Ông Đoàn Tấn Bửu (đứng) trong buổi làm việc với Sở GD-ĐT yêu cầu nhìn thẳng thực trạng để có giải pháp lâu dài cho học sinh có năng lực học tập yếu kém - Ảnh: N.TÀI
Nhận định vấn đề có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, lãnh đạo ngành giáo dục Đồng Tháp cam kết sẽ thẳng thắn nhận trách nhiệm và xem đây là cơ hội "nói thẳng, nói thật", chấn chỉnh toàn ngành.
Thú thật mấy ngày qua tôi rất ê mặt vì mình là người đảm nhiệm quản lý chất lượng giáo dục trung học mà để xảy ra sự việc như vậy. Tại đây tôi hứa sẽ quyết tâm, làm quyết liệt hơn nữa, làm sao chấn chỉnh, không để tái diễn. Chứ hôm nay trước mặt quý vị tôi hứa như vậy rồi sau đó một vài năm mà còn xảy ra nữa thì tôi chỉ có nước từ chức thôi", ông Nguyễn Thanh Danh, phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, nói.
Đối mặt chứ không đổ lỗi
Ông Nguyễn Thanh Danh, phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, cho biết ngay khi Tuổi Trẻ Online thông tin vụ việc, sở đã có công văn khẩn chấn chỉnh tình trạng học sinh không đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng.
Ngoài ra, sở cũng yêu cầu tổ chuyên môn, giáo viên nghiêm túc tìm nguyên nhân học sinh còn yếu, thiếu kiến thức kỹ năng tối thiểu, trong đó tập trung nguyên nhân chủ quan.
Riêng những nguyên nhân khách quan như hoàn cảnh gia đình các em khó khăn, cha mẹ ít quan tâm, còn giao phó cho nhà trường, các vấn đề xã hội thì xem đó là thực trạng mà ngành giáo dục phải đối mặt, vượt qua chứ không đổ lỗi.
"Chúng tôi sẽ phải tập trung vào những nguyên nhân chủ quan như chất lượng dạy học, việc quản lý kiểm ta, đánh giá học sinh còn hạn chế, việc bồi dưỡng học sinh yếu kém có hiệu quả không. Bắt buộc phải có giải pháp mạnh mẽ trong thời gian sắp tới", ông Danh cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Danh, phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, chia sẻ tại buổi làm việc - Ảnh: N.TÀI
Sở GD-ĐT Đồng Tháp cũng nhấn mạnh sở đã chỉ đạo từ lâu, xuyên suốt không giao chỉ tiêu học sinh lên lớp cho giáo viên và không sử dụng tiêu chí này làm điều kiện "cứng" hay "khống chế" trong đánh giá, xếp loại và xét thi đua khen thưởng giáo viên vào cuối năm học.
Tuy nhiên sở cũng nhìn nhận có thể đây đó trong một vài ban giám hiệu muốn thành tích trường mình đẹp, không chấp hành chỉ đạo của ngành, có những quy định gây áp lực cho các thầy cô, do đó khi biết học sinh yếu kém vẫn cho lên lớp. Sắp tới sẽ chỉ đạo, rà soát lại yêu cầu thực hiện nghiêm.
Từ sau vụ việc này, sở yêu cầu các cơ sở giáo dục, trường học thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT, kiên quyết không để học sinh nào không đảm bảo kiến thức, kỹ năng tối thiểu mà được lên lớp. Cần thiết sở sẽ thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra các nội dung liên quan để chấn chỉnh, khắc phục triệt để.
"Sự việc vừa rồi thật đáng tiếc, đánh trách, đáng phê bình ngành giáo dục nhận trách nhiệm. Chúng tôi xem đây là bài học đáng giá về công tác quản lý chuyên môn của ngành, nhất là công tác tổ chức, kiểm tra, đánh giá học sinh ở một số đơn vị. Chúng tôi quyết tâm sửa sai, khắc phục một cách triệt để bằng các giải pháp cụ thể", ông Danh chia sẻ.
