Chiêu bài “vùng cảnh báo hàng hải tạm thời”
Trong bài viết trên trang Lawfareblog, GS Shigeki Sakamoto chuyên về Luật pháp quốc tế tại Đại học Doshisha ở Tokyo (Nhật Bản) có nhắc đến Điều 25 về việc thiết lập “vùng cảnh báo hàng hải tạm thời” trong Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc.
Theo đó, một tổ chức CCG cấp tỉnh trở lên có thể thiết lập “vùng cảnh báo hàng hải tạm thời” trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc và hạn chế hoặc cấm tàu thuyền qua lại hoặc dừng lại nếu có bất kỳ trường hợp nào sau: (i) Khi cần thực hiện các nhiệm vụ an toàn và an ninh hàng hải; (ii) Khi cần kiểm soát các hoạt động tội phạm bất hợp pháp trên biển; (iii) Khi cần xử lý sự cố va chạm hàng hải; (iv) Khi cần bảo vệ tài nguyên biển và môi trường sinh thái; (v) Khi cần thiết lập thêm vùng cảnh báo hàng hải.
Điều mà các nhà phân tích lo ngại nhất là việc Trung Quốc cố gắng thiết lập một “vùng cảnh báo hàng hải tạm thời” tại một số vùng biển mà nước này đơn phương tuyên bố quyền tài phán với lý do là thực hiện các nhiệm vụ an ninh và an ninh hàng hải, như được đề cập trong Điều 25.
UNCLOS quy định tại Điều 25, khoản 3 rằng, quốc gia ven biển không phân biệt đối xử về hình thức hoặc trên thực tế giữa các tàu nước ngoài; tạm thời đình chỉ trong các khu vực cụ thể trên lãnh hải của mình cho tàu nước ngoài qua lại nếu việc đình chỉ đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, bao gồm cả các cuộc tập trận có vũ khí.
Việc đình chỉ như vậy sẽ chỉ có hiệu lực sau khi đã được công bố hợp lệ. Nếu việc thiết lập “vùng cảnh báo hàng hải tạm thời” được thực hiện đúng trong vùng biển của Trung Quốc thì sẽ không có vấn đề gì phát sinh. Nhưng nếu một quy định “phân biệt đối xử trên thực tế” được áp dụng đối với tàu nước ngoài trong một thời gian dài thì sẽ vi phạm UNCLOS.
Tàu USS Makin (LHD-8) và tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) quá cảnh Biển Đông hôm 9/4. Ảnh US Navy |
“Trường hợp vùng nước tiếp giáp cần đặc biệt chú ý. Điều 33 của UNCLOS cho phép các quốc gia ven biển áp đặt các quy định đối với các vùng tiếp giáp để “ngăn chặn việc vi phạm các luật và quy định về hải quan, tài khóa, nhập cư hoặc vệ sinh trong lãnh hải của mình”.
Tuy nhiên, Điều 13 của Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp của Trung Quốc mở rộng quyền tài phán về “an toàn” đối với các vùng tiếp giáp của mình lại nêu rõ rằng “Trung Quốc có quyền thực hiện các quyền trong vùng tiếp giáp của mình với mục đích ngăn chặn hoặc trừng phạt hành vi xâm phạm các luật và quy định về an ninh, hải quan, vệ sinh tài chính hoặc kiểm soát xuất nhập cảnh trong lãnh thổ đất liền, nội thủy hoặc lãnh hải của mình”.
Khi được đọc cùng với luật này, Luật Hải cảnh mới có thể cho phép Trung Quốc thiết lập vùng biển tạm thời trong vùng tiếp giáp, điều này cũng vi phạm UNCLOS”, GS Shigeki Sakamoto phân tích.
Điều 56 của UNCLOS quy định rằng “khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo Công ước này trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển phải xem trọng các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác và sẽ hành động tương thích với các quy định của Công ước này.
Điều 87 của UNCLOS có thảo luận về quyền tự do trên biển: “Các quyền tự do này sẽ được thực hiện bởi tất cả các quốc gia có quan tâm đến lợi ích của các quốc gia khác trong việc thực hiện quyền tự do trên biển và cũng quan tâm đến các quyền theo Công ước này đối với các hoạt động trong khu vực.
“Nếu Trung Quốc tuyên bố vùng biển trong đường chín đoạn là “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” và đơn phương thiết lập vùng báo động tạm thời trên biển tại vùng biển vốn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác thì rõ ràng đây là hành vi vi phạm UNCLOS. Và Luật Hải cảnh mới đang “bổ sung vào kho vũ khí hợp pháp” của Trung Quốc trong việc hiện thực hoá âm mưu độc chiếm Biển Đông”, GS Shigeki Sakamoto cảnh báo.
TS Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các vấn đề hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines thì bày tỏ: “Quyết định thông qua Luật Hải cảnh mới là sự tiếp nối các kế hoạch được thực hiện không ngừng nghỉ của Trung Quốc, nhằm từ từ cưỡng ép đối với Biển Đông, bất kể họ thiếu cơ sở pháp lý trong các tuyên bố chủ quyền, cũng như bất chấp các quyền lợi hợp pháp của các nước xung quanh.
Với tình hình lúc này, hành động của Trung Quốc đang khiến các nước nhỏ hơn ở Đông Nam Á phải suy nghĩ kỹ về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), vì đây rõ ràng là cách dằn mặt và phá hủy các nỗ lực của một số nước ASEAN với Trung Quốc trong việc xây dựng những quy tắc nhất trí về ứng xử ở các vùng nước tranh chấp ở Biển Đông”.
