Cần công khai thông tin, dữ liệu đất đai. Đó là nhấn mạnh của nhiều chuyên gia trên tờ Giao thông. Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, tình trạng sốt ảo bất động sản phần lớn do nhiễu loạn thông tin. Khi có thông tin về quy hoạch hạ tầng, đô thị… ngay lập tức bị giới đầu cơ lợi dụng để tung tin thổi giá. Do đó, biện pháp cần làm là phải xây dựng được dữ liệu quốc gia về giá đất. Chỉ có như vậy, nhà nước mới kiểm soát và điều tiết thị trường Bất động sản, đưa về đúng giá trị thực.
Còn theo ý kiến của chuyên gia trên tờ Tuổi trẻ, minh bạch hóa thông tin thị trường nhà đất là bắt buộc ở nhiều nước. Để làm được điều đó, chính quyền phải nhất thiết làm 2 việc. Một là thiết lập hệ thống dữ liệu mở để các bên liên quan thường xuyên cập nhật thông tin. Và hai là đặt ra nghĩa vụ bắt buộc đối với các chủ thể trong việc đẩy thông tin lên kênh dữ liệu nói trên.
Ảnh minh họa: Dân trí.
Trước phản ánh của báo chí về một số ý kiến đề xuất "xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đất", mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý. Thủ tướng cũng giao Bộ này nghiên cứu, đánh giá ý kiến cho rằng không cần quá lo lắng về vấn đề mức giá mà nên có hành lang pháp lý để quản lý tài nguyên đất theo đúng yêu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, hoàn thiện hành lang pháp lý là một trong những giải pháp căn cơ, lâu dài để lành mạnh hóa thị trường bất động sản, quản lý tài nguyên đất theo đúng quy luật của thị trường.
Trên tờ Người Lao động, Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng: hạn chế tín dụng cho kinh doanh, buôn bán bất động sản để ngăn nguy cơ nổ bong bóng bất động sản gây ra khủng hoảng tài chính là một việc cần tính đến. Nhìn xa hơn, công cụ thuế chuyển quyền đánh theo lũy tiến ở mức cao vào những trường hợp mua bán nhanh, mang tính lướt sóng và sắc thuế riêng đánh vào giá trị đất đai tăng thêm do đầu tư của người khác mang lại. Đây là cách làm hiệu quả của nhiều nước mà Việt Nam có thể nghiên cứu, học tập.
Báo Giao thông lại đặt vấn đề về tái khởi động và hoàn thiện dự thảo Luật tài sản vốn bị gác lại từ cách đây khoảng 3 năm. Đây là 1 khuôn khổ pháp lý được kỳ vọng sẽ chống đầu cơ, tăng giá, chống tình trạng găm giữ đất tạo cơn sốt đất để trục lợi, đồng thời điều tiết mục đích sử dụng đất… thông qua việc đánh thuế đối với tài sản là đất đai và tài sản trên đất.
Ảnh minh họa: Dân trí.
Còn theo Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật Sư Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hậu, cần thống nhất về cơ chế định giá đất theo thị trường. Về lâu dài, nên bỏ khung giá đất do chính phủ ban hành và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố ban hành giá đất theo mục đích sử dụng đất để tình các nghĩa vụ tài chính về đất đai, bồi thường khi thu hồi đất. Có cơ chế giám sát việc xây dựng bảng giá đất một cách công khai, minh bạch. Đặc biệt cần thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo theo nguyên tắc cơ chế thị trường.
Trong khi chờ đợi việc hoàn thiện hành lang pháp lý, vốn cần không ít thời gian, thì sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương là hết sức cần thiết vào lúc này để có thể "hạ sốt đất"
Bài viết trên tờ Người Lao động bình luận: Để kiểm soát thị trường bất động sản, 2 siêu đô thị có sức ảnh hưởng là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trước hết phải đặt việc cắt sốt đất là nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành. Chỉ khi 2 thành phố này hạ được cơn sốt, thì mạch sốt tại các địa phương khác mới dịu theo và thị trường ổn định trở lại theo đúng đồ thị hợp lý. Để hạ sốt, các địa phương cần tạm dừng việc cho chuyển mục đích sử dụng đất vì quy hoạch kỳ tới chưa được phê duyệt, có biện pháp kiểm soát hoạt động của giới "cò" nhà đất nhằm tránh nhiễu loạn thị trường.
Mới đây, Bộ Xây dựng cùng Bộ Tài nguyên và môi trường đã có yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản nhằm kiềm chế sốt đất, trong đó, 2 bộ nhấn mạnh việc các địa phương phải công khai thông tin về quy hoạch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Đất đai và các luật liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế mới chỉ có một số địa phương thực hiện công khai quy hoạch và hầu như chưa có địa phương nào xử lý các trường hợp vi phạm. Đây là thông tin trên tờ Sài Gòn Giải phóng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!