Cứ năm năm một lần, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) - một trong những trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm lâu đời nhất của châu Âu, lại tổ chức hội hè cho công chúng. Hoạt động này quy tụ nhiều nhà khoa học trong tổng số 450 người đang làm việc tại đây.
Ngoài vui chơi, đây là dịp để Viện giới thiệu về kiến thức phòng chống bệnh truyền nhiễm cho mọi người dân Đức, nhất là người trẻ. Trẻ em sẽ được trải nghiệm quan sát bọ ve bằng kính lúp, tìm hiểu cách hoạt động của vaccine thông qua mô phỏng bằng gấu bông, và thậm chí là đóng vai một thám tử tìm kiếm nguyên nhân bùng phát dịch bệnh.
Năm nay, ngày hội này đã bị huỷ bỏ vì dịch COVID-19, theo báo South China Morning Post.
Vào tháng 12-2019, khi đại dịch “lạ” bùng phát ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), bà Shi Zhengli – nhà viirus học điều hành Trung tâm các bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Viện Virus học Vũ Hán, đã mất ngủ nhiều đêm vì lo lắng vi-rút phát tán từ phòng thí nghiệm của mình.
Bà Shi Zhengli đang làm việc tại 1 phòng thí nghiệm. Ảnh: AFP
Theo ông Andreas Kurth – một nhà vi-rút học làm việc ở RKI, quy trình chuẩn tại RKI khi nghi ngờ virus bị phát tán là ngay lập tức tiến hành phân tích gien các mẫu thí nghiệm để “tìm kiếm sự trùng khớp” giữa mầm bệnh với các chủng virus đang được nghiên cứu. Đó là cách duy nhất để chứng minh hay bác bỏ sự liên can của chúng ta.
Bà Shi cho biết đã rất nhẹ nhõm khi nhóm của bà tiến hành phân tích gien của virus “lạ” và nhận thấy nó không khớp với bất kỳ mẫu nào được lưu trữ tại phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, việc phân tích gen cũng không giải đáp được liệu có mối liên hệ nào giữa đại dịch COVID-19 với virus chủng Corona tìm thấy ở dơi trước đây không.
Trả lời phỏng vấn, ông Gregory Koblentz - Giám đốc Chương trình Biodefence tại Đại học George Mason (Mỹ), cho rằng các hành động của chính phủ Trung Quốc sau khi đại dịch bùng phát cũng góp phần khiến nỗ lực tìm nguồn gốc virus không có hồi kết.
Hồi tháng 2 năm ngoái, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra lệnh rằng tất cả các nghiên cứu liên quan đến COVID-19 đều phải có sự chấp thuận của chính phủ trước khi công bố. Điều này chẳng khác nào đang bịt miệng các nhà khoa học. Lệnh này có đoạn: “Trong giai đoạn phòng chống dịch, tất cả các địa phương phải tích cực truyền thông và phối hợp công bố nghiên cứu khoa học về COVID-19 trên cả nước, giống như đang đi từng nước trong một ván cờ”.
“Điều này gây khó khăn cho việc nhận diện tính hợp pháp, tính trung thực của thông tin được cung cấp và không rõ có bao nhiêu phần trong đó là do chính phủ tác động nhằm giảm sự đổ lỗi cho Trung Quốc vì làm bùng phát dịch bệnh” - ông Koblentz chia sẻ.
Việc kiểm soát thông tin của Trung Quốc khiến công cuộc điều tra rơi vào bế tắc. Ảnh: REUTERS
Nhà virus học Kurth từ chối bình luận về vấn đề an toàn sinh học trong các phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, nhưng ông cũng giải thích thêm về môi trường pháp lý ở Đức. Ông cho biết: “Chúng tôi không thực hiện nghiên cứu bí mật. Bất kỳ ai cũng có thể hỏi chúng tôi đang làm gì, làm như thế nào, được kiểm tra và kiểm soát bởi các cơ quan quản lý và chính quyền bên ngoài như thế nào”.
Các phòng thí nghiệm tại Viện Robert Koch được kiểm tra hàng năm nhằm đảm bảo tuân thủ một số luật khác nhau của Liên minh châu Âu và Đức cũng như các sắc lệnh về an ninh và an toàn sức khỏe. Công chúng cũng tiếp cận được với các báo cáo kiểm tra.
Các phòng thí nghiệm của Trung Quốc được kiểm tra bởi Dịch vụ Công nhận Quốc gia (CNAS) tại Bắc Kinh. Cơ quan này cũng nằm dưới sự kiểm soát của Quốc vụ viện. Một nhân viên tại CNAS cho biết rằng Viện Virus học Vũ Hán được xếp vào nhóm "viện nghiên cứu tuyệt mật", vì vậy chỉ những nhân viên được ủy quyền đặc biệt mới có thể kiểm tra.
Người này cho biết thêm CNAS đã ký một thỏa thuận bảo mật với Viện Virus học Vũ Hán nên các tài liệu liên quan đến việc kiểm tra phòng thí nghiệm sẽ không được chia sẻ cho các bên thứ ba.
Theo Giáo sư Lawrence Gostin - Giám đốc Viện O’Neill về Luật Y tế Quốc gia và Toàn cầu (Đại học Georgetown, Mỹ), tự do thông tin chính là trụ cột của an ninh sinh học ở Mỹ. Giáo sư Gostin đã từng soạn thảo Đạo luật Quyền hạn Y tế Khẩn cấp để chống khủng bố sinh học. Ông tin rằng bí mật dù cố che đậy cỡ nào cuối cùng cũng sẽ được đưa ra ánh sáng.
Công bố từ chuyến thăm của WHO đến Viện Virus học Vũ Hán viết rằng việc virus Sars-CoV-2 bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm là điều "khó xảy ra". Tuy nhiên, nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra xoay quanh việc nhóm nghiên cứu của WHO bị hạn chế truy cập thông tin.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại rằng nhóm nhân viên đã không được tiếp cận dữ liệu thô để có thể tiến hành xác minh độc lập. Ông hy vọng các lần hợp tác trong tương lai, đôi bên sẽ chia sẻ dữ liệu kịp thời và toàn diện hơn, và nói thêm rằng WHO sẽ không bỏ sót một dữ liệu nào dù là nhỏ nhất trong quá trình tìm kiếm nguồn gốc của đại dịch.
Cuộc điều tra không mang lại nhiều kết quả của WHO khi tới Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Theo ông Koblentz, công cuộc tìm kiếm nên bao gồm một cuộc kiểm tra độc lập đối với tất cả các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán đang nghiên cứu về virus chủng Corona ở dơi và virus SARS. Ông Peter Ben Embarek, lãnh đạo nhóm WHO tại Vũ Hán, cũng đưa ra quan điểm tương tự: “Cần phải thực hiện một cuộc kiểm tra chính thức, và điều đó vượt xa những gì mà nhóm của chúng tôi được yêu cầu phải làm hoặc có các công cụ và khả năng để làm".
Giáo sư Jin Dong-yan, nhà virus học phân tử tại Đại học Hong Kong, nhận định rằng báo cáo của WHO thiếu bằng chứng xác thực, và chỉ là “một số giả thuyết, không phải là thực tế". Theo ông Jin, Trung Quốc cần phải đối mặt với thực tế và giải thích cho thế giới bức tranh toàn cảnh về những gì đã xảy ra. Bây giờ mọi thứ vẫn đang thực sự rất bí ẩn, rất khó hiểu.
Vào các ngày 4-3 và 7-4 vừa rồi, một nhóm nghiên cứu độc lập bao gồm các nhà virus học, dịch tễ học và các học giả về an toàn sinh học đã công bố một bức thư ngỏ, kêu gọi một cuộc điều tra không hạn chế về tất cả các giả thuyết liên quan đến nguồn gốc của COVID-19.
Bức thư viết rằng sứ mệnh của phái bộ WHO tại Vũ Hán đã bị tác động bởi một thỏa thuận trước đó được gọi là "điều khoản tham chiếu" giữa WHO và chính phủ Trung Quốc.
