Ông Trần Hoàng Minh (ngụ quận 1, TP HCM) muốn mua ôtô điện để thay thế chiếc Toyota Camry đã chạy hơn 10 năm nay nhưng lo lắng không biết việc đăng kiểm có khó khăn hơn hay không. Tương tự, bà Lê Ngọc Huệ (quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng rất hào hứng trước thông tin ôtô điện có giá chỉ khoảng 600 triệu đồng và đang lên kế hoạch mua để phục vụ đi lại trong TP, đón con. Tuy nhiên, bà Ngọc băn khoăn không biết việc lấy bằng lái của xe điện có khác gì so với các loại bằng lái ôtô thông thường?
Giải đáp về vấn đề này, ông Ngô Đình Quang, Trưởng Phòng Sát hạch và Cấp giấy phép lái xe (Sở Giao thông Vận tải TP HCM), cho biết hiện có 2 loại giấy phép lái xe đối với ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, gồm B1 và B2. Theo đó, giấy phép B1 dành cho người lái xe gia đình (không kinh doanh), giấy phép B2 được sử dụng chung cho cả xe kinh doanh và không kinh doanh. Từ khi xuất hiện ôtô số tự động, có thêm giấy phép lái xe B11 dành riêng cho loại xe này. Người có giấy phép lái xe B11 không được điều khiển xe số sàn, chỉ được điều khiển xe số tự động. Còn người có giấy phép lái xe B1 và B2 thì được điều khiển cả xe số tự động và số sàn.
Chiếc ôtô điện Tesla của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM mua để sinh viên nghiên cứu
Như vậy, nếu người có dự định mua xe điện chưa có giấy phép lái xe thì phải thi để lấy một trong các giấy phép B1, B2, B11 thì mới được điều khiển phương tiện. "Giấy phép lái xe điện cũng giống như ôtô thông thường. Trước khi đăng ký thi giấy phép lái xe, người sử dụng phải tìm hiểu để biết chiếc ôtô điện của mình thuộc loại hộp số sàn hay tự động. Nếu là số tự động thì đăng ký thi để lấy giấy phép lái xe B11, còn xe sử dụng hộp số sàn thì phải đăng ký thi giấy phép lái xe B1 hoặc B2. Nói cách khác, những người đã có giấy phép lái xe B1, B2, B11 đều điều khiển được ôtô điện sử dụng hộp số tự động" - ông Quang hướng dẫn.
Bên cạnh đó, vấn đề đăng kiểm dành cho xe điện cũng được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Theo quy định, ôtô sử dụng động cơ đốt trong bằng nhiên liệu hóa thạch phải được kiểm định định kỳ. Còn với ôtô điện, quy trình, thời gian kiểm định có khác gì so với xe chạy xăng thông thường?
Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe Cơ giới - 5004V tại TP Thủ Đức (TP HCM), cho rằng đến thời điểm hiện tại, chưa thấy quy định cụ thể về việc kiểm định ôtô điện. Tuy nhiên, trung tâm đã tiến hành kiểm định vài chiếc ôtô điện Tesla và cấp giấy chứng nhận như ôtô thông thường có động cơ đốt trong với quy trình kiểm tra tương tự. Theo đó, kiểm tra đầy đủ từ hệ thống phanh, hệ thống treo, gầm xe đến hệ thống lái, điện, đèn. Riêng công đoạn kiểm tra hệ thống khí thải được bỏ qua vì xe điện không trang bị động cơ tạo ra khí thải gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, nhiều trung tâm đăng kiểm cho biết còn bỏ qua công đoạn kiểm tra pin, động cơ điện bởi không có thiết bị để thực hiện.
Về thời gian đăng kiểm định kỳ, đại diện các trung tâm đăng kiểm tại TP HCM cho hay việc thực hiện dành cho xe điện và xe động cơ đốt trong hiện không khác biệt. Bên cạnh đó, dù các công đoạn kiểm tra ôtô điện ít hơn so với ôtô thông thường nhưng phí kiểm định vẫn không thay đổi. Tương tự, phí bảo trì đường bộ cho xe điện cũng được áp dụng giống như ôtô thông thường.
Chưa cần bằng lái riêng cho xe điện
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Giao thông Tiến Bộ, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch Lái xe Củ Chi (TP HCM), thao tác lái các loại ôtô điện hay ôtô sử dụng động cơ đốt trong tương tự nhau. Do đó, chưa nhất thiết phải có thêm chương trình dạy lái xe dành riêng cho ôtô điện. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cũng có thể phải rà soát, xem xét chương trình đào tạo giấy phép lái xe riêng cho xe này để đáp ứng các điều kiện về an toàn giao thông.
Xem thêm: mth.51294249101401202-neid-ex-meik-gnad-ial-gnab-ev-teib-nac-ueid/yam-neid-ex-oto/nv.moc.dln