Binh sĩ Đài Loan đồn trú trên quần đảo Đông Sa tháng 1-2000 - Ảnh: CƠ QUAN PHÒNG VỆ ĐÀI LOAN
"Chúng chưa tiến vào các vùng biển và vùng trời hạn chế. Nhưng nếu chúng xâm nhập, chúng tôi sẽ làm theo luật. Nếu cần phải nổ súng, chúng tôi sẽ nổ súng", Hãng tin Reuters trích lời ông Lee nhấn mạnh ngày 7-4.
Quần đảo Đông Sa có vị trí chiến lược trên Biển Đông và cách Hong Kong (Trung Quốc) khoảng 170 hải lý về phía đông nam.
Trong cuộc điều trần trước Cơ quan lập pháp Đài Loan ngày 7-4, ông Lee xác nhận lực lượng tuần duyên Đài Loan đã phát hiện UAV Trung Quốc xung quanh Đông Sa. Thông tin làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh đang tìm cách gây sức ép lên Đài Bắc bằng một hình thức mới, sau máy bay chiến đấu và tàu chiến.
Tuy nhiên, ông Lee lưu ý các UAV Trung Quốc chỉ mới bay vòng xung quanh Đông Sa. Lực lượng Đài Loan đồn trú trái phép trên đảo Ba Bình cho biết vẫn chưa thấy sự xuất hiện của UAV Trung Quốc.
Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Đài Loan chiếm đóng và kiểm soát bất hợp pháp.
Ông Lee không nói rõ loại UAV mà Trung Quốc sử dụng là gì nhưng mô tả đây là một phần trong chiến lược "vùng xám" của Bắc Kinh. Bản chất của chiến lược này là luôn tạo ra căng thẳng và sức ép nhưng giữ căng thẳng ở mức có thể kiểm soát, tránh kích hoạt xung đột diện rộng.
UAV Wing Loong II của Trung Quốc trong một cuộc triển lãm vũ khí - Ảnh: XINHUA
Trung Quốc đang tăng tốc phát triển các loại UAV dùng cho mục đích quân sự, từ trinh sát đến tấn công mặt đất và đã đạt được một số kết quả đáng kể. Trong khi UAV Wing Loong II đã bắt đầu được xuất khẩu, Bắc Kinh cũng đẩy nhanh phát triển UAV phản lực hoạt động tầm xa WJ-700. Cả hai loại UAV này đều có thể mang theo ít nhất 8 loại bom và tên lửa khác nhau.
Ông Michael Mazza, một chuyên gia Mỹ, nhận định Trung Quốc có thể nhắm tới Đông Sa nhiều hơn. Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực để buộc hòn đảo này về với đại lục.
"Một ngày nào đó, Bắc Kinh có thể sẽ chiếm quần đảo Đông Sa. Đó có thể bước đầu tiên trong cuộc tấn công vào Đài Loan hoặc chỉ là một biện pháp ép Đài Loan thống nhất. Đó cũng có thể là một cách để kiểm tra phản ứng của quốc tế, hoặc là một phần trong nỗ lực củng cố khả năng kiểm soát Biển Đông", ông Mazza nêu quan điểm trên truyền thông Mỹ.
TTO - Quân đội Trung Quốc cho biết họ đã theo dõi tàu khu trục USS John S. McCain khi tàu này qua eo biển Đài Loan ngày 7-4 và cáo buộc đây là hành động đe dọa hòa bình, ổn định. Phía Mỹ nhắc lại cam kết với Đài Loan "vững như bàn thạch".