Từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương
Theo chính báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), đây là cuộc tập trận đầu tiên giữa các quốc gia thuộc nhóm "Bộ Tứ" với một nước ngoài khối, sau khi các nhà lãnh đạo gặp mặt trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến tháng trước.
Bốn quốc gia thuộc "Bộ Tứ" đã cùng tham gia cuộc tập trận Malabar do Ấn Độ dẫn đầu vào tháng 11 năm ngoái, song sự hiện diện của Pháp trong cuộc tập trận lần này đã cho thấy khả năng hợp tác của nhóm với những quốc gia ngoài khối.
Vịnh Bengal dậy sóng |
Cuộc tập trận diễn ra chỉ hai ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tuyên bố nỗ lực của các quốc gia thành viên Bộ Tứ trong việc "đối phó với sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương" là vô cùng quan trọng.
Yogesh Joshi - nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á của Đại học Quốc gia Singapore - nhận xét: Bộ Tứ đang gửi một tín hiệu đến Bắc Kinh rằng "nếu tất cả các quốc gia lớn khác phản ứng trước hành vi của Trung Quốc, hoặc tự liên kết để ngăn chặn sự ảnh hưởng của Trung Quốc, thì chắc hẳn Trung Quốc đã sai ngay từ đầu".
Cuộc tập trận kéo dài 3 ngày trên Vịnh Bengal được coi là sự mở rộng hơn nữa hiện diện của Bộ Tứ trong khu vực Ấn Độ Dương, sau khi các nước thành viên trong tuần trước đều tổ chức ít nhất một cuộc tập trận song phương với một thành viên khác.
Trong hai ngày 28-29/3, không quân và hải quân Ấn Độ đã tham gia tập trận với các tàu chiến của hải quân Mỹ ở Vịnh Bengal, trong khi Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản tiến hành hai cuộc tập trận song phương riêng biệt, một là cuộc tập trận với các tàu chiến của hải quân Australia tại Biển Đông từ ngày 29-31/3 và cuộc tập trận kéo dài một ngày với tàu chiến hải quân Mỹ ở Biển Hoa Đông vào ngày 29-3.
Từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, hải quân Mỹ và các đồng minh liên tiếp gửi đi những thông điệp, về việc họ sẽ không để bất cứ quốc gia nào biến các tuyến đường hàng hải quốc tế thành "ao nhà", cũng như kín đáo thể hiện rằng họ có đủ tiềm lực cũng như sự ủng hộ rộng rãi để bảo đảm quyền tự do hàng hải trên phạm vi toàn cầu.
Nói một cách khác, như Collin Koh Swee Lean, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) trụ sở tại Singapore, cuộc tập trận La Perouse "chắc chắn mang ý nghĩa đáng kể" nếu các nước quyết định biến nó thành một sự kiện thường xuyên. "Nếu cuộc tập trận này diễn ra tốt đẹp, nó có thể trở thành một tín hiệu đáng khích lệ cho các nước khác trong khu vực không thuộc Bộ Tứ xem xét các hoạt động hợp tác tương tự với họ", ông khẳng định.
Tinh thần ấy có lẽ được thể hiện rõ nhất ở phát biểu của chuyên gia hải quân Ấn Độ R.S Vasan, hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Chennai. Theo ông, việc lần đầu tiên Ấn Độ tham gia cuộc tập trận La Perouse cho thấy mức độ sẵn sàng mới của nước này trong việc tham gia vào các hoạt động đa phương. Và ông diễn giải: "New Delhi đã cảm thấy thất vọng trước Bắc Kinh, và không còn lo lắng hành động của mình sẽ bị nước láng giềng nhìn nhận như thế nào". Nói cách khác, chính Trung Quốc đã tạo điều kiện cho Ấn Độ tham gia vào các liên minh này một cách dễ dàng, khi tạo nên một tâm lý bị đe dọa, nhất là sau căng thẳng ở biên giới Trung - Ấn hồi cuối năm ngoái.
"Xoay trục" và "bủa vây"
Từ cuối năm 2020, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng lo ngại sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc, với tham vọng "xuất khẩu" mô hình Trung Hoa, "làm thay đổi căn bản cán cân tương quan lực lượng trên thế giới" và càng thúc đẩy NATO phải "có tính toàn cầu hơn".
Bộ Tứ kim cương sẽ không chỉ là một NATO phương Đông |
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ ngày đó - Stephen E. Biegun - đã hé lộ một gợi ý: Liên kết quốc phòng không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ - vốn được biết đến với tên gọi "Bộ tứ kim cương" (nhóm QUAD) - có thể là sự khởi đầu của một liên minh kiểu NATO ở châu Á. "Đó là điều mà tôi nghĩ đến trong nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Tổng thống Donald Trump, hoặc nếu ông không giành chiến thắng thì trong nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống tiếp theo, nó vẫn có thể là điều rất đáng để khám phá", ông Stephen E. Biegun phát biểu, tại đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn diễn ra hồi cuối tháng 8-2020.
