Một buổi họp của Tổ tự quản đường biên mốc quốc giới và giữ gìn an ninh trật tự ấp Thống Nhất, xã Bình Thạnh, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: N.TÀI
Nếu có thêm hành động khả nghi, bạn sẽ càng dễ được biên phòng mời lên đồn vừa "uống nước trà" vừa hỏi chuyện.
Nhưng nếu hiểu rõ những việc cảnh giác ấy nhằm ngăn chặn người vượt biên trái phép, chống lây lan dịch bệnh COVID-19, chắc có lẽ bạn sẽ phải thầm cảm ơn những người bảo vệ biên giới ấy.
"Giữ chân" nhầm trinh sát tỉnh
Không chỉ kêu gọi người dân phối hợp cảnh giới người vượt biên trái phép, tỉnh Đồng Tháp lập hẳn những tổ nhân dân tự quản. Hiện nay, ở 8 xã biên giới tỉnh Đồng Tháp đều thành lập các tổ tự quản đường biên mốc quốc giới và giữ gìn an ninh trật tự, là những mắt xích quan trọng mà tỉnh Đồng Tháp, Biên phòng Đồng Tháp "giăng" ra để chặn việc xâm nhập trái phép.
Thành phần chính của những tổ tự quản này là những hộ dân sống dọc biên giới. Tổ hoạt động không bằng ngân sách mà chính là sự cộng đồng trách nhiệm với nhau.
Trong cái nắng gay gắt những ngày này, nhà tổ trưởng các tổ tự quản thường có buổi họp vào ban trưa. Ai nấy đều còn mặc bộ đồ lấm lem khi vừa đi đồng về, có người còn bồng cả con nhỏ đến họp.
Riêng các chú bộ đội biên phòng cũng có mặt từ rất sớm với gương mặt mà nhiều bà con nói vui rằng "dung nhan tàn tạ" vì ngày đêm canh phòng biên giới. Buổi họp tổ ấn định thường kỳ vào ngày đầu mỗi tháng nhưng bất kể khi nào có việc quan trọng cần thông tin với nhau, buổi họp lại được tổ chức.
Buổi họp mới đây, chị Nguyễn Thị Loan, xã Bình Thạnh, thành phố Hồng Ngự, kể chuyện trong quá trình "tác nghiệp": khi gặp một trường hợp thuộc diện nghi ngờ đặc biệt đã báo ngay cho biên phòng.
Chi tiết là: "Ông này chỗ khác lại mà đi vô xóm cứ dòm dòm, ngó ngó. Còn hỏi tui mua một bao phân bò về trồng rau. Tui nghi lắm nên kêu bà Tư canh chừng, tui đi bọc đường đồng qua đồn báo. Mà hổng ngờ ổng là trinh sát địa bàn trên tỉnh cử xuống", chị Loan vừa kể vừa cười bẽn lẽn.
Hành động của chị Loan không bị chê cười mà còn được các chú bộ đội đánh giá cao. Chính sự cảnh giác cao độ với người lạ mặt có hành động khả nghi là rất cần thiết trong thời điểm này. Trinh sát tỉnh cũng hoàn thành nhiệm vụ, hóa thân thành "người lạ" xuất sắc.
Người dân dọc biên giới khắng khít với bộ đội biên phòng, đặc biệt là việc hỗ trợ cung cấp thông tin nhập cảnh trái phép - Ảnh: N.TÀI
Dân vùng biên hiểu "môi hở răng lạnh"
Dịch bên nước bạn bùng phát đồng nghĩa với việc làm ăn của nhiều cư dân vùng biên gặp khó. Việc trao đổi, mua bán, sản xuất với nước bạn phải ngưng hoàn toàn và dù "nồi cơm" bị ảnh hưởng nhưng họ vẫn động viên nhau gắng vượt qua. Họ bảo nhau rằng sống ở vùng biên nghĩa là gánh trên vai trách nhiệm bảo vệ, yểm trợ người dân phía trong cũng giống như câu "môi hở thì răng lạnh".
Theo cách nghĩ của những cụ ông, cụ bà tóc đã pha sương như ông Lê Văn Địch nay đã ngoài 70, nghĩa tình giữa người dân và bộ đội biên phòng càng keo sơn trong những ngày chống dịch. "Có đợt giăng võng ngủ lùm cây phía trên, có đợt thì sát nhà dưới này. Mình người dân vùng biên trách nhiệm là giữ gìn biên giới nên phải phụ mấy ổng (bộ đội biên phòng - PV)".
Anh Lê Quốc Vinh, xã Bình Thạnh, thành phố Hồng Ngự, thì nói như đinh đóng cột: "Tụi tui chia nhau ra, một người tìm cách giữ chân người lạ, một người thông báo cho bên đồn biên phòng. Gần thì chạy xẹt qua báo, ban đêm ban hôm thì điện thoại báo. Chứ lỡ dịch bệnh thì đâu phải bản thân mình mà cả ấp, cả xã, cả nước đều khổ".
Nhiều năm sát cánh với người dân vùng biên, thượng tá Cao Văn Tuấn, chính trị viên đồn biên phòng Bình Thạnh, chia sẻ người dân chính là "trăm tai, ngàn mắt" của bộ đội biên phòng, là những "camera chạy bằng cơm" hoạt động 24/24. Nhờ sự đồng tình, ủng hộ, cộng đồng trách nhiệm của người dân đã giúp ích rất nhiều cho biên phòng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới, cũng như không để mầm bệnh xâm nhập, lây lan cộng đồng.
"Hầu như ngày nào đồn cũng nhận được tin báo của người dân. Người dân dù ở nhà hay đi đồng đều dòm ngó, cảnh giới. Có lẽ đây là điều làm nên sự khác biệt của dân vùng biên", thượng tá Tuấn chia sẻ.
Tỉnh cảm ơn, tặng bằng khen cá nhân xuất sắc
Ông Đoàn Tấn Bửu, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp, cho biết sự canh phòng cẩn mật của các lực lượng bảo vệ biên giới, đặc biệt là cư dân biên giới, là những việc làm rất quý giá cho công tác phòng chống dịch bệnh. "Chúng tôi cảm ơn những nghĩa cử, tinh thần đề cao cảnh giác của người dân đã giúp ích rất nhiều cho công tác phòng chống dịch bệnh ở biên giới", ông Bửu nói.
Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng vừa tặng bằng khen cho ông Trần Xuân Định (61 tuổi, chủ nhà nghỉ ở vùng biên thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng) và ông Lê Xí Được (xã Tân Hội, thành phố Hồng Ngự). Cả hai ông đều có công lớn phát hiện, báo ngay cho lực lượng chức năng để ngăn chặn kịp thời những trường hợp xâm nhập trái phép. Đặc biệt là trường hợp của BN 2424, nhờ những "camera chạy bằng cơm" này mà khi người này chỉ mới xâm nhập vào Đồng Tháp 1 giờ liền bị "hốt" đi cách ly.
Chia sẻ về nghĩa cử vì cộng đồng, cả hai ông đều chân chất bảo đó là trách nhiệm của những người dân sống ở vùng biên, chẳng có gì to tát.
TTO - Ngày 18-3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp vừa đến thăm hỏi, khen thưởng hai người dân phát hiện, báo ngay cơ quan chức năng trường hợp người nhập cảnh 'chui' từ Campuchia về.
Xem thêm: mth.45412729101401202-tex-od-tam-iod-gnuhn-no-mac/nv.ertiout