Thế giới bước sang năm 2021 với thông tin Trung Quốc sẽ gia tăng khai thác quặng sắt tại các khu mỏ ở châu Phi và Australia - nỗ lực của chính Trung Quốc nhằm ổn định nguồn cung cho ngành thép, đồng thời khẳng định vị thế của quốc gia này trên thị trường sắt thép toàn cầu.
Australia từ lâu đã là điểm đến quen thuộc của Trung Quốc mỗi khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cần tới quặng sắt, lý do đơn giản là quy mô sản xuất quặng sắt rất lớn của quốc gia châu Đại Dương này. Bên cạnh đó, đây cũng là cách mà hai quốc gia đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác song phương.
Australia hiện là quốc gia cung cấp quặng sắt lớn nhất cho thị trường Trung Quốc - khoảng 60% khối lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc có xuất xứ từ Australia. Nhưng với căng thẳng đang leo thang giữa hai nước, ngành thép Trung Quốc và quặng sắt Australia chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều. Không ít đồn đoán được đưa ra về tương lai mối quan hệ giao thương quặng sắt giữa Australia và Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh diễn biến xấu kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020. Australia cũng kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus, đồng thời họ cũng chỉ trích công tác khống chế dịch bệnh bước đầu tại thành phố Vũ Hán.
Phản ứng từ phía Trung Quốc chính là lệnh cấm các nhà sản xuất của Australia tham gia vào một số thị trường công nghiệp nhất định tại nước này. Từ việc áp thuế 80,5% lên sản phẩm lúa mạch của Australia, hạn chế nhập khẩu thịt bò, cho tới cấm nhập khẩu gỗ từ nhiều bang của Australia, Trung Quốc liên tục gia tăng áp lực lên chính phủ Australia trong năm 2020.
Australia hiện là quốc gia cung cấp quặng sắt lớn nhất cho thị trường Trung Quốc. Ảnh: Alamy.
Vị thế của Australia vẫn được khẳng định
Một biện pháp được đề xuất để đáp trả Australia đó chính là dừng nhập khẩu quặng sắt từ quốc gia này. Quặng sắt thực sự là một mặt hàng quan trọng đối với cả hai quốc gia, ảnh hưởng tới cả sức mạnh kinh tế lẫn chính trị của hai nước. Trung Quốc thực sự sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể thay thế được 60% lượng quặng sắt nhập khẩu.
Một nhà cung cấp lớn khác của Trung Quốc đó là Brazil, quốc gia đang gặp khó trong công tác sản xuất với sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đồng thời là những sự cố tai nạn nghiêm trọng, làm xấu đi hình ảnh của ngành công nghiệp khai khoáng của quốc gia Nam Mỹ này trong vài năm qua. Trên lý thuyết, Australia có thể gây khó dễ cho Trung Quốc bằng việc cho dừng xuất khẩu quặng sắt, và qua đó thúc đẩy hai bên phải tìm ra giải pháp cho những căng thẳng hiện hữu.
Nhưng mọi chuyện không diễn ra đơn giản như vậy. Australia, cũng giống như nhiều quốc gia khác, đang phải gồng mình đối phó với những ảnh hưởng kinh tế gây ra bởi dịch bệnh Covid-19. Australia chắc chắn sẽ không từ bỏ đi thị trường trị giá hàng chục tỷ USD tại thời điểm mà sự phục hồi kinh tế đang ở giai đoạn nhen nhóm.
Mặc cho căng thẳng xảy ra, và cho dù Trung Quốc cũng muốn giảm sự phụ thuộc vào Australia, tình hình thương mại quặng sắt giữa hai bên vẫn đang có những dấu hiệu khởi sắc.
“Vào năm 2020, Australia là quốc gia xuất khẩu quặng sắt lớn nhất tới Trung Quốc với khối lượng 732 triệu tấn, tăng hơn 30 triệu tấn so với năm 2019, phần lớn là nhờ vào chất lượng tốt và chi phí vận chuyển ưu đãi”, theo David Kurtz, chuyên gia phân tích ngành khai khoáng của Global Data.
“Trung Quốc nhập khẩu 313,8 triệu tấn quặng sắt từ Brazil, Nam Phi và Ấn Độ, nhưng con số đó vẫn ít hơn một nửa so với kim ngạch nhập khẩu quặng sắt từ Australia”.
Australia là quốc gia xuất khẩu quặng sắt có tầm ảnh hướng lớn, và tiếp tục sẽ là một đối tác cần thiết đối với nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc trong tương lai gần. Nhưng điều đó không có nghĩa là Australia là phương án không thể thay thế. Ngay cả những con số kim ngạch nhập khẩu “khiêm tốn” từ các quốc gia khác ngoài Australia cũng cho thấy Trung Quốc đang rất nghiêm túc về việc giảm sự phụ thuộc vào quốc gia châu Đại Dương này.
Ấn Độ có thể chỉ xuất khẩu 44,8 triệu tấn quặng sắt sang Trung Quốc trong năm 2019, nhưng trong năm 2020, con số này đã tăng tới gần 90%.
