dịch thể hiện ưu thế của bên mua. Trong nhóm trụ, VHM giảm 1,38% khiến VN-Index mất tới hơn 1 điểm. Cổ phiếu này bị bán mạnh sau khi tạo 3 đỉnh bất thành. Suốt từ đầu năm 2021 đến nay, VHM không vượt qua nổi mốc 106.000 đồng. Phiên đầu tuần này VHM vươn lên cao nhất 105.000 đồng và bị chốt lời rất mạnh.
Ngoài VHM, nhóm trụ gồm VNM giảm 1,38%, GAS giảm 0,67%, BID giảm 0,44% cũng là các nhân tố kìm giữ chỉ số. Bất lợi lớn nhất chính việc không có trụ nào đủ xuất sắc để dẫn dắt. VIC kéo chỉ số lên nhiều nhất cũng chỉ tăng nhẹ 0,55% so với tham chiếu. Nhóm vốn hóa trung bình khá hơn như MSN, MBB, BVH, NVL, PDR, POW, TCH, TPB, VRE tăng trên 1%, nhưng ảnh hưởng khá nhỏ.
Thị trường cũng không có được nhóm cổ phiếu dẫn dắt phiên này. Ngân hàng sau nhiều ngày tăng tích cực, hôm nay phân hóa khá mạnh, MBB tăng 1,27%, TPB tăng 2,31% nhưng STB giảm tới 1,98%, BID giảm 0,44%, VCB, TCB, CTG đều cố gắng mới giữ được tham chiếu.
Trong các mã ngân hàng, STB xuất hiện phiên xả hàng đáng chú ý thứ 2 liên tiếp. Hôm qua cổ phiếu này đã lao dốc 1,7%, hôm nay giảm tiếp 1,98%. Thanh khoản của STB đều duy trì trên 1.000 tỷ đồng. Đây là hệ quả của đà tăng quá nóng trong ngắn hạn của cổ phiếu này. Trong chưa đầy 10 phiên vừa qua, STB đã tăng tới 25,8% và vượt đỉnh lịch sử. Khi có đỉnh cao mới nghĩa là mọi nhà đầu tư mua trước thời điểm T+2 gần nhất đều đã có lãi. Do đó bất kỳ lúc nào cũng thường trực một khối lượng chốt lời rất lớn.
VN30-Index chốt phiên hôm nay tăng 0,19% với 17 mã tăng và 7 mã giảm. Điều này phần nào cho thấy thị trường chịu áp lực từ số ít cổ phiếu lớn giảm giá, hơn là áp lực chung trên toàn thị trường. Nỗ lực phục hồi cũng bị hạn chế bởi tình trạng nghẽn lệnh. VN-Index sau khi sụt giảm khá nhanh ngay đầu phiên sáng đã quay đầu phục hồi. Tuy vậy gần như phiên chiều sàn HSX giao dịch không nổi, giá trị khớp chỉ 758 tỷ đồng. Do đó mức phục hồi của chỉ số cũng bị giới hạn đáng kể.
Bù lại, độ rộng của sàn này cho thấy diễn biến hồi giá là khá tốt. Cả sàn HSX có 291 mã tăng so với 157 mã giảm. Trong khi đó đầu phiên sáng VN30-Index có lúc giảm 0,6% so với tham chiếu, Midcap giảm 0,3%, Smallcap giảm 0,09%, tức là đa số cổ phiếu đều giảm giá. Như vậy diễn biến hồi giá là tình trạng chung của thị trường. Mặt khác mặc dù VN-Index tăng rất yếu, nhưng HSX ghi nhận gần 150 cổ phiếu tăng quá 1%. Như vậy đối với nhà đầu tư, hôm nay không phải là một phiên giao dịch tồi tệ.
Thị trường xuất hiện tình trạng nghẽn lệnh khá sớm nên thanh khoản hôm nay giảm nhẹ hơn 3% trên sàn HSX và cả hai sàn khớp lệnh giảm gần 7%. HNX giao dịch giảm tới 21% do SHB bắt đầu "ngót" thanh khoản đáng kể. Cổ phiếu này phục hồi 0,8% so với hôm qua nhưng thanh khoản kém nhất kể từ đầu năm.
Khối ngoại quay lại bán ròng nhẹ khoảng 60 tỷ đồng ở sàn HSX, chủ đạo là do CTG và VNM. Hai mã này bị xả quá nhiều, trong đó CTG bán ròng gần 182 tỷ đồng, VNM bán ròng 90,8 tỷ đồng. Một vài cổ phiếu được mua ròng nổi bật như VRE, MBB, HPG, HDB, VCB đều trên ngưỡng 30 tỷ đồng. Tuy nhịp mua ròng đã chấm dứt nhưng mức độ bán ròng cũng không còn lớn như trước. Dù sao đây vẫn là tín hiệu tích cực.
Xem thêm: mth.51454155170401202-gnat-ad-ort-oh-ud-yad-tab-uac-neihp-gnort-cal-gnur/nv.ymonocenv