Bánh trứng kiến có giá từ 190.000-380.000 đồng/kg tùy nơi bán. Những người bán bánh này giới thiệu, đây là đặc sản của người dân tộc Tày, Nùng, Thái sinh sống ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang.
Bánh chỉ có vào khoảng tháng Ba âm lịch, là sản phẩm không thể thiếu trong dịp tết Hàn thực (mùng Ba tháng Ba âm lịch) của đồng bào các dân tộc vùng cao phía Bắc.
Bánh trứng kiến gai đen được bán với giá lên đến 380.000 đồng/kg |
Chị Thi - dân tộc Tày, ở tỉnh Bình Phước, đang bán loại bánh này - cho biết, tất cả nguyên liệu để gói loại bánh này đều từ thiên nhiên, gồm bột nếp nương, nếp Lào hoặc nếp hạt cau, lá để gói bánh là lá vả (thuộc họ sung), nhân bánh làm bằng trứng non của kiến. Có nơi làm nhân bánh bằng 100% trứng kiến, có nơi trộn trứng kiến với thịt heo rừng, mộc nhĩ, hành tím, lá kiệu.
Để có được trứng kiến ngon, người ta lên rừng tìm ổ những loài kiến lành như kiến gai đen thân nhỏ, đuôi nhọn, thường làm tổ trên các loại cây vầu, nứa, găng. Trứng kiến non to như hạt gạo, có màu trắng sữa, thân mẩy và tròn.
“Do thu hoạch trứng kiến khá cực nên bánh có nhân làm từ nhiều trứng kiến thì giá cao hơn so với bánh có nhân trộn thịt. Không phải mùa nào cũng làm được bánh có nhân trứng kiến vì kiến đẻ trứng theo mùa. Hiện mỗi ngày, tôi giao về TPHCM và các tỉnh lân cận khoảng 20-30kg bánh” - chị Thi nói.
Tại TPHCM, một số cửa hàng cũng bán trứng kiến gai đen dưới dạng đặc sản. Tại một cửa hàng chuyên về sản phẩm này ở Quốc lộ 1A, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, trứng kiến gai đen được trữ đông lạnh với số lượng lớn để bán sỉ quanh năm. Anh L. - chủ cửa hàng - cho biết, loại trứng kiến này rất bổ, được ví là thần dược phòng the cho phái mạnh, có thể chế biến thành nhiều món ăn. Không ít người mua về trộn vào xôi để bồi bổ cho trẻ biếng ăn, gầy yếu hoặc rang muối, làm bánh, kho với dưa cải, làm gỏi, nấu canh với lá giang, ngâm rượu. “Trứng kiến tại đây được bắt trong rừng hằng tuần nên luôn tươi ngon, giá từ 220.000-450.000 đồng/kg tùy trứng to hay nhỏ, trứng đã nở thành kiến con nhiều hay ít” - anh L. nói.
Về độ bổ dưỡng của trứng kiến, đến nay vẫn chưa có công bố khoa học nào nhưng trên thực tế, đã có một số trường hợp ngộ độc, dị ứng khi ăn sản phẩm này. Mới đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận một trường hợp bị dị ứng do ăn trứng kiến, nhập viện trong tình trạng da sần ngứa, mẩn đỏ nổi thành từng mảng, sưng nề quanh mắt.
Vào tháng 3/2020, một người ở tỉnh Phú Thọ đã bị sốc phản vệ sau khi ăn bánh nếp có nhân trứng kiến gai đen với các triệu chứng như ngứa, nổi mề đay toàn thân và sốc nặng, mất ý thức, thở rít, nồng độ ô-xy trong máu dưới 70%, toàn thân tím tái, mạch nhanh, huyết áp không đo được.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên Khoa Y học cổ truyền, Trường đại học Y Dược TPHCM - cho biết, trong trứng kiến gai đen và các loại kiến nói chung, có chứa nhiều protein lạ như arginine, proline, histidine… có thể gây dị ứng, ngộ độc, sốc phản vệ cho người ăn, nhất là trẻ nhỏ và những người có cơ địa dị ứng. Nên cẩn trọng với các loại trứng kiến được bảo quản quá lâu vì chúng có thể biến đổi chất, có thể gây ngộ độc, sốc phản vệ, rất nguy hiểm tính mạng. Hiện chưa có công trình nghiên cứu rõ ràng về công dụng bồi bổ, chữa bệnh của trứng kiến. Các công trình chỉ dừng lại ở việc phân tích trứng kiến có nhiều chất dinh dưỡng, nhiều a-xít amin.
Còn theo bác sĩ Trần Văn Năm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TPHCM - để thu trứng kiến rừng, người bắt có thể dùng thuốc xịt kiến, thuốc này ảnh hưởng trực tiếp đến trứng, gây hại cho sức khỏe con người khi ăn vào. “Những người có cơ địa dị ứng nên thận trọng không chỉ với trứng kiến mà cả các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ. Sau khi ăn, nếu có biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn, nổi mẩn ngứa, rối loạn tiêu hóa thì nên đến cơ sở y tế ngay, không được tự ý mua thuốc uống để tránh làm cho tình trạng bệnh nặng thêm” - bác sĩ Trần Văn Năm khuyến cáo.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.9531341a-cod-ogn-gnuhc-ioc-ned-iag-neik-gnurt-na/nv.moc.enilnounuhp.www