Hãng tin Reuters dẫn lời nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) ngày 11-4 cho rằng Nga và Trung Quốc đang cản trở phản ứng thống nhất của quốc tế đối với cuộc chính biến tại Myanmar, đồng thời cho biết EU có thể đưa ra nhiều động lực kinh tế hơn nếu chính quyền dân sự tại nước này được khôi phục.
Cụ thể, ông Josep Borrell - giám đốc chính sách đối ngoại của EU – trong một bài viết hôm 11-4 cho biết: “Không có gì ngạc nhiên khi Nga và Trung Quốc đang ngăn chặn các nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chẳng hạn áp đặt lệnh cấm vận vũ khí”.
Ông Josep Borrell - giám đốc chính sách đối ngoại của EU. Ảnh: REUTERS
Ông Borrell, người đại diện cho 27 quốc gia thành viên EU, cho biết: “Cạnh tranh địa chính trị ở Myanmar sẽ khiến rất khó tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, chúng tôi có nhiệm vụ phải cố gắng".
“Thế giới theo dõi tình hình trong sự kinh hoàng, khi quân đội sử dụng bạo lực đối phó chính người dân của mình” – ông Borrell bày tỏ.
Theo thống kê của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), hơn 700 người người biểu tình, trong đó có 46 trẻ em đã thiệt mạng vì bạo lực biểu tình, kể từ khi cuộc chính biển nổ ra hôm 1-2.
Số liệu trên đã bao gồm 82 người đã thiệt mạng tại thị trấn Bago, gần TP. Yangon, vào ngày 9-4, điều mà AAPP gọi là "bãi chiến trường tàn sát".
Theo Reuters, Trung Quốc và Nga được cho là đều có quan hệ với các lực lượng vũ trang của Myanmar, lần lượt là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất và lớn thứ hai cho quốc gia Đông Nam Á này.
Tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã kêu gọi trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và những người khác bị quân đội giam giữ, song không lên án cuộc chính biến.
EU đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới đối với các cá nhân và thực thể thuộc sở hữu của quân đội Myanmar. Hồi tháng 3, EU đã đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với 11 cá nhân có liên quan cuộc chính biến, bao gồm cả tổng tư lệnh quân đội Myanmar.
Trong khi đòn bẩy kinh tế của EU tại Myanmar tương đối nhỏ, ông Borrell cho biết EU có thể đề nghị tăng cường quan hệ kinh tế với Myanmar nếu nền dân chủ tại nước này được khôi phục.
Điều này có thể bao gồm thúc đẩy thương mại và đầu tư nhiều hơn vào phát triển bền vững, ông Borrell nói.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU vào Myanmar đạt 700 triệu USD trong năm 2019, so với 19 tỉ USD từ Trung Quốc.
Tại Myanmar, các nhóm biểu tình đang kêu gọi tẩy chay Lễ hội té nước Thingyan trong tuần này, một trong những lễ kỷ niệm quan trọng nhất trong năm, để phản đối tình trạng bạo lực của chính quyền quân sự.
Đại sứ quán Mỹ tại Yangon trên trang Twitter cho biết: “(Với việc) lễ hội Thingyan đang đến gần, chúng tôi bày tỏ lòng thương tiếc trước sự mất mát vô nghĩa ở Bago và khắp đất nước, nơi các lực lượng của chính quyền quân sự đang sử dụng vũ khí để đối phó dân thường”.
“Chính quyền quân sự có khả năng giải quyết khủng hoảng và cần bắt đầu bằng cách chấm dứt bạo lực và tấn công” – Đại sứ quán Mỹ cho biết.