vĐồng tin tức tài chính 365

Đầu tư cảng Liên Chiểu: Những thách thức trước mắt về kết nối hạ tầng

2021-04-14 03:39

Đầu tư cảng Liên Chiểu: Những thách thức trước mắt về kết nối hạ tầng

Nhân Tâm

(KTSG Online) - Các tuyến giao thông đường bộ kết nối đến cảng, thời gian đầu tư và vận hành là vấn đề mà những người trong cuộc quan tâm khi xúc tiến đầu tư cảng Liên Chiểu sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phần hạ tầng dùng chung của dự án.

Đại diện đoàn nghiên cứu JICA của Nhật Bản trình bày báo cáo khảo sát cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm

Lộ trình đầu tư cảng Liên Chiểu

Chiều nay, 13-4, đại diện Đoàn nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có báo cáo cuối kỳ dự án khảo sát thu thập số liệu và phát triển cảng Liên Chiểu tại Trung tâm hành chính Đà Nẵng.

Đây là cơ sở để thành phố Đà Nẵng tiến hành các bước đầu tư phần cơ sở hạ tầng dùng chung, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và kêu gọi đầu tư bến cảng và dịch vụ hậu cần trong thời gian tới.

Theo đại diện của đoàn nghiên cứu, phát triển cảng Liên Chiểu là cần thiết vì ba nguyên nhân, bao gồm lượng hàng hóa tại cảng Tiên Sa - cảng lớn nhất của Đà Nẵng hiện nay - đang gia tăng trung bình 13%/năm đối với tổng sản lượng và 20%/năm đối với hàng hóa container trong 10 năm gần đây. Với đà tăng này, lượng hàng hóa sẽ đạt công suất tối đa của cảng Tiên Sa trong vài năm tới (12 triệu tấn/năm). Kéo theo đó là lưu lượng xe tải chở hàng gia tăng gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và hình ảnh của ngành du lịch.

Theo báo cáo, sau khi cảng Liên Chiểu được đầu tư xong hạ tầng dùng chung và báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt (được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025), cảng Liên Chiểu sẽ được phát triển và khai thác hai bến đầu tiên từ cuối năm 2026 hoặc 2027.

Sau đó, cảng Liên Chiểu sẽ có 4 bến vào năm 2031, 5 bến vào năm 2035 và 6 bến vào năm 2038. Song song đó, chức năng cảng hàng hóa từ cảng Tiên Sa dời đến cảng Liên Chiểu sẽ được thực hiện từ năm 2031 hoặc 2041 tùy theo tiến độ các hạng mục dự án, để “dọn đường” cho cảng Tiên Sa trở thành cảng chuyên đón tàu du lịch.

Chế độ dòng chảy, bồi lắng cũng như tuyến vận tải hàng hóa kết nối với cảng Liên Chiểu qua đường bộ và đường sắt hay hình thức vận hành cảng cũng được đoàn khảo sát đề cập đến. 

Thách thức kéo dài: Kết nối lưu thông hàng hóa đường bộ

Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Trung Kiên, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB), cho biết, theo thiết kế con đường Yết Kiêu và Ngô Quyền (tuyến đường chính ra vào cảng Tiên Sa) có công suất chịu đựng tối đa vận chuyển hàng hóa 10 triệu tấn/năm.

“Hiện nay công suất khai thác cũng đã xấp xỉ và sẽ tăng lên 14-15 triệu tấn/năm từ nay đến 2025, tăng nhiều so với khả năng tuyến đường”, ông Kiên nói và phân tích thêm đến năm 2025, cảng Liên Chiểu vẫn chưa thể đưa vào khai thác, sẽ gây quá tải cho tuyến đường này.

Đó là chưa kể, theo quan sát của người viết, khi con đường này tăng lưu lượng vận tải, nguy hiểm cho người càng cao vì đây là con đường huyết mạch, chạy từ cảng, xuyên qua hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn với mật độ dân số cao, đến các khu công nghiệp và sau đó là Quốc lộ 1A. Đây cũng là vấn đề kinh niên mà Đà Nẵng phải giải quyết trong nhiều năm qua khi thường xuyên xảy ra tai nạn giữa xe container và xe cá nhân.

Vì vậy, ông Kiên đề nghị trước mắt tăng cường vận tải đường thủy để giảm tải cho tuyến đường và nghiên cứu đẩy nhanh thời gian vận hành cảng Liên Chiểu.

Vấn đề lưu thông hàng hóa ra vào cảng bằng xe container và ảnh hưởng đến lưu thông của người dân được nhiều người quan tâm khi bàn về đầu tư cảng Liên Chiểu. Ảnh: Nhân Tâm

"Nếu không giải quyết các vấn đề này, các chủ hàng, chủ tàu sẽ tìm nơi khác để cập bến và khai thác như Chân Mây, Chu Lai chẳng hạn”, ông Kiên cảnh báo.

Theo những người tham gia hội nghị, giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa, giao thông ra vào cảng Tiên Sa quan trọng, và vấn đề này cũng quan trọng không kém tại cảng Liên Chiểu.

Theo đề xuất của JICA, tuyến vận tải chính ra vào cảng Liên Chiểu trước mắt sẽ tận dụng mạng lưới đường bộ hiện trạng lân cận, bao gồm các đường Nguyễn Văn Cừ, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Lương Bằng, cầu Nam Ô… trước khi xây dựng các tuyến đường mới, đường tránh, cầu vượt vào cảng. Bên cạnh đó, ý tưởng quy hoạch kết nối đường sắt sẽ phụ thuộc vào thời điểm quy hoạch đường sắt Bắc-Nam mới và quy hoạch ga hàng hóa mới.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, hiện nay các tuyến đường bộ đoàn nghiên cứu JICA đang đề cập đều đang là những tuyến đường lưu thông chính của quận với mật độ nhà cửa và dân cư đông đúc.

“Bên cạnh đó, cầu Nam Ô (nối liền trung tâm quận và Quốc lộ 1A) cũng đang hạn chế tải trọng, vì vậy tôi để nghị xem lại đường vào cảng”, ông Huy nói và cho biết thêm tái định cư cho người dân khi đầu tư cảng cũng là một vấn đề. Theo ông Huy, khi dự án được thực hiện, khoảng 10.000 dân phải di dời, nhưng tái định cư trên địa bàn quận không dễ vì đất để xây nhà không còn nhiều.

Những ý kiến về đầu tư cấp tốc đường bộ khi bắt đầu thực hiện dự án cảng Liên Chiểu cũng nhận được sự đồng tình của đại diện Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng khi tham gia buổi báo cáo chiều nay.

Phát buổi kết thúc sự kiện, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết việc đầu tư cảng Liên Chiểu sẽ góp phần phát triển kinh tế Đà Nẵng tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa vì cảng Liên Chiểu nằm ngày gần các khu công nghiệp, công nghệ cao, quốc lộ, cao tốc và ga đường sắt trong tương lai. Ông cam kết Đà Nẵng sẽ tiếp tục hỗ trợ JICA  triển khai các nghiên cứu tiếp theo tại cảng Liên Chiểu.

Xem thêm: lmth.gnat-ah-ion-tek-ev-tam-court-cuht-hcaht-gnuhn-ueihc-neil-gnac-ut-uad/814513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đầu tư cảng Liên Chiểu: Những thách thức trước mắt về kết nối hạ tầng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools