Hãng tin Reuters dẫn lời ông Kyaw Zwar Minn - Đại sứ Myanmar tại Anh - ngày 7-4 cho biết ông đã bị ngăn không cho vào tòa nhà đại sứ quán của nước này tại London.
Theo các nguồn tin, cấp phó của ông Zwar Minn đã đuổi ông ra khỏi tòa nhà trên danh nghĩa thay mặt chính quyền quân sự Myanmar.
Những tuần gần đây, ông Zwar Minn đã thể hiện sự phản đối chính biến đối với chính quyền quân sự Myanmar, kêu gọi trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.
Phán đối chính biến, đại sứ Myanmar tại Anh bị 'cấm cửa'. Ảnh: AFP
Trao đổi với Reuters bên ngoài tòa đại sứ quán ở trung tâm London, ông Zwar Minn cho biết: “Tôi đã bị cấm cửa”.
"Đó là một kiểu chính biến, ngay giữa lòng London ... bạn có thể thấy họ đã chiếm tòa nhà của tôi" - ông Zwar Minn bày tỏ, nói thêm rằng ông đang trao đổi với Bộ ngoại giao Anh về vụ việc này.
“Đây là tòa nhà của tôi, tôi cần vào trong. Đó là lý do tại sao tôi chờ đợi ở đây” - ông Zwar Minn nói.
Reuters dẫn bốn nguồn tin ngoại giao am hiểu vấn đề này nói rằng Phó Đại sứ Chit Win cùng tùy viên quân sự đã không cho vị đại sứ vào trong tòa nhà.
Ông Zwar Minn đã nói chuyện với những người biểu tình bên ngoài tòa nhà đại sứ quán, khu vực có lực lượng cảnh sát túc trực bảo vệ.
“Chúng tôi biết về một cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Myanmar ở Mayfair, London. Các nhân viên trật tự công cộng đã có mặt. Không có không có vụ bắt giữ nào” - cảnh sát cho biết trong một tuyên bố.
Trước đó, Đại sứ Zwar Minn đã kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi và Tổng thống Win Myint, động thái đã nhận được sự khen ngợi về “lòng dũng cảm” từ Ngoại trưởng Anh Dominic Raab.
Anh đã trừng phạt các thành viên của quân đội Myanmar và một số tập đoàn do quân đội Myanmar kiểm soát sau cuộc chính biến, đồng thời yêu cầu khôi phục nền dân chủ tại nước này.
Văn phòng đối ngoại của Anh chưa đưa ra bình luận về vụ việc.
Tình hình chính biến tại Myanmar tiếp tục diễn biến phức tạp, khi đến này đã ghi nhận ít nhất 570 người thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em và gần 3.000 người bị bắt. Tình trạng bạo lực của chính quyền quân sự Myanmar chưa có dấu hiệu chấm dứt, bất chấp những lời kêu gọi và lên án từ nhiều quốc gia trên thế giới.