Hoạt động kinh doanh thua lỗ kéo dài đã khiến nhiều cổ phiếu rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc gây thiệt hại cho cổ đông.
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa thông tin đã nhận được báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 riêng lẻ và hợp nhất của Công ty CP An Trường An (mã ATG) do Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học TPHCM (AISC) kiểm toán và đã công bố thông tin ra thị trường.
Báo cáo tài chính kiểm toán ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là âm 12,95 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31.12.2020 là âm 35,76 tỉ đồng. Như vậy, Công ty An Trường An đã bị lỗ 3 năm liên tiếp, với mức lỗ năm 2018, 2019 lần lượt là 11,87 tỉ đồng và 12,11 tỉ đồng. Thêm vào đó, đơn vị kiểm toán đã từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2020 (riêng lẻ và hợp nhất) của Công ty An Trường An liên quan đến các nội dung khả năng hoạt động liên tục, khoản phải thu, phải trả và chi phí xây dựng cơ bản dở dang của công ty. Do đó, cổ phiếu ATG của Công ty An Trường An đã rơi vào diện hủy niêm yết bắt buộc.
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM cũng vừa công bố quyết định hủy niêm yết cổ phiếu. Theo đó, toàn bộ 21,15 triệu cổ phiếu CLG của CTCP Đầu tư và phát triển nhà đất Cotec (CotecLand) sẽ bị hủy niêm yết trên HoSE từ 22.4.2021. Nguyên nhân do CotecLand lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại ngày 31.12.2020. Đồng thời, kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với Báo cáo tài chính năm 2020 của công ty. Trước đó, cổ phiếu CLG của CotecLand đã bị tạm ngừng giao dịch từ 23.12.2020 do công ty đã tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
CotecLand niêm yết trên HOSE từ năm 2010. Trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 năm 2020, công ty không phát sinh doanh thu hoạt động và lỗ ròng hơn 1,9 tỉ đồng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020, CLG bị cục thuế TPHCM cưỡng chế việc nộp thuế với số tiền nợ thuế lâu năm hơn 22,6 tỉ đồng. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp chậm nộp đến ngày 31.3.2020 là gần 6,5 tỉ đồng...
Theo quy định hiện hành, sau khi hủy niêm yết, các doanh nghiệp sẽ tự động được đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để duy trì thanh khoản cổ phiếu. Thế nhưng dưới góc nhìn của ông Nguyễn Duy Phương, chuyên viên phân tích của CTCK VCSC cho rằng cổ phiếu có thanh khoản hay không hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng hồi phục của doanh nghiệp. Một khi doanh nghiệp đã cạn về tài chính, khả năng hoạt động không hiệu quả thì đưa lên sàn UPCoM chẳng khác gì thêm “rác” vào sàn này.
Những cổ phiếu kém chất lượng bị đào thải là điều tất yếu nhưng ai là người chịu thiệt nhiều nhất khi cổ phiếu hủy niêm yết? Đó vẫn là các cổ đông và nhà đầu tư đại chúng. Bởi vì hầu hết cổ phiếu trước khi hủy niêm yết đều rơi vào tình trạng thị giá tụt dốc không phanh, mức giá thường dưới giá niêm yết rất nhiều, thanh khoản èo uột, nhiều cổ phiếu có khối lượng giao dịch bằng 0. Hoặc ngược lại có nhiều trường hợp các cổ phiếu trước thời điểm hủy niêm yết còn xảy ra hiện tượng tăng giá vì có những thông tin đồn đoán về việc có nhà đầu tư mới sẽ tái cấu trúc, được công ty lớn thâu tóm....và khiến cho nhà đầu tư lao vào gom cổ phiếu như con thiêu thân để rồi sau đó phải “ôm hận”.
Xem thêm: odl.966898-ohn-gnod-oc-auc-gnad-iart-av-tey-mein-yuh-ib-ueihp-oc/et-hnik/nv.gnodoal