Ngày 9/4, rất nhiều cầu thủ nòng cốt của CLB bóng đá Than Quảng Ninh như đội trưởng Hải Huy, tiền vệ Nghiêm Xuân Tú, Mạc Hồng Quân,... viết tâm thư gửi cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng Sản Việt Nam, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh về việc thanh toán tiền lương, thưởng, lót tay cho họ từ năm ngoái đến nay.
Trong đó, các cầu thủ CLB Than Quảng Ninh cho biết, họ bị nợ các khoản tiền như: Tiền lương từ tháng 9/2020 đến tháng 4/2021; Tiền thưởng các trận thắng từ cuối năm 2019 đến nay; Tiền phí hợp đồng chuyển nhượng mùa 2020 đến nay.
Cùng nhiều lời hứa, nhưng đợi mãi vẫn không có tiền, cầu thủ Than Quảng Ninh khiến người hâm mộ sốc khi tuyên bố muốn bỏ, không tham gia tiếp mùa giải V-League 2021.
Theo tìm hiểu, CLB Than Quảng Ninh vốn là đội bóng đá nam của ngành than. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã bàn giao câu lạc bộ cho công ty Tuyển than Cửa Ông quản lý từ tháng 1/2010.
Do quy định của pháp luật, tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam không thể quản lý đội bóng đá chuyên nghiệp nên tháng 9/2014, CLB Bóng đá Than Quảng Ninh được bàn giao lại cho Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang và công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh.
Khi đó, phía tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cam kết mỗi năm tài trợ cho đội bóng khoảng 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay khoản tài trợ này bị cắt nên đội bóng càng gặp nhiều khó khăn hơn. Được biết, việc tập đoàn này xin dừng tài trợ là do tình hình kinh tế khó khăn.
Dù chưa công bố cụ thể báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, nhưng trong báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020, tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đạt doanh thu thuần 57.459 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, do giá vốn tăng cao hơn doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp của TKV giảm tới 19%, xuống 7.798 tỷ đồng. Kết thúc nửa đầu năm 2020, TKV đạt lợi nhuận trước thuế 1.425 tỷ đồng, giảm tới 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, Tập đoàn này đang gánh khoản nợ phải trả lên tới 90.450 tỷ đồng, tăng 7.261 tỷ đồng, tương đương 8,7% so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả cao gấp 2,1 lần vốn chủ sở hữu của tập đoàn này.
Trong đó, nợ vay là con số rất lớn 55.365 tỷ đồng (21.765 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 33.600 tỷ đồng nợ dài hạn). Nợ dài hạn giảm đáng kể nhưng nợ ngắn hạn lại tăng vọt từ 16.009 tỷ đồng lên 21.765 tỷ đồng.
Điều đó có nghĩa áp lực trả nợ của tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là rất lớn. Trong khi đó, tiền và các khoản tương đương tiền chỉ là con số rất khiêm tốn so với gánh nặng nợ vay, chỉ là 3.654 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2020, tổng tài sản TKV là 132.617 tỷ đồng. Trong đó tập trung nhiều ở tài sản cố định với trên 67.000 tỷ đồng, hàng tồn kho với gần 26.000 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn với trên 11.000 tỷ đồng.