Không đợi báo cáo phải khảo sát thực tế
Theo chỉ đạo của ngành giáo dục, trưởng phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường THPT và thủ trưởng các cơ sở giáo dục phải kiểm tra, rà soát, thống kê ngay số học sinh, học viên còn yếu về kiến thức, kỹ năng tối thiểu, sau đó có báo cáo cụ thể.
Tuy nhiên, UBND tỉnh cho rằng việc đến nông nỗi này một phần là do hệ thống báo cáo "có vấn đề", do đó cần triển khai song song một số đoàn liên ngành khảo sát thực tế ở một số nơi điển hình, có dữ liệu cụ thể.
Sở cũng thống nhất trước hết là để các trường, các phòng giáo dục có cơ hội nói thật không giấu giếm, bên cạnh đó sẽ thiết lập đoàn kiểm tra, nắm thông tin thực chứng, từ đó đánh giá tổng thể.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh cũng đưa ra băn khoăn làm sao để kèm cặp, giúp đỡ học sinh yếu kém, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quan tâm của gia đình. Yêu cầu của tỉnh là bên cạnh đưa ra nguyên nhân phải tìm ra một giải pháp lâu dài chứ đừng "chữa cháy" khi có dư luận.
Hướng đi nào cho những em có năng lực học tập yếu, kém là bài toán mà UBND tỉnh Đồng Tháp đặt ra - Ảnh: N.TÀI
Theo Sở GD-ĐT Đồng Tháp, đối với những học sinh bị xếp loại yếu, kém vào cuối năm thì nhà trường sẽ tổ chức thêm học kỳ 3 cho những em này. Thầy cô tập trung ôn tập những kiến thức căn bản nhất, tối thiểu để các em lên lớp.
Qua học kỳ này mà vẫn chưa đạt thì bắt buộc các em phải ở lại lớp. Trước đây, mỗi cấp học các em chỉ được ở lại 1 lần, sau này thì 2 lần, nếu quá 2 lần thì xem như "bó tay" phải đưa các học sinh này qua hệ giáo dục thường xuyên.
Ông Đoàn Tấn Bửu, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chỉ đạo cần đặt nặng trách nhiệm nhà trường, hỗ trợ tích cực tốt nhất, nhân văn cho các em có năng lực học yếu, khó lên lớp, ở lại 1-2 năm. Nếu các em học hoài không thể lên lớp thì phải hướng nghiệp cho các em học nghề trung cấp, sơ cấp, sau đó các em có nghề không phải thất nghiệp.
"Chúng ta phải mạnh dạn sàng lọc, có hướng đi phù hợp cho nhóm các em có năng lực học tập yếu, kém. Chúng ta phải thừa nhận thôi, không nên nhắm vào số lượng lớn nhưng thực chất thì có những em không đảm bảo chất lượng", ông Bửu chia sẻ.
Cử nhóm giáo viên tiểu học có kinh nghiệm dạy chữ
Riêng 6 em báo chí phản ánh không đọc được chữ, phòng GD-ĐT đã yêu cầu thành lập một nhóm giáo viên có kinh nghiệm ở trường tiểu học kèm cặp riêng cho các em. Các thầy cô THCS gia cố kiến thức cho các em ở các môn học lớp 6 để các em đầy đủ kiến thức, nếu đã cố gắng, nỗ lực mà chưa đạt thì phải để các em ở lại lớp 6.
"Phải ứng xử thật khéo léo, thật nhân văn vì lỗi không phải của các em mà lỗi của ngành đã đẩy các em lên lớp", ông Bửu nói.
TT - Nhiều khi chúng ta gặp những học sinh sau nhiều năm học vẫn không đọc, viết được và gọi đó là hiện tượng “ngồi nhầm lớp”. Vậy thực hư hiện tượng này xét về mặt y học như thế nào?