Mục đích của việc này là để giảm thiểu rủi ro sức khỏe, loại bỏ hóa chất nguy hiểm, và thay đổi hành vi người dùng chất kích thích, The New York Times đưa tin ngày 9/4.
Hiện, hành vi tàng trữ hoặc bán ma túy bị coi là tội phạm ở New Zealand. Nhưng nếu có chất kích thích bị cấm và muốn đảm bảo đây không phải đồ dỏm, người dùng có thể mang đi kiểm tra mà không bị phạt, theo Luật Kiểm tra ma túy của quốc gia này.
Luật Kiểm tra ma túy được chính quyền thông qua vào năm 2020 như là một phần trong chương trình thử nghiệm. Cùng với việc ra luật, Bộ Y tế còn chỉ định dịch vụ giám định thuốc độc lập có tên KnowYourStuffNZ làm nơi xét nghiệm thuốc dạng viên hoặc bột cho người dùng, thường là tại các lễ hội âm nhạc. Việc này nhằm giúp người dùng biết rõ hơn về thành phần hóa học trong thuốc.
Luật Kiểm tra ma túy sẽ hết hiệu lực vào tháng 12/2021 nhưng Bộ trưởng Y tế Andrew Little ngày 9/4 cho biết đang chuẩn bị dự thảo để luật này có hiệu lực lâu dài.
Động thái trên dựa vào kết quả một nghiên cứu do Đại học Victoria tại thủ đô Wellington thực hiện cho thấy chất kích thích thường xuyên lẫn tạp chất. Ngoài ra, 68% người được khảo sát trong nghiên cứu đã thay đổi hành vi sau khi dùng dịch vụ kiểm tra thuốc: Một số người giảm lượng chất sử dụng, trong khi số khác vứt bỏ thuốc.
Trong khi New Zealand từ lâu đã vật lộn với nạn lạm dụng ma túy đá, thuốc hộp đêm (còn gọi là "thuốc quẩy", "thuốc bay lắc") đang ngày càng phổ biến. Năm 2019, cảnh sát New Zealand thu giữ hơn hai triệu viên thuốc lắc và loại thuốc tương đương, tăng 560% so với năm 2018.
Chính những loại thuốc hộp đêm này đã gây thương tích hoặc tử vong, đôi khi do người dùng uống phải thuốc bị dán nhầm nhãn hoặc chứa tạp chất. Trong năm nay, tổ chức KnowYourStuff đã nhận gần 1.000 tin phản ánh từ người dự lễ hội âm nhạc cho biết họ gặp phản ứng bất thường khi dùng thuốc được bán dưới mác thuốc lắc. Số thuốc này được cho là bị lẫn Cathinone tổng hợp, chất dùng để điều chế ma túy.
Phát biểu trước Nghị viện năm 2020, Bộ trưởng Little nhấn mạnh rằng chính quyền New Zealand coi chính sách về ma túy là vấn đề sức khỏe hơn là vấn đề tội phạm. Theo vị bộ trưởng, cách tiếp cận lấy việc truy tố làm đầu đã không có tác dụng. "Nếu muốn thay đổi hành vi, chúng ta phải có cách tiếp cận khác", ông Little nói.
Tuy có một số bằng chứng ủng hộ hợp pháp hóa xét nghiệm ma túy, việc này chưa nhận được sự ủng hộ chính trị thống nhất. Đảng Quốc gia, đảng đối lập chính tại New Zealand, từng bỏ phiếu chống lại biện pháp này vào năm 2020.
Simon Bridges, cựu lãnh đạo Đảng Quốc gia, từng cảnh báo Luật Kiểm tra ma túy sẽ làm gia tăng nạn dùng ma túy. Theo vị này, việc xét nghiệm cũng có thể tạo cảm giác sai lầm rằng chất kích thích là an toàn. "Xét nghiệm không làm thuốc lắc trở nên an toàn, kể cả khi không phát hiện tạp chất", Bridges nói.
Tuy nhiên, Sarah Helm, Giám đốc điều hành Quỹ Dược phẩm New Zealand, cho rằng việc xét nghiệm sẽ giúp người dùng đưa ra quyết định sáng suốt hơn. "Không có chứng cứ cho thấy xét nghiệm ma túy sẽ làm gia tăng sử dụng. Ngược lại, điều chúng ta đã chứng kiến là việc nguy cơ được giảm thiểu và có thêm thông tin về những loại thuốc trên thị trường", Helm cho hay.
Việc xét nghiệm chất kích thích rất phổ biến, dù có thể còn mơ hồ về pháp lý, tại các nước châu Âu (như Áo, Bồ Đào Nha, và Thụy Sĩ) và cũng đang dần được chấp nhận tại Australia và Anh. Năm 2016, một chương trình thử nghiệm xét nghiệm chất kích thích được thực hiện tại lễ hội âm nhạc ở hạt Cambridgeshire (Anh) đã làm số vụ nhập viện liên quan tới ma túy giảm mạnh xuống còn một vụ, trong khi năm trước có tới 19 vụ.
Quốc Đạt (Theo The New York Times, Stuff)
Xem thêm: lmth.1490624-gnud-ihk-court-yut-am-meihgn-tex-pehp-ohc/ten.sserpxenv