Đấu giá lại quyền cho thuê khai thác cảng An Thới - Phú Quốc
Lan Nhi
(KTSG Online) - Sau khi chấm dứt hợp đồng đã ký trước thời hạn 23 năm với Công ty cổ phần đầu tư khai thác cảng biển An Thới (Phú Quốc), Cục Hàng hải Việt Nam đã lập đề án kinh doanh khai thác cảng, lấy ý kiến Bộ Tài chính đề xuất đấu thầu cho thuê cảng đầu mối lớn nhất tại vùng này cho đến năm 2063.
Cục Hàng hải Việt Nam đòi lại cảng lớn đầu mối lớn nhất Phú Quốc
Cục Hàng hải Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức đấu thầu cho thuê lại quyền khai thác cảng An Thới (Phú Quốc) Ảnh:TTXVN |
Sau khi đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty cổ phần đầu tư khai thác cảng biển An Thới, Cục Hàng hải Việt Nam lấy lại cảng đầu mối An Phước ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang từ ngày 1-1-2021. Cục đã giao lại cảng có tổng mức đầu tư 157 tỉ đồng này cho Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang quản lý (không khai thác) để thực hiện thủ tục lựa chọn bên thuê mới.
Mới đây, Cục Hàng hải đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính lựa chọn phương án cho thuê cảng này từ năm 2021 đến năm 2063 (theo thời gian sử dụng của tài sản). Dự tính mức giá khởi điểm cho thuê trong thời hạn này là 195,5 tỉ đồng. Giá khởi điểm để đấu giá cho thuê là 2,83 tỉ đồng/năm. Toàn bộ số tiền nộp ngân sách cho giai đoạn 2021-2063 ít nhất là 195,5 tỉ đồng theo dự kiến sẽ được dùng để đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo và phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải, sau khi trừ đi toàn bộ số tiền chi phí quản lý của bên thuê.
Bản đề án mới này nếu được thông qua thì trong thời gian tới, quyền khai thác Cảng đầu mối An Thới sẽ được chuyển cho chủ mới.
Trước đó, nhiều vụ việc không giải quyết được đã xảy ra ở dự án khai thác cảng này dẫn đến việc Cục Hàng hải đơn phương chấm dứt hợp đồng với bên thuê khai thác cảng.
Vào năm 2013 khi cảng này được hoàn thành, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức đấu thầu chọn nhà khai thác và chọn được Liên danh Tranaco-HPI để ký kết hợp đồng cho thuê quản lý khai thác cảng, với thời gian thuê là 30 năm. Theo đó, bên thuê được phép thuê kết cấu hạ tầng cảng bao gồm cả đường nội bộ, bãi chứa hàng, kho hàng hóa... với tổng trị giá 90 tỉ đồng, thanh toán hàng năm theo mức tăng dần. Bên đối tác đã lập công ty khai thác do Tranaco (55%) và HPI (45%) để quản lý khai thác cảng.
Tuy nhiên, trong quá trình thuê cảng, theo thông tin mà Cục Hàng hải báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, đối tác Tranaco-HPI đã vi phạm nhiều lần hợp đồng.
Đầu tiên là trong giai đoạn từ tháng 4-2015 đến tháng 4-2016, bên thuê đã bốn lần thay đổi thành viên góp vốn và tỷ lệ góp vốn tại công ty khai thác cảng mà không thông tin cho Cục hàng hải Việt Nam. Đến tháng 4-2016, Liên doanh Tranaco-HPI đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại đây cho Công ty cổ phần giao nhận vận tải U&I (20%), Công ty cổ phần đầu tư khai thác cảng (70%) và ông Hà Trí Duy (10%).
Cục Hàng hải nhận định rằng, với việc bán hết cổ phần, bên ký hợp đồng thuê với cơ quan này không có quyền điều hành tại công ty khai thác cảng và không còn trách nhiệm đối với mọi hoạt động của công ty khai thác.
Điều này đồng nghĩa với việc bản hợp đồng đã ký giữa hai bên không được tôn trọng, bên thuê đã vi phạm hợp đồng, chậm trễ thanh toán tiền thuê hàng năm, không có nguồn để đầu tư trang thiết bị và duy tu, bảo dưỡng thường xuyên tài sản thuê. Đối tác cũng báo lỗ hằng năm để không trả thêm bất cứ khoản nào ngoài tiền thuê cố định hằng năm.
Ngay cả tiền thuê cố định hằng năm, đối tác cũng vi phạm do chưa thanh toán 50% giá thu cố định năm 2019, chưa thanh toán 50% giá thu cố định năm 2020... dù đã qua thời hạn thanh toán khá lâu.
Hơn nữa là bên thuê không duy tu, bảo dưỡng định kỳ mà chỉ khai thác hạng mục tài sản, các sửa chữa lớn mới có thể khai thác được cũng không được quan tâm. Việc này cùng với việc không đầu tư thiết bị phục vụ khai thác cảng theo hợp đồng dẫn đến tình trạng cảng xuống cấp nghiêm trọng, giảm hiệu quả sử dụng. Đổi lại, số tiền thu về cho ngân sách quá thấp, lại bị nợ đọng.
Bên thuê cảng lấy lý do hàng hóa đến cảng chủ yếu là vật liệu xây dựng, giao thông đến cảng lại không thuận tiện nên việc vận chuyển hàng hóa rất khó khăn, làm giảm năng lực khai thác. Khách hàng thường chọn các cảng tạm, bến thủy nội địa ở Nam đảo Phú Quốc để vận chuyển. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới lại tiếp tục đề xuất bán 70% cổ phần cảng này cho đối tác khác và cam kết vận hành, khai thác cảng tốt hơn.
Ngay từ tháng 2-2020, sau khi thống kê những vi phạm và các vấn đề không chịu khắc phục của đối tác, Cục hàng hải đã báo cáo Bộ GTVT về việc chấm dứt hợp đồng thuê chỉ sau sáu năm hợp tác. Bộ GTVT cũng thống nhất với đề nghị này để tổ chức đấu thầu lại, tiến hành tìm nhà đầu tư khai thác có hiệu quả.
Cảng An Thới được đầu tư xây dựng với công suất thiết kế là 280.000 tấn hàng hóa/năm, 440.000 hành khách/năm. Qua bảy năm cho thuê khai thác cho thấy sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trung bình 17% công suất thiết kế. Hàng hóa được vận chuyển đến đây chủ yếu là vật liệu xây dựng, chịu thêm chi phí vận chuyển đường bộ xa do nằm ở phía Nam đảo. Trong khi đó, các cảng tạm và cảng đường thủy nội địa nằm rải rác gần các công trình quanh đảo, giá rẻ nên khá tiện cho việc bốc xếp hàng hóa. Bên cạnh đó, các tàu cá của ngư dân neo đậu quanh cầu cảng rất khó cho tàu biển ra vào làm hàng tại cảng An Thới. Trong khi Phú Quốc chỉ phát triển du lịch, không có khu công nghiệp, cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu... nên cũng làm ảnh hưởng đến năng lực khai thác cảng. |
Xem thêm: lmth.couq-uhp--ioht-na-gnac-caht-iahk-euht-ohc-neyuq-ial-aig-uad/944513/nv.semitnogiaseht.coaid