Richard Ebright, giám đốc phòng thí nghiệm tại Viện vi sinh học Waksman thuộc Đại học Rutgers (Mỹ), người đã ký bức thư ngỏ, cho biết: “Điều khoản tham chiếu thậm chí không thừa nhận khả năng virus bắt nguồn từ phòng thí nghiệm”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã bác bỏ bức thư ngỏ hồi tháng 3 chỉ một ngày sau khi nó được đăng tải, và gọi đây là "lời buộc tội có động cơ chính trị".
Phát ngôn viên Triệu Lập Kiên cũng nói rằng sứ mệnh của WHO đã bị nhuốm bẩn bởi sự can thiệp chính trị từ Mỹ và các nước khác chứ không phải tại Trung Quốc, và mục đích của các bức thư là để gây áp lực lên WHO và nhóm chuyên gia.
Người phát ngôn Triệu Lập Kiên. Ảnh: AFP
Tuy nhiên bà Filippa Lentzos, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học King’s College London (Anh) - người có 20 năm kinh nghiệm tư vấn cho các chính phủ về việc vận hành các phòng thí nghiệm an toàn sinh học, cho biết phản hồi của Trung Quốc lạc đề.
Bà này nói rằng bức thư ngỏ mà cô ký không xác nhận bất kỳ giả thuyết cụ thể nào về nguồn gốc của COVID-19. “Giả thuyết về nguồn gốc từ tự nhiên hay trong phòng thí nghiệm đều cần được kiểm tra kỹ lưỡng, và quan điểm mà chúng tôi đưa ra là nhóm làm việc chung của WHO - Trung Quốc không có sự uỷ nhiệm, sự độc lập, hoặc quyền tiếp cận để tiến hành điều tra toàn diện”.
Nhà khoa học dữ liệu người Pháp Gilles Demaneuf tiết lộ, Viện Virus học Vũ Hán đã đóng cửa cơ sở dữ liệu trực tuyến chứa hàng ngàn chuỗi gien của các virus chủng Corona ở dơi hồi tháng 9-2019, khoảng ba tháng trước khi thành phố này ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Các dữ liệu tại trang batvirus.whiov.cn hiện vẫn đang ngoại tuyến.
Trả lời phỏng vấn của đài BBC vào tháng 12 năm ngoái, bà Shi giải thích rằng cơ sở dữ liệu đã bị gỡ xuống sau khi bị tin tặc tấn công. Tuy nhiên, ông Demaneuf lập luận rằng không có lý do gì mà Trung Quốc không đăng tải lại dữ liệu sau 18 tháng. “Trung Quốc có tất cả các công nghệ cần thiết để lưu trữ các cơ sở dữ liệu này an toàn trên các máy chủ riêng biệt. Họ thậm chí chỉ cần lưu dữ liệu vào USB và giao chúng cho các nhà nghiên cứu là được”.
Ông Koblentz, chuyên gia an ninh sinh học, nhận định rằng việc các cơ sở dữ liệu kiểu này bị gỡ xuống và không được khôi phục là điều bất thường, vì các cuộc tấn công mạng thường được xử lý ngay sau khi bị phát hiện. Ông nói việc không cho các nhà nghiên cứu tiếp cận cơ sở dữ liệu quan trọng như vậy không phù hợp với cách chính phủ và phòng thí nghiệm vận hành.
Chuyên gia vũ khí hoá học Gregory Koblentz. Ảnh chụp màn hình Al Jazeera
Với nhiều nhà khoa học, lời giải thích khả dĩ nhất cho nguồn gốc của đại dịch COVID-19 là do một loại vi-rút lây từ động vật sang người trong bối cảnh gia tăng dân số, nạn phá rừng và buôn bán động vật hoang dã. Tiếp xúc giữa người và động vật rất phổ biến ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Tuy nhiên, điều này không đủ bênh vực cho thực tế là một số phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là trung tâm toàn cầu nghiên cứu vi-rút corona ở dơi. Nhà khoa học Demaneuf chia sẻ: “Tai nạn từ phòng thí nghiệm không phải là hiếm. Cái hiếm là mầm bệnh phát tán từ các tai nạn trong phòng thí nghiệm”.
