Xây dựng đổi mới sáng tạo thành động lực tăng trưởng - chặng đường phía trước
GS. Nguyễn Đức Khương (*) - ThS. Phạm Trường Thi (**)
(KTSG) - Việt Nam cần một chiến lược kinh tế linh hoạt, tự chủ dựa trên đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất và phát triển năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nghiên cứu tế bào gốc trong phòng thí nghiệm. Nguồn: Viện Tế bào gốc |
Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia trên thế giới vừa kiểm soát tốt được dịch bệnh, vừa duy trì được hoạt động kinh tế, ổn định xã hội và có tăng trưởng dương trong năm 2020. Đây cũng là năm ghi nhận lần thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên hiệp quốc (WIPO), dẫn đầu trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập trung bình thấp.
Kinh tế thế giới trong năm 2021 vẫn còn nhiều thách thức lớn do vấn đề dịch bệnh. Để thích nghi với một thế giới thay đổi nhanh chóng và luôn biến động khó lường, Việt Nam cần một chiến lược kinh tế linh hoạt, tự chủ dựa trên đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất và phát triển năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trước hết, Việt Nam nên tập trung đầu tư vào những lĩnh vực có thể đổi mới sáng tạo một cách đơn giản và đem lại lợi ích kinh tế nhanh chóng. |
Cuộc chơi tất yếu
Nhanh hay chậm, trước hay sau, tất cả các quốc gia đều bước vào cuộc chơi của kinh tế sáng tạo và nền tảng của nó là đổi mới sáng tạo.
Ngay cả khi đã là những nền kinh tế phát triển, khối Bắc Mỹ và châu Âu vẫn đang phải duy trì đổi mới sáng tạo như là nền tảng để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu.
Nước Mỹ hiện nay với GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft) đang dẫn đầu nền kinh tế số của thế giới. Tháng 8-2020 vừa qua, Apple đã trở thành công ty Mỹ đầu tiên đạt mốc 2.000 tỉ đô la giá trị vốn hóa thị trường, qua đó trở thành minh chứng mới nhất cho thấy các tập đoàn công nghệ lớn vẫn tiếp tục hoạt động tốt trong đại dịch Covid-19.
Nhận thấy sự phát triển trì trệ của các tập đoàn kinh tế truyền thống và sự phụ thuộc quá nhiều vào các nền tảng công nghệ nước ngoài, từ năm 2019 Chính phủ Pháp quyết định sẽ đầu tư 5 tỉ euro vào các công ty khởi nghiệp để đạt được mục tiêu có 25 kỳ lân (doanh nghiệp công nghệ có giá trị trên 1 tỉ đô la) vào năm 2025.
Về lâu dài, Việt Nam nên đầu tư trọng điểm vào các ngành khoa học cơ bản có tính ứng dụng cao, xây dựng một số trường kỹ sư xuất sắc tập trung vào một số ít những lĩnh vực mũi nhọn như máy tính lượng tử, nghiên cứu tế bào gốc, trí tuệ nhân tạo, công nghệ y sinh, công nghệ giống cây trồng - vật nuôi,... Đây là những công việc mà với nguồn lực hạn chế, chúng ta không thể làm một mình. |
Dù là nước phát triển sau nhưng với một thị trường nội địa khổng lồ và chính sánh tự cường mạnh mẽ, chỉ trong vòng 20 năm, Trung Quốc đã hình thành riêng cho mình một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn toàn độc lập, trở thành đối trọng chính của khối Bắc Mỹ và châu Âu.
Hiện nay, BATX (viết tắt tên của các tập đoàn Baidu, Alibaba, Tencent và Xiaomi) đã chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường công nghệ và kinh tế số nội địa Trung Quốc, đồng thời phát triển nhanh chóng tại nước ngoài. Theo CB Insights, Trung Quốc hiện có 120 kỳ lân công nghệ, chỉ đứng sau Mỹ (137).
Chặng đường phát triển phía trước không chỉ cần một tinh thần tiên phong, mà còn cần một môi trường chính sách hiệu quả, hấp dẫn.
Sẽ là không trễ nếu Việt Nam chọn một vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo cho những thập kỷ tới đây. Đây cũng là chủ đề được nhấn mạnh trong dự thảo văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13. Từ khóa “đổi mới sáng tạo” được lặp đi lặp lại 45 lần, từ khóa “kinh tế số” lặp đi lặp lại 17 lần trong “Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030”.
Nếu so sánh với các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12, cách đây năm năm, khi Việt Nam chỉ dừng ở mức khuyến khích đổi mới sáng tạo, thì sự chuyển biến này chính là một bước tiến nổi bật. Đây rõ ràng là một sự đồng thuận của xã hội từ địa phương đến trung ương, từ người dân đến doanh nghiệp và Chính phủ về sự cần thiết của đổi mới sáng tạo.
Bắt đầu từ đâu?
Đổi mới sáng tạo là một quá trình tích lũy liên tục. Không phải một sớm một chiều mà chúng ta dễ dàng đạt được.
Mục tiêu hướng đến ở cấp độ toàn xã hội là trình độ “sáng tạo đột phá” cho phép tạo ra những thay đổi đột biến trong các ngành công nghiệp và cấu trúc lại nền kinh tế thông qua việc không ngừng phá hủy những cái cũ và sáng tạo những cái mới.