Cho đến hiện tại, thực tế đã và đang chứng minh rằng ý tưởng của Biegun không phải là một điều viển vông. Với vị thế cũng như tiềm lực của mình, nước Mỹ - cho dù là nước Mỹ dưới thời một tổng thống Cộng hòa hay một tổng thống Dân chủ - luôn có thể dễ dàng đưa ra những lời đề nghị rất khó bị các đối tác hay đồng minh chối từ, bởi nó luôn gắn liền với rất nhiều cơ hội phát triển cũng như lợi ích trước mắt. Đặc biệt, với những quốc gia láng giềng luôn lo ngại về sự tỉnh giấc của "con rồng Trung Quốc" sau giấc ngủ dài.
Và ngày 12-3-2021, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của "Bộ Tứ kim cương", với sự tham gia trực tuyến của cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, được xem là một dấu mốc lịch sử của liên minh không chính thức ấy, cũng là bước kiện toàn một chiến lược chung.
"Bộ tứ đã đến lúc trưởng thành và sẽ giữ vị trí của một trụ cột quan trọng cho sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific)", Thủ tướng Ấn Độ Modi phát biểu và nhấn mạnh: "Chúng ta đoàn kết bằng giá trị dân chủ và cam kết chung đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và rộng mở". Trong khi đó, Thủ tướng Australia Morrison nhấn mạnh: "Indo-Pacific giờ đây sẽ định hình vận mệnh của thế giới trong thế kỷ 21. Với tư cách là bốn nhà lãnh đạo của các nền dân chủ lớn ở Indo-Pacific, mối quan hệ của chúng ta sẽ là động lực thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng".
Không quân, Hải quân Australia tham gia cuộc tập trận La Perouse |
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng là đất nước đông dân nhất thế giới, không được tính đến trong những viễn cảnh tươi sáng ấy.
Nói ngắn gọn, khác với người tiền nhiệm Donald Trump - người chủ trương củng cố vị thế "Nước Mỹ trên hết" (American First) bằng chủ nghĩa biệt lập, các công cụ bảo hộ và những cuộc chiến tranh thương mại nhằm ép Bắc Kinh phải hụt hơi, chính quyền đương kim Tổng thống Joe Biden đang trở lại mạnh mẽ hơn với những cam kết đa phương. Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng cho dù từ bỏ rất nhiều những thỏa thuận quốc tế, "Bộ Tứ kim cương" cũng vẫn là ý tưởng được hình thành bởi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, mà chính quyền đương nhiệm đang kế thừa, nhằm thiết lập một vòng kiềm tỏa Trung Quốc trên các đại dương.
Ở một giác độ khác, những gì mà Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đang cố gắng thực hiện cũng có thể xem là sự hồi sinh của chiến lược "xoay trục" về Châu Á - Thái Bình Dương, được khởi xướng từ thời Ngoại trưởng Hillary Clinton và cựu Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama. Xác định rằng châu Á - Thái Bình Dương sẽ là "trọng địa" ở thế kỷ XXI trên bản đồ địa chính trị thế giới, nước Mỹ cần phải hiện diện ở đó nhiều nhất có thể, tại các diễn biến thực tế.
Tuy vậy, luôn luôn có hai mặt của một vấn đề cần phải được tính đến. Thứ nhất, dù thế nào, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất thế giới, và những mối quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc vẫn là điều hết sức quan trọng đối với mọi nền kinh tế khác. Bởi vậy, kiềm tỏa sức mạnh của "con rồng" (lưu ý rằng ngược với những ý niệm tươi sáng ở phương Đông, con rồng trong văn hóa phương Tây là biểu tượng của sự tà ác) đến mức độ nào để tránh cảnh "lưỡng bại câu thương" vẫn luôn là một câu hỏi không dễ trả lời, chứ chưa nói đến thực hiện.
Thứ hai, đi kèm với việc tăng cường xuất hiện trở lại, nước Mỹ cũng sẽ phải chấp nhận "mở két" và "bạo chi" gấp bội so với nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump. Nền kinh tế, cũng như các vận động xã hội Mỹ trong thời kỳ đang bị dịch bệnh COVID-19 tàn phá như hiện tại, liệu có tạo nên những trở lực đáng kể sau này?
Và thứ ba, việc kiến tạo "Bộ Tứ kim cương" là chiến lược đã định hình, nhưng phát triển nó thành một kiểu định chế liên quốc gia, với tầm hoạt động trùm phủ cả quân sự, kinh tế, chính trị và các vấn đề xã hội - như gợi ý tiếp nối của Begun hồi năm ngoái - là một ý tưởng đầy tham vọng, song cũng tạo nên nhiều lo ngại bởi chính việc nó quá giàu tham vọng. Không phải quốc gia nào cũng muốn "liên thủ" với một siêu cường này để chống lại một đại cường khác. Khi những người khổng lồ va chạm với nhau, những chấn động ngoại vi có thể kinh khủng đến độ cuốn phăng đi mọi thứ, theo cách không ai mong muốn.
Mây LinhXem thêm: /917636-eht-hnaht-gnourt-ohp-hcid-neihc-av-gnouc-miK-uT-oB/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna