Dư nợ tín dụng bất động sản đạt 1,85 triệu tỉ đồng
Vân Phong
(KTSG Online) - Dư nợ tín dụng bất động sản đạt khoảng 1,85 triệu tỉ đồng tính tới cuối tháng 3-2021 - tăng 3% so với cuối năm 2020, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: NHNN cung cấp. |
Chia sẻ tại Hội nghị triển khai công tác tín dụng năm 2021 diễn ra sáng 14-4, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN - cho biết tín dụng nền kinh tế đã đạt trên 9,46 triệu tỉ đồng tính đến 31-3-2021, tăng 2,93% so với cuối năm 2020.
Về cơ cấu tín dụng, ông Tuấn Anh cho biết ngành ngân hàng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, tín dụng ngành nông lâm thủy sản tăng 2,42%, ngành công nghiệp và xây dựng tăng 3,42%, còn ngành thương mại và dịch vụ tăng 2,79%.
Điều này, theo ông Tuấn Anh, đã hỗ trợ mức tăng GDP các ngành với mức lần lượt là 3,16%, 6,3% và 3,34%.
Tín dụng với các lĩnh vực, đối tượng doanh nghiệp ưu tiên cũng ghi nhận mức tăng trưởng dương, trong đó lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm 2020. Cụ thể:
|
Với hoạt động đầu tư, ông Tuấn Anh cho biết dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán đạt trên 45.300 tỉ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020.
“Tín dụng vào chứng khoán vào tháng 11 và 12-2020 tăng trưởng khá nóng. Sang tháng 1-2021 thì giảm khoảng 10%, nhưng tới tháng 3 tiếp tục tăng trở lại nên mức tăng trưởng của ba tháng đầu năm chỉ giảm 1% so với cuối năm 2020”, ông Tuấn Anh nói.
Còn dư nợ tín dụng đầu tư bất động sản đạt khoảng 1,85 triệu tỉ đồng trong ba tháng đầu năm 2021 - tăng 3% so với thời điểm cuối năm 2020, theo ông Tuấn Anh.
Về định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2021, ông Tuấn Anh cho biết NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng nâng cao chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên nhằm đạt mức tăng trưởng tín dụng 12%.
Ngoài ra, cơ quan này sẽ kiểm soát chặt tín dụng ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, gồm: BOT giao thông, BT, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… NHNN sẽ tiếp tục nhận diện và có biện pháp phòng ngừa, theo ông Tuấn Anh.
Bên cạnh đó, đại diện NHNN cho biết cơ quan này sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đồng thời định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.
NHNN cũng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Xem thêm: lmth.gnod-it-ueirt-581-tad-nas-gnod-tab-gnud-nit-on-ud/654513/nv.semitnogiaseht.www