Ngày 11-4, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động nhiều lực lượng kịp thời ngăn chặn một cuộc đua xe máy. Lực lượng công an đã bắt được gần 100 quái xế, tạm giữ 110 xe máy các loại. Nhiều người bị bắt còn chưa đủ tuổi thành niên, một số người không có giấy phép lái xe. Các xe bị tạm giữ đa số không có biển số, đa phần đã được xoáy nòng, độ chế…
Thử tưởng tượng với số lượng người và xe đông như vậy tham gia đua xe, nếu không bị lực lượng chức năng ngăn cản kịp thời thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Các đợt ra quân chống đua xe gần đây của ngành công an cho thấy nạn đua xe diễn ra trên nhiều tỉnh, thành của cả nước, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Ám ảnh tay đua bị tai nạn cách đầu xe tải 1,5 m
Là tài xế lái xe đường dài nhiều năm rồi chuyển sang dạy lái ô tô được hơn 10 năm nay, tôi vẫn nhớ mãi một sự cố trên đường tại Chư Á, Pleiku (Gia Lai) xảy ra nhiều năm trước.
Lúc đó, tôi lái xe tải IFA chở hàng từ TP.HCM về Bình Định. Anh tôi ngồi bên ghế phụ. Khi đang tăng tốc lấy đà để tăng số, mắt tôi quan sát, một tay lái, một tay tăng số… Ngay lúc này, tai tôi nghe tiếng động cơ bất thường phía sau. Linh tính mách bảo có thể là ai đó đang chạy quá tốc độ. Tôi liền bớt ga, chuẩn bị cho tình huống xe quá tốc độ từ phía sau lao tới.
Tôi phán đoán chắc chắn với tiếng rú ga gầm rú như vậy, người này sẽ đua xe và nhất định tạt đầu, đánh võng biểu diễn. Đầu thì nghĩ như vậy nhưng tôi cũng không ngờ diễn biến quá nhanh. Tôi chỉ kịp thắng để không va quẹt vào xe máy do một thanh niên điều khiển cúp sát đầu xe tải của tôi từ phía bên trái, rồi lạng qua phải, lại ngoặt qua trái… do cua quá gấp.
CSGT TP.HCM đang làm việc với một trong những thanh niên tụ tập đua xe tại quận 7 ngày 10-4 sau khi lên mạng hẹn đua xe với nhóm “Trường đua 3K”. Ảnh: M.VƯƠNG
Sau đó thì sự việc gì đến sẽ đến, do chạy quá nhanh, không làm chủ được tốc độ, người và xe ngã quật lên quật xuống trên đường, tóe lửa cả một đoạn đường.
Mặc dù đã dự báo được tình huống nhưng tôi vẫn “đứng hình” vài giây vì sự việc xảy ra quá nhanh. Tôi thắng xe kịp thời, đầu xe tải chỉ cách chiếc xe máy và người thanh niên đó khoảng 1,5 m…
Sau này, cũng nhiều lần trên đường lái xe, tôi tiếp tục gặp một số vụ đua xe máy. Kinh nghiệm bản thân và từ các anh em lái xe lâu năm là gặp tình huống này thì phải bình tĩnh. Trước hết là rà thắng từ từ cho đến khi xe dừng hẳn. Xe phải dừng đúng chỗ, đúng làn đường, không được hoảng rồi thắng xe đột ngột, gây nguy hiểm cho xe phía sau. Chờ cho sự việc qua hết rồi mới tiếp tục lên đường.
Tài xế nào mặc kệ, cố chạy cho nhanh thì các tay đua xe càng thích. Vì càng chạy nhanh, các tay đua càng có cơ hội để biểu diễn chặt cúp đầu xe, lạng lách, đánh võng trước đầu ô tô.
Bốn giải pháp để trị đua xe
Cần có giải pháp đồng bộ để trị nạn đua xe. Thứ nhất, công an cần có số đường dây tiếp nhận phản ánh của người dân về những tuyến đường thường xảy ra nạn đua xe để có kế hoạch xử lý ngay từ đầu. Thứ hai, xe không độ thì không thể nào đua được nên ngành công an cần có kế hoạch xử lý các lò độ xe, với những xe nào độ thì phải xem đó là nguồn nguy hiểm cao độ và tịch thu ngay.
Thứ ba, các ngành cần có những đợt tuyên truyền các quy định pháp luật về chế tài hành chính, hình sự cho hành vi này đến từng khu phố, gia đình. Với những trường hợp tái phạm thì kiên quyết xử lý hình sự nghiêm khắc để răn đe. Không thể để có trường hợp như báo chí từng nêu là bà mẹ đã đem tiền đi đóng phạt hành chính đến lần thứ ba vì con trai đua xe.
Các xe dùng để đua đang được Công an Vĩnh Long tạm giữ sau khi phát hiện hơn 50 thanh niên tụ tập đua xe vào ngày 11-4. Ảnh: CACC
Thứ tư, các ngành nên rà soát những đối tượng đua xe để phân loại. Nếu là những người đủ điều kiện để tham gia các giải đua thì yêu cầu họ đăng ký vào trường đua có sẵn (ví dụ như trường đua 2K tại Bình Dương), đồng thời kêu gọi xã hội hóa, đầu tư xây dựng thêm trường đua xe theo tiêu chuẩn quốc tế tại các tỉnh, thành hay có điểm nóng về tình trạng đua xe. Nếu là những tay đua không đủ điều kiện tham gia, không có kỹ năng thì kiên quyết xử lý triệt để như đã nêu trên (số này chiếm phần đông).
Phải sửa luật! Các hành vi đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng là những hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 6 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008. Do đó, người tham gia giao thông không được đua xe. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 34 Nghị định 100/2019. Cụ thể, phạt tiền 7-8 triệu đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép. Trường hợp đối với người đua xe với phương tiện là ô tô thì mức phạt là 8-10 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người đua xe trái phép còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 3-5 tháng và bị tịch thu phương tiện. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, người đua xe trái phép còn có thể bị xử lý hình sự về tội đua xe trái phép theo Điều 266 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đua xe trái phép hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc gây thương tích cho một người, tỉ lệ tổn thương cơ thể 31%-60% thì bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Đây là khung hình phạt nhẹ nhất của tội này, ở khung cao nhất người phạm tội có thể đối diện với mức án 12-20 năm tù nếu làm chết ba người trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản trên 1,5 tỉ đồng. Hiện nay, chế tài cả hành chính lẫn hình sự vẫn chưa đủ sức răn đe so với sự nguy hiểm và hậu quả của hành vi đua xe trái phép gây ra. Chính vì vậy, tôi kiến nghị cần sửa đổi quy định về mức xử phạt liên quan đến hành vi đua xe trái phép, tăng lên từ năm đến bảy lần so với hiện tại, giống tăng mức phạt về hành vi uống rượu bia khi lái xe mà chúng ta đang làm và đã có hiệu quả. Về xử lý hình sự cũng cần sửa đổi quy định tại Điều 266 theo hướng nếu hành vi đua xe trái phép gây thương tích cho một người, chỉ cần tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên là đủ để khởi tố. Như hiện nay quy định đua lần đầu mà gây thương tích cho người khác từ 31% mới khởi tố, mức này là cao vì nếu chỉ gây ra thương tích khoảng 20%, chiếu theo quy định thì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, như vậy là chưa hợp lý. Luật sư ĐÀM BẢO HOÀNG, Đoàn Luật sư TP.HCM HỮU ĐĂNG ghi |