Ngày 10-12, tiếp tục phiên họp thứ sáu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 (2021-2025).
Đề xuất lựa chọn địa phương làm chủ đầu tư
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Để nối thông đường bộ cao tốc Bắc - Nam cần phải đầu tư tiếp các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, dài 729 km, gồm 12 dự án thành phần.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp Quốc hội. Ảnh: QH
Về hình thức đầu tư, Chính phủ có nghiên cứu các dự án thành phần theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy đầu tư phương thức này “rất khó đảm bảo thành công”.
Dẫn chứng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017-2020), ông Thể cho biết từng có 8/11 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP nhưng vì khó khăn trong huy động vốn tín dụng nên phải chuyển sang đầu tư công năm dự án. Hiện còn ba dự án đã được Bộ GTVT ký hợp đồng với nhà đầu tư nhưng đến nay chỉ có một dự án ký kết được hợp đồng tín dụng, hai dự án còn lại vẫn gặp khó trong huy động vốn.
Trên cơ sở đó, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Chính phủ kiến nghị triển khai toàn bộ 12 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. “Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng” - ông Thể nói.
Chính phủ cũng kiến nghị QH cho phép Chính phủ xem xét giao địa phương có dự án đi qua làm chủ đầu tư dự án. Trường hợp địa phương không đảm bảo năng lực, kinh nghiệm mới giao Bộ GTVT làm chủ đầu tư.
Địa phương làm cao tốc trái với nhiều luật
Thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết: Thường trực UBKT tán thành sự cần thiết đầu tư dự án và việc Chính phủ đề xuất đầu tư công dự án để đảm bảo tiến độ là có cơ sở.
Tuy nhiên, Thường trực UBKT lưu ý QH đã thông qua nghị quyết về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, trong đó có dự án này. “Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn ngoài nhà nước cho các dự án giao thông PPP được QH phân bổ vốn theo kế hoạch…” - ông Thanh nói.
Về đề xuất của Chính phủ giao địa phương làm chủ đầu tư dự án, Thường trực UBKT nhận thấy đề xuất này chưa phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng… Do đó dễ dẫn tới khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Hơn nữa, cao tốc là công trình có tiêu chuẩn cao, đòi hỏi bề dày kinh nghiệm trong quản lý, triển khai. Nhiều địa phương có dự án đi qua chưa từng triển khai công trình quy mô lớn, phức tạp nên có thể lúng túng. Việc giải ngân vốn đầu tư công phụ thuộc vào cách thức tổ chức thực hiện, phân chia các gói thầu hợp lý để lựa chọn được nhiều nhà thầu có năng lực.
Ngoài ra, ông Thanh cho biết Thường trực UBKT cho rằng tổng mức đầu tư của dự án khó kiểm soát khi các địa phương có dự án đi qua có thể tăng cường đấu nối, mở rộng, bổ sung các hạng mục để phục vụ địa phương.
“Qua giám sát việc triển khai dự án cao tốc giai đoạn 1, các địa phương có dự án đi qua đều mong muốn bổ sung hầm chui dân sinh, nút giao, cầu vượt… mà không tính đến tiêu chuẩn kỹ thuật, hiệu quả khai thác. Trong khi đó, chi phí để đầu tư các hạng mục này là rất lớn” - ông Thanh cho hay.
Địa phương chỉ thực hiện giải phóng mặt bằng
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cũng cho rằng ngoài Hà Nội, TP.HCM, hầu như toàn bộ địa phương khác đều không đáp ứng được năng lực thi công cao tốc.
“Có giao cho địa phương, doanh nghiệp ở địa bàn đó cũng phải liên doanh với Bộ GTVT, như vậy chẳng khác nào “cho thuê bằng dược sĩ”. Thay vì dược sĩ mở cửa hàng thuốc thì lại cho thuê bằng đi các nơi mở bán…” - ông Cường so sánh.
Để dự án triển khai nhanh, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng cần tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng. Trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, Chính phủ, Thủ tướng đã phê duyệt đề án giải phóng mặt bằng rút gọn cho TP.HCM, rút ngắn được mấy trăm ngày.
“Cái này trong thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, tại sao chúng ta không áp dụng cơ chế giải phóng mặt bằng đã làm?” - ông Vương Đình Huệ đặt vấn đề.
Liên quan đến kế hoạch đấu thầu, Chủ tịch QH cho rằng giai đoạn 1 mất hàng năm cho việc này. Đầu tiên là công bố đấu thầu quốc tế, sau lại có ý kiến nói rủi ro nên chuyển sang đấu thầu trong nước. Lúc đầu tất cả là PPP, sau đó chuyển sang tám gói PPP, ba gói đầu tư công; giờ chuẩn bị trình QH theo hướng ngược lại. Đó là các lý do khiến dự án kéo dài, chứ không phải do vướng luật.
“Không đến mức độ là luật pháp cản trở đầu tư như chúng ta nói. Những việc đó mất gần bốn năm, không ít đâu. Chúng ta đừng để công trình này lại giống như giai đoạn 1” - Chủ tịch QH lưu ý.
Chốt lại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ QH thống nhất giao Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án. Địa phương chỉ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và có cam kết trách nhiệm.•
Đề xuất bổ sung cho dự án 72.497 tỉ đồng Dự án đường bộ cao tốc giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 146.990 tỉ đồng. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025 bố trí 119.666 tỉ đồng, trong đó đã có sẵn 47.169 tỉ đồng được QH bố trí cho dự án và 72.497 từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2026-2030 bổ sung khoảng 7.350 tỉ đồng từ vốn trung hạn. Chính phủ đặt mục tiêu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành vào năm 2025. |