Kinh doanh cá Koi: Có tiền thôi chưa đủ
Nhân Tâm
(KTSG Online) – Nuôi và kinh doanh cá Koi không còn là chuyện lạ ở Việt Nam. Nhưng theo đuổi đam mê kinh doanh với sinh vật có giá trị có thể lên đến tỉ đồng mỗi con này tại thị trường như Đà Nẵng không phải chuyện dễ.
Doanh nhân Trần Thướt Vỹ đang gặt hái những thành công đầu tiên sau gần 10 năm đam mê và kinh doanh cá Koi. Ảnh: Nhân Tâm |
Nuôi dưỡng đam mê
Anh Trần Thướt Vỹ đam mê chơi cá Koi từ năm 2012 khi đang làm cho một công ty nhà nước. Nhưng với tiền lương hằng tháng vào thời điểm đó, anh chỉ đủ mua một con cá Koi. Vậy nên để thỏa mãn niềm đam mê của mình, anh Vỹ đã nghĩ ra nhiều cách làm thêm để tích lũy vốn, như mua đi bán lại cá Koi, làm dịch vụ có liên quan đến mùa cao điểm đón khách du lịch như dịp Đà Nẵng tổ chức lễ hội bắn pháo hoa, lễ, hè…
Anh Vỹ cho biết việc mua đi bán lại cá Koi cũng giúp anh hiểu thêm và kỹ lưỡng về loài cá này và cũng tích lũy ít nhiều tiền. Khoảng năm 2014, anh đã có đủ tiền để phát triển kinh doanh cá Koi. Tuy nhiên, tiền không phải tất cả và không có con đường nào trải đầy hoa hồng mà không có chông gai và thử thách.
“Có những khó khăn, tưởng chừng như tôi không thể chịu nổi vì ít kinh nghiệm và thiếu thông tin nuôi và kinh doanh cá với số lượng lớn tuy rằng vào thời gian đó vẫn có người chơi ở Đà Nẵng”, anh Vỹ kể và chia sẻ vào thời điểm đó giá trị một con cá Koi khoảng 4-5 triệu đồng và anh có lúc chịu lỗ doanh thu đến gần 1 tỉ đồng.
Không khuất phục trước khó khăn, anh Vỹ sau đó chịu khó bỏ ra nhiều tháng để đi học, tìm hiểu tất tần tật về cá Koi, bao gồm các loại bệnh và cách chữa đến mức độ nhìn nước ở hồ là biết cá có khỏe hay không.
Sau thời gian học hỏi, anh tiếp tục lao vào con đường kinh doanh. Và để quảng bá cá Koi cho nhiều người ở Đà Nẵng bên cạnh các thị trường khác như Hà Nội hay TPHCM, anh Vỹ thấy mở quán café cá Koi là phương pháp hợp lý vì vừa tạo không gian cho các gia đình đến chơi và vừa ngắm cá Koi. Đây chính là cơ hội tốt nhất để anh tiếp cận khách hàng.
Đến năm 2017, anh mở quán café kết hợp nhà hàng cá Koi đầu tiên tại đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà của Đà Nẵng với tên gọi Nhà Koi Cafe &Restaurant. Năm 2018, anh mở thêm một cơ sở khác tại đường Xuân Thủy, quận Cẩm Lệ trước khi mở trại cá Koi vào năm 2018.
“Chi phí vận hành một quán café có cá Koi rất lớn. Đến nay tôi vẫn phải bù lỗ, nhưng tôi xem đây như là chi phí marketing (tiếp thị, quảng bá)”, doanh nhân trẻ 34 tuổi chia sẻ.
Hướng đến kinh doanh tử tế
Ngồi kể đến đây bên hồ cá Koi trong không gian thoáng đãng bên quán café của mình, giọng anh Vỹ càng lúc càng hào hứng khi nói về việc kinh doanh cá Koi của mình. Theo anh Vỹ, việc nuôi và kinh doanh cá Koi này cần sự tỉ mỉ, thận trọng và tử tế mới thành công được.