Tàu chờ tiếp nhận quặng sắt để xuất khẩu tại cảng Hedland, vùng Pilbara, tây Australia hồi năm 2013. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc nhắm tới châu Phi
80% lượng quặng sắt sử dụng tại Trung Quốc được nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng không rõ bao nhiêu trong số đó được khai thác tại các mỏ mà Trung Quốc có quyền lợi. Nguồn cung quặng sắt nội địa của Trung Quốc có chất lượng không cao bằng sản phẩm tương tự được khai thác tại các quốc gia như Australia và Brazil, điều đó có nghĩa Trung Quốc sẽ phải chuyển hướng sang các quốc gia khác, chứ không thể phụ thuộc vào nguồn cung nội địa.
Kurtz cho biết Trung Quốc sẽ đối mặt với một thử thách lớn nếu muốn tìm các thị trường quặng sắt mới để thay thế cho Australia. Ông cho rằng điều này là thiếu thực tế ít nhất là trong vòng 5 năm tới.
“Tuy nhiên, Trung Quốc đang nhắm tới việc mở rộng hợp tác thăm dò và phát triển các dự án khai khoáng tại nhiều quốc gia khác, phần lớn nằm ở Guinea”, ông giải thích. “Simandou là một trong những dự án trọng điểm, nơi được kỳ vọng sẽ đạt công suất 100 triệu tấn hàng năm. Dự án này được dự kiến đi vào hoạt động vào khoảng thời gian 2025-2026".
Chỉ riêng dự án Simandou, với quy mô trải dài tới 110 km tại quốc gia Tây Phi này, đã có thể hiện thực hóa tham vọng quặng sắt của Trung Quốc. Nhiều người đã gọi mỏ khai thác này với cái tên “Kẻ giết chết Pilbara” (Pilbara là một khu vực thuộc Australia), và khu mỏ này được cho rằng đang nắm giữ lượng quặng sắt dự trữ chưa được khai thác lớn nhất thế giới.
Guinea cũng là quốc gia sở hữu một số dự án khai khoáng lớn khác, hai trong số đó là Kalia và Zogota, với tổng công suất khai thác có thể lên tới 20 triệu tấn. Cả hai đều được dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2023. Và có lẽ điểm đáng chú ý nhất đối với tiềm năng quặng sắt của Guinea đó chính là lợi ích của Trung Quốc tại đó. Một tập đoàn lớn được chính phủ Trung Quốc hậu thuận đã ký kết một hợp đồng trị giá 14 tỷ USD, qua đó tham gia phát triển một phần dự án Simandou hồi năm ngoái.
Trung Quốc đang từng bước xây dựng mối quan hệ hợp tác với các quốc gia châu Phi trong một vài năm trở lại đây; Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Nam Phi trong 10 năm qua, và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gần đây đã có chuyến công du tới 5 quốc gia châu Phi, bao gồm Nigeria, Congo, Botswana, Tanzania và Seychelles.
Dưới danh nghĩa đầu tư vào châu lục này, quy mô đầu tư của Trung Quốc vẫn được cho là chưa thể sánh bằng với các quốc gia phương Tây, nhưng mang lại nhiều hiệu quả hơn. Giáo sư xã hội học Ching Kwan Lee tới từ Đại học California đã công bố kết quả nghiên cứu mối quan hệ giữa dòng vốn quốc doanh của Trung Quốc với dòng vốn đầu tư tư nhân toàn cầu thông qua những phân tích ngành công nghiệp xây dựng và khai thác đồng tại Zambia.
Lee chỉ ra sự khác nhau giữa tầm ảnh hưởng từ làn sóng đầu tư của Trung Quốc và các quốc gia phương Tây. Dòng vốn phương Tây là nhằm tạo ra lợi nhuận, và mục tiêu của nó chỉ đơn thuần là công tác khai khoáng. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư của Trung Quốc được thể hiện qua những chiến lược và lợi ích quốc gia tại các quốc gia tiếp nhận đầu tư.
Sự hợp tác đó đã cho ra những trái ngọt. Shandong Gold, một công ty khai khoáng của Trung Quốc gần đây đã đánh bại các doanh nghiệp phương Tây trong thương vụ mua lại Cardinal Resources và tài sản của công ty này tại Ghana. Sau một thời gian dài đàm phán với các công ty trong đó bao gồm Nordgold, ban điều hành Cardinal cuối cùng đã chấp nhận lời đề nghị của Shandong hồi tháng 1.
Tân Hoa Xã cho biết lô quặng sắt đầu tiên đã xuất cảng Sierra Leon để tới Trung Quốc hồi đầu năm nay. Lô quặng này được khai thác tại mỏ Tonkolini, hoạt động dưới sự sở hữu của Trung Quốc từ năm 2020.
Trong khi Australia vẫn là nhà cung cấp quặng sắt lớn cho Trung Quốc trong tương lai gần, nhưng những dấu hiệu gần đây cho thấy, Trung Quốc đang dần chuyển hướng sang các quốc gia Lục địa Đen.