Ngày 12-4, lãnh đạo Sở Y tế TP Hà Nội xác nhận với Tuổi Trẻ Online về việc cơ quan công an đã làm việc với Bệnh viện Tim Hà Nội, yêu cầu cung cấp tài liệu để xác minh.
Liên tục từ ngày 9-4, tổ công tác của cơ quan điều tra đã làm việc với bệnh viện. Công tác thu thập tài liệu, xác minh của công an diễn ra cả trong chủ nhật.
Được biết cơ quan điều tra đang xác minh vụ việc liên quan đến công tác thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế, vật tư y tế, thực hiện các đề án xã hội hóa tại các bệnh viện công lập.
Cơ quan điều tra đã đề nghị Bệnh viện Tim Hà Nội cung cấp tài liệu liên quan quy chế hoạt động làm việc, quy chế thu chi tài chính của đơn vị này.
Bệnh viện Tim Hà Nội cũng được yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan đến việc thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị và quá trình thực hiện hợp đồng đối với gói thầu trang thiết bị y tế, vật tư y tế, trong đó có vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch từ năm 2015 đến nay.
Bệnh viện Tim Hà Nội nằm trong số ít bệnh viện địa phương được xếp vào nhóm bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của cả nước, với nhiều kỹ thuật được đánh giá cao như mổ tim hở, can thiệp tim mạch...
Ngày 12-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội cũng xác nhận cơ quan công an đang làm việc với bệnh viện, phạm vi làm việc “rất rộng, từ vật tư, máy móc, hoạt động xã hội hóa” từ 2015 đến nay. Thời gian làm việc thì lãnh đạo bệnh viện cho biết vẫn chưa xác định được.
Liên quan đến mua sắm thiết bị y tế, thời gian qua Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP.HCM" và vụ án "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại Bệnh viện Bạch Mai. Cơ quan điều tra đã bắt hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của hai bệnh viện này để điều tra những sai phạm liên quan.
Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, kết quả điều tra bước đầu xác định có một số cá nhân tại Công ty BMS có hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỉ đồng (gồm VAT).
Tuy nhiên, các bị can câu kết nâng khống lên 39 tỉ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý.
Giá hệ thống robot là 7,4 tỉ đồng, chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh là 4 triệu đồng, nhưng với giá đã nâng khống khi đưa vào lắp đặt thì người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng.
Từ năm 2017 - 2019 có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỉ đồng.
TTO - Vụ án nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai được đánh giá là nghiêm trọng hơn nhiều so với vụ án máy xét nghiệm COVID-19 tại CDC Hà Nội, bởi chỉ một máy đã bị “thổi giá” lên hàng chục tỉ đồng và người chi trả chính là bệnh nhân.