Theo trang tin Politiko (Philippines), ông Antonio Carpio - cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines - ngày 14-4 cảnh báo rằng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) sẽ "sụp đổ" nếu Trung Quốc có thể thúc đẩy các yêu sách (phi lý) của mình tại Biển Đông.
Phát biểu tại một diễn đàn do Viện Stratbase Albert del Rosario Institute (ADRi) tổ chức hôm 14-4, ông Carpio cho biết: “Các quốc gia trên thế giới phải đoàn kết mạnh mẽ nhằm đẩy lùi Trung Quốc, hoặc không, nếu Trung Quốc thành công trong việc chiếm Biển Đông, hoặc biến Biển Đông thành vùng nước của mình và từ chối việc áp dụng UNCLOS ở Biển Đông, thì UNCLOS sẽ sụp đổ vì các cường quốc hải quân khác cũng có thể sẽ chiếm lấy vùng biển mới như tài sản của riêng họ”.
Ông Antonio Carpio - cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines. Ảnh: RAPPLER
“Điều đó sẽ đồng nghĩa với sự sụp đổ của UNCLOS và sự chấm dứt của trật tự hàng hải dựa trên quy tắc, và cũng có nghĩa là sự khởi đầu của một trật tự hàng hải được tạo ra và thực thi bằng lực lượng hải quân và sự tiếp nối của khái niệm 'kẻ mạnh luôn đúng’" - ông Carpio nói thêm.
Ông Carpio cũng cảnh báo điều này cũng sẽ dẫn đến “một cuộc chạy đua vũ trang hải quân giữa các quốc gia ven biển và chuyển mục đích nguồn tiền được sử dụng vốn nhằm phục vụ xã hội sang phòng thủ hải quân”, cũng như dẫn đến “căng thẳng kéo dài và thậm chí hỗn loạn trên các đại dương và vùng biển trên thế giới”.
Theo Politiko, vị cựu thẩm phán cũng nhắc nhở các quốc gia về việc UNCLOS được công nhận là "một bộ các quy tắc" trong “việc sử dụng các đại dương và vùng biển, cũng như khai thác và bảo tồn các nguồn tài nguyên trong các đại dương và vùng biển”.
“Bộ quy tắc này phải được tất cả các quốc gia trên thế giới tuân thủ, ngược lại, nếu bộ quy tắc này không tồn tại hoặc không được tuân thủ, các quốc gia sẽ tiến hành chiến tranh để bảo vệ quyền sử dụng đại dương và vùng biển, cũng như khai thác tài nguyên tại đó” - ông Carpio nhấn mạnh.
Ông Carpio cũng cáo buộc rằng “Trung Quốc đã tìm cách lật ngược khái niệm 'lẽ phải luôn đúng' bằng cách tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, động thái vi phạm UNCLOS một cách trắng trợn".
“Trung Quốc đang thực thi yêu sách của mình bên ngoài cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS, bằng cách cho phép lực lượng hải cảnh bắn vào các tàu nước ngoài đánh bắt cá ở vùng biển ngoài khơi hoặc trong các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia này, vốn cách EEZ của Trung Quốc hàng trăm hải lý” – ông Carpio nhấn mạnh.
Ông Carpio nói thêm: “Trung Quốc đã áp dụng khái niệm 'kẻ mạnh luôn đúng' ở Biển Đông, vi phạm không chỉ UNCLOS, mà còn cả hiến chương Liên Hợp Quốc”.
Phát ngôn của ông Carpio được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi Trung Quốc vẫn duy trì sự hiện diện trái phép của các tàu nước này tại các khu vực tranh chấp.
Ngày 14-4, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đã ra lệnh đệ trình một công hàm ngoại giao khác nhằm phản đối việc các tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục hiện diện trái phép tại khu vực đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Trên trang Twitter, ông Locsin hôm 14-4 viết: “Sự thay đổi chính sách của tôi là hành động theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao. HÃY GỬI ĐI MỘT CÔNG HÀM NGOẠI GIAO NGAY BÂY GIỜ”.
Bộ Ngoại giao Philippines đến nay đã gửi hai công hàm ngoại giao đến Trung Quốc phản đối sự hiện diện của các tàu nước này, song Bắc Kinh vẫn ngang nhiên duy trì các tàu tại khu vực.
Ông Locsin hôm 13-4 đã đăng dòng tweet cho biết chỉ còn lại chín tàu Trung Quốc tại khu vực tranh chấp, dựa trên thông tin của Lực lượng đặc nhiệm quốc gia Biển Tây Philippines.