Sau khi phát hiện khu vực khai thác gỗ trái phép thuộc tiểu khu 1432 (rừng giáp ranh giữa huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô, tỉnh Đăk Lăk), lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra thì lâm tặc cùng máy móc, phương tiện đã kịp rút ra khỏi rừng. Hiện trường còn lại là hơn 10m3 gỗ hộp các loại chưa kịp tẩu tán.
"Từ trụ sở đến khu vực giáp ranh gần nhất cũng 60 km, xa nhất khoảng 150km; hệ thống trạm trại chưa đủ" - ông Hoàng Thi Thơ, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba, Gia Lai cho biết.
Lý do mà chủ rừng đã nêu chưa thực sự thuyết phục vì trên thực tế, hoạt động khai thác rừng trái phép ở đây đã diễn ra khá lâu mà chủ rừng và lực lượng chức năng chưa kịp thời phát hiện. Tại hiện trường, ngoài hơn 100 cây gỗ mới thì còn rất nhiều gốc cây cũ. Những đường mòn nằm sâu trong rừng còn được lâm tặc kê ván làm cầu qua những khe suối, thậm chí những đoạn dốc cao còn đổ bê tông để dễ vận chuyển gỗ.
Lâm tặc kê ván làm cầu qua khe suối để vận chuyển gỗ.
Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: "3 huyện giáp ranh đều có đường vào rừng nên cả 3 huyện phải cùng quyết tâm thì mới hiệu quả. Chúng ta không vào cuộc đồng loạt, liên tục thì hiệu quả vẫn thấp".
Trong 3 tháng đầu năm 2021, cơ quan kiểm lâm tỉnh Gia Lai ghi nhận 96 vụ khai thác gỗ trái phép. Như vậy, trung bình mỗi ngày, Gia Lai phát hiện ít nhất 1 vụ phá rừng. Trong đó, những khu rừng giáp ranh đang là sự lựa chọn của các đối tượng lâm tặc tại địa phương này. Vì vậy, cần có sự vào cuộc quyết liệt, của các địa phương cũng như công tác phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các khu vực rừng giáp ranh.
VTV.vn - Giá bất động sản biến động tăng mạnh cùng tình trạng người dân thiếu đất sản xuất khiến nạn phá rừng chiếm đất sản xuất gia tăng và diễn biến phức tạp ở một số địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!