Nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Đức Tùng
Tiếp nối cuộc trò chuyện về thơ trên Tuổi Trẻ ngày 13-4, từ Canada, nhà thơ - nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đức Tùng (tác giả của hai tập sách Thơ đến từ đâu và Thơ cần thiết cho ai) dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện về thơ và độc giả của thơ hiện nay, về không khí phê bình văn học trong nước.
Thơ vần điệu không phải không có lý do mà sống lâu
* Thưa ông, làn sóng phản đối giải thưởng thơ của báo Văn Nghệ cho bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm vừa qua hẳn đã khiến một nhà thơ, một nhà phê bình như ông có nhiều nghĩ suy?
- Dư luận có hai loại: những ý kiến có tính văn học dù chê bai cũng nhã nhặn, và những ý kiến ngoài văn học từ những người vốn đã không có cảm tình đối với tờ báo Văn Nghệ hay các thể chế văn học nghệ thuật hiện nay.
Tôi quan tâm đến nhóm thứ nhất. Tôi tin là chúng ta phải lắng nghe cả hai phía trong những trường hợp như thế này. Tôi rất muốn nghe những ý kiến bảo vệ cho bài thơ được giải cao nhất trong khi đã nghe những ý kiến phản đối nó, nhưng cho đến nay tôi chỉ thấy những ý kiến phản đối và nhiều bài thơ nhái giọng rất hài hước. Chúng ta cần có một không khí đối thoại. Người Việt hiện nay không có không khí đối thoại.
Điều thứ hai là chúng ta có quá nhiều phe phái, mỗi người mỗi ý, nên các nhà phê bình đứng đắn không có tiếng nói. Không những vậy, những người trong ban giám khảo đôi khi cũng vì áp lực dư luận mà e ngại, cho buông trôi. Tôi nghĩ họ cần dũng cảm lên tiếng bảo vệ quan điểm của mình. Mặt khác, sự phản đối ồn ào cũng có cái tốt của nó; nó chứng tỏ công chúng hãy còn quan tâm đến thơ ghê lắm. Chỉ cần chúng ta có cách làm thì sẽ có nhiều người tìm đọc.
Có nhiều người hiện nay vẫn không thích thơ tự do không vần điệu; họ đã quá quen với thơ lục bát, thơ bảy chữ, ca dao, tục ngữ. Nhưng hãy tin, cái mới bao giờ cũng vất vả, về sau sẽ chinh phục đám đông.
Thơ vần điệu không phải không có lý do mà sống lâu đến thế, trong cái vỏ ngôn ngữ ấy là một tâm thế kỳ lạ của người Việt: cũ kỹ, không chịu thay đổi, trong khi vẫn hô hào đổi mới. Thơ có hai loại, thơ có vần và thơ tự do, nhưng ngay cả thơ tự do cũng cần có nhịp điệu, tuy gần với văn xuôi hơn nhưng vẫn là thơ. Bài thơ được giải là một loại thơ tự do nhưng không quá xa vần điệu.
* Thơ, giống như các nghệ thuật khác, giống như tình yêu. Liệu có một định nghĩa đóng kín về thơ hay không, để mà có thể căn cứ vào đó bảo cái này là thơ, cái kia không phải như phần đông ý kiến trong cuộc ồn ào vừa qua?
- Thơ là gì là một câu hỏi thú vị và xưa nay nhiều người đã tìm cách trả lời nhưng không mấy thành công. Làm thế nào để biết cái này là thơ, cái kia không phải là thơ thì phải dựa vào tiêu chuẩn mỗi người. Theo tôi, một văn bản là thơ khi nào nó có ba tính chất sau đây: sử dụng một ngôn ngữ có nhạc tính, lực đẩy của bài thơ là các tư duy hình ảnh, và cuối cùng và quan trọng nhất là sự tồn tại của các câu thơ.
Với ngoại lệ thơ xuôi, tất cả các bài thơ đều có cấu trúc là tập hợp của các câu thơ. Câu thơ khác với câu văn phạm hay ngữ pháp. "Tiếc thay cây quế giữa rừng/Để cho thằng mán thằng mường nó leo" thì chưa phải là thơ, mới là ca dao. Nhưng "Tiếc thay cây quế giữa rừng/Thơm tho ai biết lẫy lừng ai hay" thì đã là thơ. Thơ không phải là ví von, là xách mé hay dạy đời. Thơ làm ta suy nghĩ và xúc động.
