Ngày 22/3, Tập đoàn FPT công bố Báo cáo thường niên năm 2021. Bên cạnh các thông tin và chỉ số tài chính đáng quan tâm ở các mảng trọng yếu của tập đoàn như công nghệ, viễn thông, một trong những kết quả nổi bật là FPT Education - mảng giáo dục do FPT đầu tư 100% vốn đạt doanh thu tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021. Đáng chú ý, 2021 là thời điểm dịch bùng phát mạnh trên khắp cả nước và nhiều thời điểm toàn bộ hệ thống trường học của FPT phải đóng cửa, chuyển qua hình thức dạy và học trực tuyến.
Theo đó, doanh thu mảng giáo dục của FPT năm 2021 đạt 3.087 tỷ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ.
Trước đó năm 2020, FPT Education tăng trưởng doanh thu 22% lên 2.157 tỷ đồng. Mức tăng trưởng năm nay được đánh giá là vô cùng ấn tượng, cao hơn cả thời điểm toàn ngành giáo dục chưa bị ảnh hưởng do Covid-19.
Đây là kết quả khá bất ngờ cho thấy quy mô mảng giáo dục của FPT đã tăng trưởng rất nhanh sau một thời gian tập đoàn này gộp chung mảng giáo dục và đầu tư thành một khối, qua đó không công bố số liệu cụ thể.
Trong Báo cáo thường niên năm 2020, FPT từng đưa ra dự đoán về sự tăng trưởng của năm nay, cho rằng doanh thu giáo dục sẽ tiếp tục tăng lên nhờ ba hoạt động chính: phát triển hạ tầng, công nghệ, nâng cao chất lượng và uy tín, đầu tư mở rộng quy mô.
Tính đến thời điểm công bố báo cáo thường niên năm 2021, có tổng cộng 74.313 người học quy đổi trên toàn hệ thống của FPT. Số lượng người học không ngừng tăng cho thấy hệ thống giáo dục của FPT là môi trường luôn được nhiều phụ huynh và học sinh, sinh viên quan tâm.
Cụ thể, năm 2021 đã tăng thêm 22.308 người học so với cùng kỳ, tăng đến 54.934 người so với năm 2017, tương đương 73.9% chỉ trong vòng 5 năm. Chỉ số này cũng có thể được xem là yếu tố mang lại tăng trưởng lớn cho FPT Education nói riêng và của cả tập đoàn nói chung trong bối cảnh Covid-19.
Giữa năm 2021, Đại học FPT từng nhận được nhiều sự phản ánh của dư luận về chính sách tăng học phí, cụ thể là tăng từ 25,3 lên 27,3 triệu đồng/kỳ học trong năm học 2021 - 2022. Tuy nhiên, sau khi nhận được phản ánh và chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT, Đại học FPT đã điều chỉnh học phí theo khung của năm trước. Bộ GD&ĐT cho rằng, Trường ĐH FPT là cơ sở giáo dục tư thục, được quyền quyết định mức học phí theo Luật giáo dục đại học. Tuy nhiên, việc tăng học phí trong thời điểm dịch bệnh là thiếu trách nhiệm và sự chia sẻ.
Hiện FPT Education có cơ sở đào tạo ở 10 tỉnh, thành trên khắp cả nước, đồng thời hợp tác với 180 đối tác quốc tế đến từ 40 quốc gia. Riêng hệ thống các trường đại học của FPT là hệ thống đầu tiên do một doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam với 100% số vốn đầu tư. Trong đó, FPT Hòa Lạc tại Hà Nội là dự án được FPT đầu tư lớn nhất từ trước đến nay với tổng số vốn lên đến 2.696 tỷ đồng. Năm 2020, doanh thu Đại học FPT đạt 861 tỷ đồng, thuộc top 5 các trường đại học có doanh thu cao nhất Việt Nam.
Năm 2022, hệ thống giáo dục FPT sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng khuôn viên tại Hà Nội, TP. HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Định. Ngoài ra, đưa vào hoạt động hai cơ sở phổ thông ở Bắc Ninh, Hải Phòng và hoàn tất các thủ tục đầu tư các khu giáo dục tập trung và trường liên cấp tại các tỉnh, thành khác.
Các mô hình giáo dục hiện nay của FPT Education
Cũng theo báo cáo, định hướng của FPT Education là trở thành chuỗi giáo dục quy mô lớn - Mega Education. Kế hoạch kinh doanh năm 2022 FPT đề ra là doanh thu giáo dục tiếp tục tăng trưởng 32,5%.
FPT đầu tư xây tổ hợp giáo dục hơn 10ha tại Hà Nam
https://cafef.vn/khong-chi-kiem-ty-do-tu-viet-code-lap-mang-giao-duc-dang-thanh-mo-vang-moi-cua-fpt-tang-truong-lien-tuc-30-40-nam-giua-dai-dich-thu-ve-hon-3000-ty-nam-2021-20220324002230118.chnTheo Nhuận Hoa
Nhịp Sống Kinh tế