Nguy hiểm cho các quốc gia
Trên thực tế, cho đến nay, các tàu của CCG thường xuyên có những hành vi xâm phạm lãnh hải của các quốc gia khác. Tàu của CCG thường có thân màu trắng với các vạch màu xanh lam và được phân loại là tàu chính thức của chính phủ thuộc loại “tàu chính phủ hoạt động vì mục đích phi thương mại,” theo quy định tại Điều 31 của UNCLOS.
Câu hỏi đặt ra là sau khi Luật Hải cảnh mới có hiệu lực, liệu các tàu tuần tra của CCG có được trao thêm chức năng phòng thủ mới và thay đổi tình trạng pháp lý từ tàu chính phủ sang tàu chiến hay không?
Điều 29 của UNCLOS định nghĩa tàu chiến là “một con tàu thuộc lực lượng vũ trang của một quốc gia mang nhãn hiệu bên ngoài để phân biệt những con tàu khác mang quốc tịch của quốc gia đó. Tàu này được đặt dưới sự chỉ huy của một sĩ quan được chính phủ của quốc gia đó ủy nhiệm và có tên trong danh sách 35 dịch vụ thích hợp hoặc tương đương và được điều khiển bởi một thủy thủ đoàn thuộc trách nhiệm của lực lượng vũ trang”.
Trong khi đó, CCG có các tàu tuần tra được trang bị pháo 76mm cấp khu trục và điều đó có nghĩa tàu CCG có thể được coi là tàu lực lượng quân sự.
Thêm vào đó, hiện việc sử dụng vũ khí của CCG lại đang được tiến hành theo một loạt luật nội địa khác của Trung Quốc gồm Điều 10 và 11 của Luật Cảnh sát nhân dân; Điều 2, 4 và 9-11 của Quy định về trang bị an ninh và sử dụng vũ khí của Cảnh sát nhân dân; và Điều 9 của Quy chế hoạt động chấp hành pháp luật hàng hải của các cơ quan Công an.
Tất cả các điều này đều nêu rõ: “Nhân viên thực thi pháp luật của các tàu tuần tra biển chỉ được nổ súng khi cần thiết. Khi nổ súng, cảnh báo bằng lời nói hoặc cảnh báo nổ súng thường phải được đưa ra trước. Không được nổ súng khi không cần thiết và không được bắn vào tàu đang bị điều tra một cách không cần thiết. Nên hạn chế sử dụng vũ khí để khuất phục bên kia”.
Trong khi đó, Điều 22 của Luật Hải cảnh mới lại mở rộng phạm vi sử dụng vũ khí bao gồm cả các tổ chức nước ngoài còn Điều 47 là một điều khoản cho phép sử dụng vũ khí tích cực hơn. Cụ thể, Điều 47, Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc quy định, các nhân viên hải cảnh có thể sử dụng vũ khí cầm tay khi các tàu nước ngoài chống lại lệnh từ CCG và khi các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu lực.
“Luật này còn quy định CCG có quyền theo dõi và giám sát các tàu nước ngoài trong vùng tài phán của Trung Quốc; đồng thời giam giữ hoặc dùng vũ lực trục xuất các tàu nước ngoài hoạt động trong lãnh hải Trung Quốc, hoặc dùng vũ lực trục xuất các tàu quân sự hoặc tàu của chính phủ nước ngoài hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán.
Ngoài ra, luật cũng cho phép các tàu hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ khí gắn trên tàu, trên thiết bị bay và cầm tay trong các hoạt động chống khủng bố, trong những “sự cố nghiêm trọng” khi các tàu và máy bay hải cảnh bị tấn công bằng vũ khí và các thiết bị bạo lực khác…
Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc đã cho phép CCG sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực không chỉ trong vùng biển hợp pháp của Trung Quốc mà còn cả trong vùng biển hợp pháp của nhiều quốc gia khác xung quanh Biển Đông và biển Hoa Đông, như vậy là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các quốc gia xung quanh Biển Đông và ở khu vực biển Hoa Đông”, PGS-TS Vũ Thanh Ca phân tích.
Đồng quan điểm này, TS Jay Batongbacal cho rằng, việc được nổ súng trước tàu của các nước ven biển tại các vùng biển nước đó có quyền hợp pháp (ví dụ tàu cá hay tàu của nước nào đó trong vùng đặc quyền kinh tế) có thể xem như một hành vi sử dụng vũ lực thù địch, tức là một hành vi chiến tranh. Còn TS Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) Singapore thì gọi đây là “nguy cơ tiềm ẩn rủi ro và gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, thậm chí có thể dẫn tới xung đột vũ trang”.
Hơn nữa, Luật Hải cảnh mới cũng có thể giúp Trung Quốc răn đe các bên tranh chấp khác và tạo cơ sở pháp lý cho các hành vi ngang ngược hơn của Trung Quốc trên các vùng biển mà họ đơn phương đưa ra yêu sách…
GS Shigeki Sakamoto gọi Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc là một luật rất nguy hiểm cho hòa bình, an ninh khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông và nhận định rằng những thay đổi này đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các quốc gia khác ở Thái Bình Dương. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần phải có những nỗ lực quốc tế nhiều hơn nữa để kiềm chế những quy định và hoạt động sai trái của Trung Quốc. Theo quan điểm của PGS-TS Vũ Thanh Ca, các nỗ lực này cần được thể hiện về mặt ngoại giao như Nhật Bản và Philippines gửi Công hàm ngoại giao lên LHQ bác bỏ tuyên bố chủ quyền sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như khẳng định luật này là nguy hiểm cho các hoạt động tuân thủ luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
Trong tháng 3 và tháng 4, Mỹ, Anh, Đức và một số quốc gia khác đã cử tàu chiến vào Biển Đông để vô hiệu hóa luật này. Còn các quốc gia khác cần phải tạo tiếng nói đồng thuận để bác bỏ Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc sửa luật, tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế và làm rõ phạm vi “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.