Các nhà phê bình phải có tiếng nói hơn
* Ông cựu chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh từng than rằng chúng ta đang có hàng ngàn CLB thơ nhưng chẳng có lấy một bài thơ hay. Trong khi công chúng thì có lẽ vẫn yêu thơ và chờ đợi những vần thơ có thể an ủi, vỗ về được đời sống của họ, ông nghĩ sao?
- Nhà thơ Hữu Thỉnh than vậy là đúng, nếu quả ông đã từng than như vậy. Mặt bằng văn xuôi và thơ Việt Nam hiện nay theo tôi là khá thấp, mặc dù tôi biết có khoảng mươi hay mười lăm nhà thơ thực sự đang làm việc. Vì vậy chúng ta phải thay đổi tình hình.
Theo tôi, có thể có ba việc. Một là các tổ chức như các tờ báo, cả chính thống và độc lập, và Hội Nhà văn nên tổ chức nhiều hơn các giải thơ và mời các nhà phê bình vào ban giám khảo. Tôi thấy ban giám khảo của báo Văn Nghệ chỉ toàn nhà thơ mà không có tiếng nói của giới nghiên cứu phê bình?
Thứ hai là nếu không có tự do thì chúng ta chỉ viết ra một loại thơ đọc vui vui tang ma hiếu hỉ, hay thơ "tán gái", thơ đạo lý chung chung. Ba là các nhà thơ phải đọc nhiều hơn nữa, làm việc khổ cực hơn nữa và những nhà phê bình phải có tiếng nói hơn nữa. Việc giao lưu trong nước và hải ngoại giữa các nhóm, các nhà thơ, việc sử dụng mạng xã hội như Facebook (một cách hiểu biết, văn minh - PV) sẽ làm thúc đẩy không khí văn nghệ, cởi mở hơn, trong sáng hơn, lành mạnh hơn.
Không có diễn đàn lành mạnh, người hiểu biết sẽ giữ im lặng
Một trong những bài thơ đoạt giải B (không có giải A) giải thơ của báo Văn Nghệ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tôi đọc bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm thì thấy có ba điểm. Đây là một bài thơ tự do nhưng có yếu tố vần điệu. Đây là bài thơ trần thuật, thác lời nhân vật, không phải thơ trữ tình. Cuối cùng đây là thơ của một tác giả miền núi; ngôn ngữ miền núi chất phác, giản dị nhưng dễ lặp lại, khuôn sáo.
Bài thơ trung bình, không hay nhưng không quá tệ, nếu chỉ được giải khuyến khích chắc không ai để ý, nhưng vì đoạt giải cao nhất nên trở thành tâm của dư luận. Lẽ ra ban giám khảo phải lường trước điều này. Về hình thức nghệ thuật, bài thơ có giọng mượt mà, tuy tự do nhưng pha tính vần điệu, có vẻ như một thể thơ.
Chữ giản dị, ngắn gọn mà ý nghĩa. Theo tôi là khá. Về ý thơ thì tốt nhưng chưa sâu, chưa kỹ, cái mà người xưa gọi là lập tứ còn khuôn sáo. Nhà thơ có thể dùng việc chửi mất gà để nói ngược lại, nhưng phải dùng phương pháp đặc thù của thơ, như phép ẩn dụ, và phải cao tay. Tòng Văn Hân chưa làm được. Anh phải nâng cao hơn nữa. Thơ phải có cái vượt lên. Kết của bài thơ tạm được.
Bài thơ được giải này, bất chấp giá trị riêng, sẽ là một trường hợp thú vị: nó có thể tạo ra nhiều tranh cãi sôi nổi và bổ ích nếu chúng ta có diễn đàn công tâm cho nó. Ban giám khảo hay Hội Nhà văn nên có một diễn đàn như vậy, trong đó mọi ý kiến khen chê đều có cơ hội như nhau. Nếu không có diễn đàn lành mạnh, người hiểu biết sẽ giữ im lặng.
TTO - Ông Khuất Quang Thụy - trưởng ban tổ chức cuộc thi thơ báo Văn Nghệ - nói hoàn toàn tin tưởng vào hội đồng chung khảo chấm giải thơ. Còn chủ tịch hội đồng chung khảo - nhà thơ Hữu Thỉnh - nói ‘Mẹ tôi chửi kẻ trộm’ là bài thơ rất nhân văn.
Xem thêm: mth.49223702231401202-gnod-cux-av-ihgn-yus-at-mal-oht-iod-iuhc-em-hcax-gnohk-oht/nv.ertiout