Ukraine yêu cầu Nga rút quân khỏi biên giới nước này khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Mỹ sẽ áp đặt “cái giá” đối với mọi sự gây hấn của Điện Kremlin.
Ukraine yêu cầu Nga chấm dứt chiến dịch thông tin sai lệch
Theo hãng tin Bloomberg, hôm 12-4, Bộ Ngoại giao Ukraine yêu cầu Nga chấm dứt những gì nước này gọi là “luận điệu quân sự và thông tin sai lệch”.
Đáp lại, Điện Kremlin nhắc lại hoạt động quân sự của nước này là nhằm đáp trả mối đe dọa về một cuộc tấn công của quân đội Ukraine – điều Kiev phủ nhận.
Binh sĩ Ukraine. Ảnh: Ministry of Defense of Ukraine/The Mosow Times
Tuần trước, trong khi người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói về nguy tái diễn hành động quân sự toàn diện, các đồng minh của Ukraine cố gắng ngăn chặn những bước đi sai lầm có thể xảy ra.
Cuối tuần qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tới gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan – người cũng là đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ukraine muốn phương Tây kiềm chế Nga bằng cách áp trừng phạt.
Ông Blinken nói với kênh NBC News hôm 11-4 rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cảnh báo nếu Nga hành động liều lĩnh hay gây hấn thì sẽ phải trả giá, sẽ gánh hậu quả.
Ông Blinken đang bay tới trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ) để thảo luận vấn đề này bên cạnh các chủ đề khác.
Ngoài ra, các đại diện thường trực của NATO sẽ tổ chức họp với Ngoại trưởng Ukraine vào ngày 13-4, quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Philip Reeker cho biết.
“Chúng tôi thật sự quan ngại về hành động của Nga làm leo thang căng thẳng với Ukraine” – ông Reeker nói.
Ông Reeker cáo buộc Nga thực hiện chiến dịch thông tin sai lệnh “được thiết kế để đổ lỗi cho Ukraine về những hành động của chính Điện Kremlin”.
Ukraine cáo buộc Nga khuấy động căng thẳng nhằm giành lấy đòn bẩy trong các cuộc đối thoại về xung đột miền Đông Ukraine trong tương lai.
Hôm 12-4, Bộ Ngoại giao Ukraine ra tuyên bố nói bất kỳ nghị quyết nào cũng nên tuân thủ các hiệp định hòa bình ký năm 2015 tại Minsk (Belarus). Người phát ngôn của Tổng thống Ukraine Zelenskiy – bà Yulia Mendel cho rằng đối thoại là cách tốt nhất để giải quyết căng thẳng.
“Đó là lý do chúng tôi thúc đẩy các cuộc đàm pháp theo định dạng Normandy” – bà Mendel nói, đề cập các cuộc đàm phán giữa Ukraine, Nga, Đức và Pháp.
Ukraine cho hay nước này còn yêu cầu các cuộc đàm phán một – một với Tổng thống Putin, mặc dù ông Peskov nói họ chưa nhận được đề nghị nào như vậy.
Bất chấp việc Nga ủng hộ và cung cấp hỗ trợ quân sự và tài chính cho phe ly khai ở miền Đông Ukraine, hôm 12-4, ông Peskov lần nữa gọi cuộc xung đột này là “vấn đề nội bộ”.
“Chúng tôi có cần thực hiện các biện pháp để đảm bảo an ninh của chúng tôi không? Có, có chứ” – ông Peskov phát biểu trên truyền hình nhà nước.
Nga có 41.000 lính ở sát Ukraine, 42.000 lính ở Crimea?
Căng thẳng Nga-Ukraine đang ở mức cao nhất kể từ khi chấm dứt cuộc giao tranh quy mô lớn ở miền Đông Ukraine. Cuộc xung đột bùng phát sau khi Tổng thống Putin sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Cuộc chiến giữa lực lượng chính phủ Kiev và phe ly khai ở miền Đông đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người.
Người dân tìm kiếm đồ đạc trong ngôi nhà bị phá hủy của họ gần tiền tuyến ở miền Đông Ukraine. Ảnh: CNN
Các vụ đụng độ thường xuyên nổ ra ở miền Đông Ukraine trong những tuần gần đây, phá vỡ lệnh ngừng bắn ký hồi năm ngoái.
Theo báo The Moscow Times, quân đội Ukraine hôm 12-4 cho biết hai binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong vụ đụng độ với phe ly khai ở miền Đông.
Theo quân đội Ukraine, một binh sĩ thiệt mạng hôm 10-4 khi phe ly khai khai hỏa bằng súng cầm tay, còn một binh sĩ khác bị trúng đạn nhưng không qua khỏi hôm 12-4.
Nhà Trắng tuần trước nói rằng số lính Nga tại biên giới với Ukraine hiện nay đông nhất so với bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2014.
Đụng độ bùng phát trở lại khi Nga triển khai hàng ngàn binh sĩ tới biên giới với Ukraine.
Hôm 12-4, người phát ngôn của Tổng thống Zelenskiy nói với hãng tin AFP rằng hiện giờ, Nga có 41.000 binh sĩ ở biên giới phía đông Ukraine và 42.000 binh sĩ ở bán đảo Crimea.
Điện Kremlin không phủ nhận thông tin Nga triển khai binh sĩ và khẳng định nước này không tiến tới chiến tranh với Ukraine. Tuy vậy, Nga cũng nói sẽ không thờ ơ với số phận của những người nói tiếng Nga sinh sống tại miền Đông Ukraine.