Nhiều lần từ chối lời cầu cứu của Montenegro, ông Peter Stano - người phát ngôn của EU - nói với tờ South China Morning Post rằng EU "không trả các khoản vay của các đối tác mà họ vay từ bên thứ ba".
Người phát ngôn bày tỏ quan ngại "về các tác động kinh tế xã hội và tài chính của một số khoản đầu tư của Trung Quốc vào Montenegro", cũng như nguy cơ gây mất cân bằng kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, người phát ngôn của EU cho biết Brussels sẵn sàng làm việc với Montenegro – quốc gia vùng Balkan (Nam Âu) muốn gia nhập liên minh nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính cho các dự án đầu tư và đảm bảo tính bền vững của nợ công.
Ngày 11-4, Bộ trưởng Tài chính Montenegro Milojko Spajic là thành viên nội các mới nhất yêu cầu Brussels giúp đỡ trong việc hoàn trả khoản vay với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc vào năm 2014 để xây dựng đoạn đầu tiên của đường cao tốc nối nước này với nước láng giềng Serbia.
Theo ông Milojko Spajic, khoản vay đã được chính phủ trước đó đồng ý và chính quyền mới muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với Brussels hơn Bắc Kinh. Chia sẻ với tờ Financial Times cuối tuần trước, ông Milojko Spajic thừa nhận: "Về cơ sở hạ tầng, chúng tôi hiện đang dựa vào Trung Quốc. Tình hình rất kịch tính từ quan điểm địa chính trị".
Ảnh chụp vào tháng 9-2018 về công trình xây dựng cây cầu Moracica trên đường cao tốc, cách thủ đô Podgorica khoảng 14 km về phía Bắc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho Montenegro vay 809 triệu euro (21.400 tỉ đồng) để trang trải 85% chi phí xây 41 km đường trong giai đoạn 1 của dự án do Tập đoàn xây dựng cầu đường Trung Quốc (CRBC) thực hiện. Tuy nhiên, giai đoạn 1 đội vốn lên đến gần 1 tỉ euro, chiếm 1/4 GDP của Montenegro. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính chi phí xây dựng phần còn lại của tuyến đường là 1,2 tỉ euro.
Tờ Financial Times cho biết chi phí ước tính là 23,8 triệu USD cho mỗi km. Điều này khiến tỉ lệ nợ công /GDP ở Montenegro từ 65,9% lên khoảng 80%, theo số liệu từ Nghị viện châu Âu.
Công nhân Trung Quốc tại công trình xây đường cao tốc ở Montenegro. Ảnh: Reuters
Hồi năm 2018, IMF từng cảnh báo Montenegro không thể tiếp tục mượn tiền vì tổng nợ nước ngoài sau khi vay Trung Quốc được dự báo chiếm 80% GDP. Thời điểm đó, không tổ chức tài chính quốc tế nào, kể cả Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Đầu tư châu Âu muốn duyệt khoản vay cho Montenegro.
Với chiến lược Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc hứa hẹn những khoản vay "dễ dàng" và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại những nước nghèo ở châu Á, châu Phi và cả châu Âu. Trong đó, các nước Nam Âu là điểm tiếp cận then chốt của Trung Quốc nhằm mở rộng sức ảnh hưởng ở toàn khu vực. Montenegro là quốc gia đầu tiên ở Nam Âu có nguy cơ rơi vào nợ nần vì vay tiền của Trung Quốc để xây dựng tuyến đường dài 165 km từ cảng Bar đến nước láng giềng Serbia.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc nói rằng các khoản vay của họ cho các nước đang phát triển không có ràng buộc nào. Trong khi đó, Brussels ngày càng lo ngại trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Tây Balkan, nơi nước này có quan hệ chặt chẽ với Serbia.
Xem thêm: nhc.23165319031401202-couq-gnurt-ut-it-1-on-nom-court-ua-man-aig-couq-ut-couhk-ue/nv.fefac