Các tuyến xe buýt kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được điểu chỉnh để tăng từ 51 lên 59 tuyến khi đường sắt đi vào khai thác - Ảnh: NAM TRẦN
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, dọc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (dài 13,1km, 12 nhà ga) hiện có 51 tuyến xe buýt hoạt động, chiếm gần 40% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội.
Tuy nhiên, phân bổ hoạt động của các tuyến buýt không đều, chủ yếu tập trung tại các ga trên trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung (Hà Đông), các ga trong nội thành như Láng, Thái Hà, La Thành, Cát Linh có số lượng tuyến buýt thấp, không đa dạng về hướng kết nối.
Theo thiết kế, đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông có 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách, mỗi chuyến chở được 960 khách, tần suất giờ cao điểm 6 phút/chuyến (bình quân giờ cao điểm có 10 chuyến/hướng vào ga đón trả khách). Như vậy, năng lực của đường sắt Cát Linh - Hà Đông tối đa đạt 9.600 khách/giờ/hướng.
Tại ga Cát Linh đầu tuyến hiện có 8 tuyến buýt với năng lực vận chuyển 6.180 khách/giờ sẽ đáp ứng giải tỏa được 64,4% số hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông trong trường hợp toàn bộ hành khách đi trên tuyến đều xuống ga này trong giờ cao điểm.
Tại ga Yên Nghĩa cuối tuyến hiện có 20 tuyến buýt với năng lực 14.072 khách/giờ, thừa đáp ứng năng lực vận chuyển trong trường hợp toàn bộ khách đi tàu đều xuống ga này trong giờ cao điểm.
Với ga Cát Linh: trong 3 tháng đầu khi tàu Cát Linh - Hà Đông khai thác thương mại sẽ điều chỉnh lộ trình 3 tuyến buýt lân cận để tăng tổng số tuyến buýt kết nối với ga này từ 8 lên 10 tuyến. Đồng thời tăng tần suất chạy xe buýt để có năng lực vận chuyển 7.740 khách/giờ, tương đương với 80% công suất tối đa của hành khách xuống ga Cát Linh.
Sau 3 tháng tàu khai thác thương mại: tiếp tục tăng tần suất xe buýt để có năng lực giải tỏa 8.040 khách/giờ (tương đương 84% công suất tối đa hành khách xuống ga Cát Linh).
Sau 6 tháng từ ngày tàu hoạt động: mở mới 5 tuyến buýt kết nối với ga Cát Linh nâng tổng số tuyến buýt kết nối ga này từ 10 lên 15 tuyến, đáp ứng 9.648 khách/giờ (bằng 100,5% công suất tối đa của khách đi tàu xuống ga Cát Linh).
Với các tuyến buýt dọc đường sắt Cát Linh - Hà Đông: sẽ điều chỉnh lộ trình một số tuyến buýt đi trùng hành trình, giảm tuyến buýt trùng, giảm mật độ, số lượng xe buýt trên trục dọc đường sắt Cát Linh - Hà Đông theo mốc thời gian 3, 6, 9 tháng. Theo đó, sau 9 tháng tàu khai thác thương mại nâng số tuyến buýt kết nối từ 51 lên 59 tuyến.
Lúc đó, ga Cát Linh tăng từ 8 lên 15 tuyến, ga La Thành 4 tuyến lên 6 tuyến, ga Thái Hà 4 tuyến lên 7 tuyến, ga Láng 5 tuyến lên 7 tuyến, ga Thượng Đình 11 tuyến giảm còn 8 tuyến, ga vành đai 3 từ 12 tuyến giảm còn 9 tuyến, ga Phùng Khoang 10 tuyến giảm còn 7 tuyến, ga Văn Quán 13 tuyến còn 10 tuyến, ga Hà Đông 10 tuyến còn 7 tuyến, ga Văn Khê 12 tuyến còn 8 tuyến, ga La Khê 15 tuyến còn 12 tuyến, ga cuối Yên Nghĩa 20 tuyến còn 18 tuyến.
Đồng thời bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt trên dọc tuyến đường sắt này để có 65 điểm dừng trên 2 chiều với cự ly bình quân giữa các điểm khoảng 400m. Trong đó có 24 điểm dừng xe buýt tiếp cận trực tiếp trong khu vực 11 ga, 2 điểm dừng cách nhà ga vành đai 3 khoảng 200m, 40 điểm dừng giữa 2 nhà ga trên tuyến để tăng cường kết nối; bổ sung 14 nhà chờ xe buýt, nâng tổng số điểm dừng có nhà chờ lên 28 điểm; bố trí khu vực trông giữ xe đạp, xe máy để hành khách gửi xe đi tàu.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, với sự hoạt động của tàu Cát Linh - Hà Đông và xe buýt, trên trục chính của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông) đến ngã tư Sở, năng lực vận chuyển công cộng sẽ tăng 3-4 lần so với hiện nay, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu đi lại của người dân dọc tuyến. Năng lực trung chuyển của xe buýt đảm bảo giải tỏa từ 429.000 - 472.000 khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông mỗi ngày.
TTO - Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định như vậy tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý 1-2021 và phương hướng, nhiệm vụ quý 2-2021 sáng 9-4.