Đã có một loạt các vụ tai nạn trong phòng thí nghiệm liên quan đến virus SARS ở Trung Quốc, Đài Loan và Singapore hồi năm 2003 và 2004. Ông Antony Della-Porta, một nhà vi sinh học có hơn 30 năm kinh nghiệm trong việc thiết kế và vận hành các phòng thí nghiệm an toàn sinh học, đã tham gia cùng nhóm điều tra WHO để tìm hiểu các vụ tai nạn trên.
Vài tuần sau khi một học sinh bị nhiễm SARS hồi năm 2003, Singapore đã mời WHO đến kiểm tra tất cả các phòng thí nghiệm BSL-3 của họ. Được biết, phòng thí nghiệm An toàn sinh học cấp độ 3 (BSL-3) thường nghiên cứu về virus Corona, phòng thí nghiệm cấp độ 4 là nơi xử lý các mầm bệnh nguy hiểm nhất. Ông Della-Porta nói rằng chính quyền Singapore đã cung cấp tất cả dữ liệu quan trọng mà nhóm cần để điều tra vụ việc, hoàn toàn khác với chính quyền ở Vũ Hán.
Ba tháng sau sự cố ở Singapore, ông Della-Porta cho biết phái bộ WHO lại được mời đến để kiểm tra các phòng thí nghiệm BSL-3 của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan.
Tuy nhiên, khi có hai người ở Viện Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (Bắc Kinh) bị nhiễm SARS vào tháng 2-2004, ban lãnh đạo đã không thông báo cho cơ quan y tế và không liên hệ đoàn thanh tra quốc tế nào. Một tháng sau sự cố đó, một tai nạn khác tại phòng thí nghiệm ở đây đã khiến vi-rút SARS bị phát tán ra ngoài cộng đồng, giết chết một người, lây nhiễm cho chín người và khiến 1.000 người khác bị cách ly.
Ông Della-Porta, người điều hành các hội thảo về an toàn sinh học do WHO tài trợ ở Trung Quốc từ năm 2005 đến năm 2007, cho biết nước này thiếu minh bạch khi đối phó với vụ tai nạn hồi năm 2004. Dựa trên kinh nghiệm của mình, ông nhận thấy vấn đề cốt lõi là do thiếu sự giao tiếp và thực tế là nhiều người đứng đầu phòng thí nghiệm lại ít hiểu biết về an toàn sinh học cũng như quản lý nguy cơ sinh học. “Họ giữ chức vụ đó bởi vì họ là đảng viên. Công việc của họ là kiểm soát thông tin” - ông nói.
Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Wu Guizhen, Trung Quốc đã đẩy mạnh an toàn sinh học trong phòng thí nghiệm sau tai nạn SARS năm 2004. Hơn 100.000 nhân viên đã được đào tạo về an toàn sinh học trong hơn 15 năm. Dẫu vậy, Trung Quốc vẫn cần rốt ráo cải thiện các quy định và luật về an toàn sinh học.
Chính trị rõ ràng đã cản trở cuộc điều tra khoa học về nguồn gốc của COVID-19. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần buộc tội Viện Virus Vũ Hán và Trung Quốc làm bùng phát dịch Covid-19 dù không có bất kỳ bằng chứng nào. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã phản bác rằng những cáo buộc trên chỉ là “thuyết âm mưu và dối trá”, nhưng đối với ông Koblentz, liều thuốc giải cho những thuyết âm mưu hoang đường kia chính là sự minh bạch từ chính phủ Trung Quốc.
Giáo sư Ebright nói rằng Viện Virus học Vũ Hán đã tham gia vào nghiên cứu "tăng khả năng" virus Corona ở dơi. Những người ủng hộ nghiên cứu này từng nói rằng nó giúp con người chuẩn bị tốt hơn khi dịch bệnh bùng phát. Bằng cách cố gắng tạo ra các con đường lây truyền nhân tạo cho virus trong phòng thí nghiệm, họ tin rằng các nhà khoa học sẽ hiểu rõ hơn về cách virus hoạt động và những khả năng có thể xảy ra trong tự nhiên. Nghiên cứu này cũng được cho là giúp đẩy nhanh việc phát triển vaccine.