Mô hình mở café - nhà hàng có hồ cá Koi, theo anh Vỹ, là một lựa chọn hợp lý để quảng bá và tiếp cận khách hàng. Ảnh: Nhân Tâm |
Đơn cử như việc xử lý 1-2 con cá Koi thì dễ nhưng xử lý vài ngàn con cá Koi khi mới nhập về thì rất rủi ro và đòi hỏi kỹ thuật cao. Hiện nay, anh đang là thành viên của Hội xúc tiến Nishikigoi (Hội cá Koi của Nhật). Đây là chứng nhận để mua và đấu giá cá Koi để bán.
Tiếp đó, khâu quan trọng không kém là dưỡng cá trước khi bán lại cho đại lý hoặc bán lẻ, bao gồm thức ăn cho cá. Việc tư vấn cho khách hàng một cách nghiêm túc về cách nuôi, cho ăn, vitamin, canxi, cách nhận biết khi con cá Koi bị bệnh cũng được anh coi trọng. “Tôi muốn phổ biến phong trào nuôi cá Koi trở thành thú vui đẳng cấp”, anh chia sẻ. “Khi bạn nuôi cá Koi sẽ nhận được nhiều điều thú vị vì nó làm cho con người bình tĩnh hơn, thân thiện hơn”.
Đấu giá giùm khách hàng một cách tử tế cũng là tiêu chí kinh doanh của Koi Service – công ty của anh Vỹ. Công ty anh đang cung cấp dịch vụ có thu phí này cho khách hàng từ khắp nơi trên cả nước như Quảng Ngãi, TPHCM, Hà Nôị, Nha Trang… Anh kể mới đây, có một khách hàng muốn anh đấu giá mua 1 con cá Koi và sẵn sàng trả 300 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi đấu giá, anh đã mua được con cá này với giá 190 triệu đồng, dưỡng và giao cho khách hàng và báo đúng giá đã thắng được cũng như phí dịch vụ.
Kể về hướng kinh doanh sắp tới, anh Vỹ chia sẻ bên cạnh mục tiêu mở một cơ sở nuôi cá Koi lớn hơn ở Đà Nẵng và mở rộng thị trường ở TPHCM và Hà Nội – nơi hiện nay chiếm 70% doanh thu của công ty, ước muốn của anh là nhập về Việt Nam những con cá Koi chất lượng với giá thành phải chăng để nhiều đối tượng có thể tiếp cận.
Và để đem cá Koi ra hồ để khách ngắm và bán, quy trình nuôi cá Koi phải rất chặt chẽ |
Ước muốn của vị doanh nhân trẻ đến từ câu chuyện của một khách hàng mà anh không bao giờ quên. “Có một bạn đạp xe đạp đến mua một cá Koi với giá 3 triệu đồng. Khi trao đổi tôi mới biết là sinh viên Đại học Bách Khoa. Bạn để dành tiền mua con cá Koi vì đam mê”, anh kể. “Là sinh viên bách khoa, nên bạn ấy tự tìm mua hồ và tự chế bộ lọc nước để nuôi cá Koi.”
Sau khi nghe câu chuyện, anh Vỹ quyết định tặng con cá Koi này, thay vì bán, cho bạn sinh viên này vì niềm đam mê. “Đã nhiều năm trôi qua rồi, tôi rất muốn gặp lại bạn đó để ngỏ lời hợp tác cùng mình để cùng theo đuổi đam mê”, anh Vỹ kết thúc câu chuyện.
Năm ngoái, khi thành phố Đà Nẵng hai lần thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, doanh nhân Trần Thướt Vỹ cùng bạn bè thực hiện những bữa cơm 0 đồng. Anh cũng tổ chức tặng quà định kỳ cho chùa Quang Châu - nơi nuôi dưỡng rất nhiều trẻ em mồ côi và tham gia hoạt động đấu giá từ thiện 100% doanh thu ủng hộ bà con tại Quảng Trị - nơi bị thiệt hại nặng nề của đợt mưa bão cuối năm 2020. |
Xem thêm: lmth.ud-auhc-ioht-neit-oc-iok-ac-hnaod-hnik/223513/nv.semitnogiaseht.www