Đây là một khái niệm trong lý thuyết kinh tế sáng tạo được nhà kinh tế gốc Áo, Joseph Schumpeter, phát triển trong những năm 1950 của thế kỷ 20. Môi trường toàn cầu hóa với nhiều bất định, xu hướng hạn chế phụ thuộc vào các cú sốc và rủi ro đến từ bên ngoài đang thôi thúc các quốc gia tập trung vào năng lực đổi mới sáng tạo nội tại. Kết quả kỳ vọng của quá trình này là tăng năng suất và làm đòn bẩy cho tăng trưởng trong dài hạn.
Ở thời điểm hiện tại, không một lợi thế cạnh tranh nào là sẵn có. Tất cả đều phải được xây dựng và thiết kế. Điều này càng đúng với đổi mới sáng tạo.
Một chiến lược được xây dựng một cách rõ ràng với các mục tiêu và lộ trình cụ thể là tiền đề bắt buộc để Việt Nam có thể tham gia vào sân chơi cạnh tranh toàn cầu này trong thời gian tới, từ đó hiện thực hóa mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045.
Trước hết, Việt Nam nên tập trung đầu tư vào những lĩnh vực có thể đổi mới sáng tạo một cách đơn giản và đem lại lợi ích kinh tế nhanh chóng. Cải tiến liên tục các công cụ sản xuất hiện có để nâng cao năng suất, thay đổi các quy trình nghiệp vụ và phương pháp sản xuất để tiết kiệm chi phí, hoặc thay đổi phương thức kinh doanh để tạo ra nhiều giá trị hơn cũng là một cách đổi mới sáng tạo mà không tốn kém nhiều nguồn lực của xã hội. Với cách làm này, tập đoàn Tata của Ấn Độ đã phát triển được chiếc xe hơi Nano giá rẻ nhất thế giới. Hoặc chúng ta có thể thấy phong cách thiết kế các sản phẩm điện tử và thời trang của Nhật Bản luôn luôn được đơn giản hóa và tối ưu đến từng chi tiết nhỏ.
Tiếp đến phải tìm cách quy hoạch, định vị và thành lập các cụm kinh tế cạnh tranh nhằm kết nối và thúc đẩy kinh tế vùng miền. Tại mỗi cụm kinh tế cạnh tranh này cần thiết lập một lõi cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với đầy đủ các thành phần như tập đoàn lớn, công ty vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp, quỹ đầu tư, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà đầu tư thiên thần, chuyên gia và nhà nghiên cứu độc lập cùng nhau hợp tác và triển khai hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Chính quyền trung ương và địa phương cần ưu tiên thực hiện các dự án trong những ngành công nghiệp đáp ứng được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam về phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, phổ cập giáo dục,… nhằm dễ dàng thu hút các nguồn đầu tư trong nước và quốc tế.
Một ví dụ gần với chúng ta là tỉnh Quý Châu (Trung Quốc), từng được biết đến là một trong những tỉnh nghèo nhất của Trung Quốc, đã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân, rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương khác nhờ vào ngành công nghiệp dữ liệu.
Với lợi thế về địa lý, khí hậu và chi phí vận hành, tỉnh Quý Châu đã thu hút được các tập đoàn Internet của thế giới và Trung Quốc đến đầu tư và xây dựng những trung tâm lưu trữ dữ liệu khổng lồ. Các công ty xử lý dữ liệu đặt tại Quý Châu được hưởng ưu đãi như giá thuê đất rẻ hơn, không tính phí sử dụng Internet và điện trong ba năm, và hưởng mức thuế thấp trong năm năm. Được đặt tên là “Khu vực đầu tiên thử nghiệm toàn diện dữ liệu lớn quốc gia”, Quý Châu đã phát triển ngành công nghiệp dữ liệu lớn từ con số 0 vào năm 2014 thành một ngành công nghiệp tiên tiến chiếm hơn 20% tăng trưởng kinh tế của tỉnh như ngày nay.
Về lâu dài, Việt Nam nên đầu tư trọng điểm vào các ngành khoa học cơ bản có tính ứng dụng cao, xây dựng một số trường đào tạo kỹ sư xuất sắc tập trung vào một số ít những lĩnh vực mũi nhọn như máy tính lượng tử, nghiên cứu tế bào gốc, trí tuệ nhân tạo, công nghệ y sinh, công nghệ giống cây trồng - vật nuôi,...
Đây là những công việc mà với nguồn lực hạn chế, chúng ta không thể làm một mình mà cần hội nhập tích cực vào dòng chảy tri thức, khoa học và công nghệ của nhân loại thông qua các cơ chế hợp tác dựa trên đổi mới sáng tạo mở. Hợp tác và liên kết với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia và các nước có nền công nghệ phát triển, chia sẻ và học hỏi một cách cởi mở và minh bạch với họ là cách tạo ra sản phẩm - dịch vụ mới, tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm quốc tế ở định vị cao. Cơ hội cho xây dựng lợi thế cạnh tranh và từng bước từ nước đi sau trở thành quốc gia dẫn đầu trong các xu thế mới chỉ đến khi chúng ta chủ động bước vào các cuộc chơi lớn.
(*) Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu, trường Kinh doanh IPAG, Paris, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global)
(**) Chuyên gia tư vấn công ty Geoconcept, Pháp, Giám đốc Mạng lưới Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, AVSE Global