Giáo sư Ebright phát biểu trước Tiểu ban Quốc hội Mỹ. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, những người phản đối như giáo sư Ebright cho rằng công việc này nên dừng lại vì một tai nạn trong phòng thí nghiệm có thể làm phát tán vi-rút biến đổi gen gây chết người.
Ông Jamie Metzl - thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu Đại Tây Dương cho biết chương trình nghiên cứu “tăng chức năng virus” của Viện Virus học Vũ Hán là một trong những lý do khiến ông bắt đầu xem xét nghiêm túc giả thuyết phát tán mầm bệnh từ phòng thí nghiệm.
“Gần đây tôi đã đến Vũ Hán, tôi biết Vũ Hán là một thành phố rất sành điệu, dân trí cao, không phải là nơi mà người dân thích ăn dơi trong bữa tối. Và tôi biết rằng Vũ Hán là thành phố duy nhất ở Trung Quốc có viện virus học cấp độ 4 (BSL-4) – chuyên nghiên cứu mầm bệnh cực kỳ nguy hiểm. Trong rất nhiều nơi trên thế giới, tại sao dịch bệnh lại bùng phát ở Vũ Hán?” - ông Jamie bày tỏ.
Một số chuyên gia được phỏng vấn về câu chuyện này cũng chỉ ra xung đột lợi ích liên quan đến thành viên Peter Daszak của WHO. Ông Daszak là chủ tịch của tổ chức phi chính phủ EcoHealth Alliance và tổ chức của ông tham gia sâu sát vào việc nghiên cứu virus Corona trên toàn châu Á với mục đích cải thiện hệ thống phát hiện dịch bệnh.
Tổ chức của ông Daszak đã tài trợ hàng triệu USD cho Viện Vi-rút Vũ Hán và là đồng tác giả nhiều dự án nghiên cứu về “tăng chức năng vi-rút” với bà Shi . Suốt đại dịch, ông Daszak đã nhiều lần phủ nhận các kịch bản về nguồn gốc COVID-19 liên quan đến Viện Virus học Vũ Hán, cho rằng toàn là thuyết âm mưu.
Bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán, nơi được cho là làm lan truyền đại dịch Covid-19. Ảnh: REUTERS
“Việc WHO chỉ định ông Daszak là thành viên trong sứ mệnh điều tra của mình và việc WHO vẫn giữ ông Daszak làm thành viên trong sứ mệnh này dù được thông báo về những xung đột lợi ích của ông ta chứng tỏ rằng cuộc điều tra của WHO không thể được coi là đáng tin cậy, là độc lập được” - ông Ebright nói.
Sau khi WHO công bố báo cáo điều tra Vũ Hán, một nhóm 14 quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Nhật , Hàn Quốc và Canada đã bày tỏ rõ lo ngại về việc thiếu quyền truy cập dữ liệu gốc. Trong một tuyên bố vào ngày 31-3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này đã “cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm” trong việc hỗ trợ sứ mệnh của WHO.
Nguồn gốc đại dịch COVID-19 đến nay vẫn khó xác định, nhưng một số nhà khoa học giàu kinh nghiệm đã gợi ý một giải pháp khá đơn giản để xác minh giả thuyết phát tán từ phòng thí nghiệm, đó là điều tra sổ sách ghi chép trong phòng thí nghiệm.
Ông Juergen Richt - Giám đốc Trung tâm về các bệnh động vật tại Đại học bang Kansas, cũng tán thành đề xuất này: “Trung Quốc hãy cung cấp thông tin về tất cả thí nghiệm trong những năm qua cũng như sổ ghi chép trong phòng thí nghiệm cho các thanh tra của WHO và các chuyên gia về virus Corona trên khắp thế giới. Chỉ đơn giản vậy thôi”.