Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 12-4 nhận định sự thất bại của thế giới trong việc đoàn kết giải quyết COVID-19 đã gây ra tình trạng bất bình đẳng cực đoan, đồng thời kêu gọi đánh thuế tài sản của các cá nhân đã hưởng lợi trong đại dịch nhằm hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu, theo hãng thông tấn AP.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho biết các báo cáo mới nhất chỉ ra rằng tổng giá trị khối tài sản của những người giàu nhất thế giới đã tăng 5 nghìn tỉ USD chỉ trong năm vừa qua.
Ông Guterres kêu gọi các chính phủ “xem xét đánh thuế liên đới hoặc thuế tài sản đối với những người đã trục lợi trong đại dịch để giảm bớt sự bất bình đẳng cùng cực".
Y tá tiêm vaccine AstraZeneca cho một bệnh nhân ở TP Abidjan, Bờ Biển Ngà hôm 19-3. Ảnh: AP
Trong diễn đàn Tài trợ cho Phát triển của Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên Hợp Quốc, ông Guterres nói rằng kể từ khi đại dịch bắt đầu, “không có yếu tố nào trong phản ứng đa phương của chúng tôi diễn ra đúng như mong muốn”.
Trước hết, ông cho biết COVID-19 đã khiến thế giới lâm vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong vòng 90 năm qua với hơn 3 triệu trường hợp tử vong vì dịch bệnh, khoảng 120 triệu người rơi vào cảnh nghèo khó và 255 triệu người mất việc làm.
Ông Guterres nhấn mạnh rằng 10 quốc gia phát triển đã chiếm đến khoảng 75% tỉ lệ tiêm chủng toàn cầu. Nhiều quốc gia thậm chí còn chưa bắt đầu chương trình tiêm chủng cho nhân viên y tế và những người dễ mắc bệnh.
“Việc thúc đẩy phản ứng toàn cầu một cách công bằng và phục hồi sau đại dịch đang đặt chủ nghĩa đa phương vào thế khó. Chi phí của việc tích trữ vaccine một cách bất bình đẳng lên tới hơn 9 nghìn tỉ USD" - ông Guterres nói.
Sự thiếu đoàn kết toàn cầu cũng có nghĩa là trong khi một số quốc gia đã huy động hàng nghìn tỉ USD để cứu trợ COVID-19 cho công dân của mình, nhiều quốc gia đang phát triển khác phải đối mặt với gánh nặng nợ nần và sự lựa chọn giữa trả nợ hoặc cứu dân.
Ông Guterres cho biết các khoản nợ quốc tế sẽ được đình lại tới sau cuối năm 2022 và cộng đồng quốc tế cần giải quyết gốc rễ của cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu.
Cuối cùng, ông Guterres một lần nữa kêu gọi các nước thực hiện đúng cam kết 100 tỉ USD hàng năm với mục tiêu giúp các nước đang phát triển giảm lượng khí thải và đối phó với các tác động không thể tránh khỏi của sự nóng lên toàn cầu, chẳng hạn như mực nước biển dâng và hạn hán.
"Chúng ta cũng phải có sự đầu tư vào giáo dục, việc làm, hệ thống bảo trợ xã hội và y tế. Mặc dù đại dịch vẫn là thách thức trước mắt, nhưng biến đổi khí hậu cũng không thể bị bỏ qua" - ông Guterres nhấn mạnh.
Vào tháng 10-2020, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc - ông David Beasley cũng đã kêu gọi hỗ trợ kinh tế từ 2.000 tỉ phú trên thế giới với tổng tài sản ròng hơn 8 nghìn tỉ USD.
Tổng thống Malawi - ông Lazarus McCarthy, chủ tịch nhóm 46 quốc gia kém phát triển nhất (LDCs), đã kêu gọi tài trợ và xóa bỏ hoàn toàn tất cả các khoản nợ song phương, đa phương và thương mại còn tồn tại để đưa các nước nghèo vượt qua cơn đại dịch.