Chỉ số S&P 500 tăng 0,33% lên kỷ lục mới 4.141,59 điểm. Chỉ số nặng về công nghệ Nasdaq Composite tăng hơn 1% lên 13.996 điểm. Các cổ phiếu thành viên Apple và Paypal thêm hơn 2%; hãng sản xuất chip Nvidia tăng 3% còn đại gia xe điện Tesla vọt lên 8,6%.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones ngược chiều giảm 69 điểm, tương đương 0,2%, và kết phiên ở 33.677 điểm. Có lúc chỉ số này mất hơn 150 điểm.
Theo CNBC, các cổ phiếu phụ thuộc vào quá trình tái mở cửa nền kinh tế đều chịu áp lực giảm trong phiên 13/4 sau khi Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) khuyến nghị dừng sử dụng vắc xin COVID-19 do Johnson & Johnson bào chế vì lo ngại đông máu.
FDA cho biết đã ghi nhận 6 ca bị đông máu kiểu nặng và hiếm gặp sau tiêm vắc xin của Johnson & Johnson. Vì vậy, FDA đã yêu cầu dừng tiêm loại vắc xin này để đợi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) hoàn tất điều tra nguyên nhân.
Bà Janet Woodcock - Cục trưởng FDA cho biết bà dự đoán việc ngừng sử dụng sẽ chỉ kéo dài khoảng vài ngày. Vắc xin của Johnson & Johnson chỉ cần tiêm một liều duy nhất để tạo miễn dịch, không cần hai liều như loại của Moderna hay Pfizer-BioNTech. Riêng tại Mỹ đã có hơn 6,8 triệu người được tiêm vắc xin Johnson & Johnson.
Kết phiên 13/4, giá cổ phiếu hãng dược phẩm này sụt 1,3%.
Ông Jeff Zients - Điều phối viên của Nhà Trắng về COVID-19 cho rằng thông báo của FDA về vắc xin Johnson & Johnson sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể tới chiến dịch tiêm chủng toàn quốc.
"Trong vài tuần vừa qua, mỗi tuần chúng tôi lại cung cấp hơn 25 triệu liều vắc xin Pfizer và Moderna. Trong tuần này, chúng tôi sẽ cung cấp thêm 28 triệu liều nữa, dư sức đáp ứng nhu cầu tiêm 3 triệu người/ngày và chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu 200 triệu liều vắc xin trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden", ông Zients nói.
Bất chấp phát biểu trấn an từ Nhà Trắng, các cổ phiếu phụ thuộc vào quá trình tiêm chủng và mở cửa kinh tế đều đi xuống trong phiên 13/4. Ngược lại, cổ phiếu Moderna - một hãng dược khác đang sản xuất vắc xin COVID-19 - lại bật tăng 7,4%.
Trong một diễn biến khác, Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,6% so với tháng liền trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát dự báo lạm phát so với tháng trước là 0,5% và so với năm ngoái là 2,5%.
Lạm phát lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tăng 0,3% so với tháng trước và 1,6% so với năm trước.
Theo CNBC, các quan chức chính phủ và cả Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell đều đã từng nhận định rằng có thể lạm phát sẽ đi lên nhưng mức tăng chỉ là tạm thời do so sánh với giai đoạn phong tỏa gắt gao của năm 2020. Những tháng đầu năm nay, người dân Mỹ còn được phát các tấm séc kích thích kinh tế trị giá hàng nghìn USD để tùy ý chi tiêu.
Các quan chức Fed đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng để lạm phát lên cao hơn mục tiêu 2%/năm trong một thời gian dài rồi mới can thiệp.
Nếu Fed nâng lãi suất để chống lạm phát, định giá cổ phiếu nói chung - đặc biệt là nhóm công nghệ - sẽ bị giảm sút.
Trong tuần này, một số doanh nghiệp lớn của Mỹ sẽ công bố kết quả kinh doanh quý I bao gồm JPMorgan Chase, Goldman Sachs và Delta Air Lines.