- Nhóm nữ đại biểu Quốc hội hoạt động hiệu quả, phong phú
- Thông qua danh sách 205 đại biểu ở Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội
- Tiến hành thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
Làm việc tại cơ quan dân cử luôn có một vị trí, sự ảnh hưởng đặc trưng, khác với cơ quan hành chính nhà nước. Hoạt động của đại biểu dân cử có độ mở cao và cử tri, người dân có điều kiện theo dõi sát sao từ lời nói đến hành động, điển hình là hoạt động thảo luận, chất vấn tại nghị trường cũng như qua việc tiếp xúc cử tri.
Không phải chỉ giám sát qua lời hứa, những văn bản báo cáo mà cử tri, nhân dân giám sát trực tiếp bằng chính lời nói, biểu thị, thái độ thông qua truyền hình, phát thanh trực tiếp và sự phản ánh của báo chí. Cùng với đó là các buổi tiếp xúc cử tri tại nơi mà cử tri đã bỏ lá phiếu bầu chọn người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình.
Với tính chất sôi động, gắn kết như vậy, một nhiệm kỳ 5 năm trôi qua thật nhanh. Bởi thế nên kỳ họp cuối của mỗi khóa Quốc hội luôn để lại cảm xúc bồi hồi, sự lưu luyến, trở trăn bởi trong số những đại biểu hoạt động cùng tổ, đoàn với nhau, có tới trên một nửa sẽ rời nghị trường, chia tay năm tháng làm đại biểu của nhân dân.
Nhiều người sẽ nghỉ hưu, cũng có người tiếp tục công việc nhưng chuyển sang vị trí khác, không xuất hiện tại nghị trường, không còn đồng hành với những phiên thảo luận thẳng thắn, những phiên chất vấn gay cấn, hấp dẫn, sống động...
Các đại biểu tại cuộc gặp mặt đại biểu Quốc hội các thời kỳ nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946-6/1/2021). Ảnh: TTXVN |
Kỳ họp thứ 11 cũng nằm trong quy luật tâm lý đó của các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV. Bởi thế, phát biểu tại buổi gặp mặt đại biểu, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ, nhân dịp kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ, cuộc gặp mặt thân mật, ấm cúng tại nhà Quốc hội để chia sẻ niềm vui về những kết quả đạt được trong chặng đường gần 5 năm cùng nhau gắn bó, cống hiến vì sự nghiệp của Quốc hội nói riêng và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nói chung.
Bước vào nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, dù đối mặt với nhiều khó khăn, biến động nhưng với tâm thế khát khao đổi mới, sáng tạo, nhiệt huyết, hành động vì lợi ích quốc gia, dân tộc, các vị đại biểu Quốc hội đã đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực, đổi mới, cải tiến nội dung, phương thức hoạt động để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ đặt ra, tạo nên một nhiệm kỳ thành công của Quốc hội.
Những thành tựu và dấu ấn đậm nét về hoạt động của Quốc hội trên các phương diện lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước cũng như trong hoạt động đối ngoại được in sâu trong mỗi chúng ta, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân cả nước.
“Trải qua một nhiệm kỳ đáng nhớ, giờ đây nhìn lại, chắc chắn mỗi chúng ta đều cảm thấy xúc động, vui mừng và tự hào với những thành quả đạt được cũng như sự ghi nhận, đánh giá cao của cử tri và nhân dân. Có lẽ đây là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp tâm huyết, tích cực của chúng ta trong những năm tháng thực hiện nhiệm vụ người đại biểu nhân dân” - nữ Chủ tịch Quốc hội khóa XIV bày tỏ.
Định kỳ 5 năm một lần, cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu chọn người đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của mình vào cơ quan quyền lực ở Trung ương (Quốc hội) và địa phương (HĐND). Cũng tháng 3 này 10 năm trước, Quốc hội khóa XII họp kỳ cuối cùng.
Trong phiên bế mạc, khi nói lời chia tay một nhiệm kỳ Quốc hội sống động với nhiều dấu ấn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó đồng thời là Chủ tịch Quốc hội khóa XII) chia sẻ: Nhìn lại chặng đường gần 4 năm hoạt động (nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII rút ngắn chỉ 4 năm so với 5 năm như thông thường), chúng ta có thể nói rằng, với tâm niệm phải làm gì để xứng đáng với lòng mong đợi và sự tin cậy của nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó mật thiết với cử tri, đi sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để phản ánh với Quốc hội, tích cực nghiên cứu, tham gia quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước. Đồng thời, thông qua hoạt động Quốc hội, mỗi chúng ta đều thấy mình trưởng thành hơn, có thêm tri thức và kinh nghiệm công tác.
“Rồi đây, trong chúng ta, có đại biểu tiếp tục tái cử, có đại biểu đảm đương nhiệm vụ khác theo sự phân công của Đảng và Nhà nước. Nhưng, tôi tin chắc rằng, dù ở cương vị nào, mỗi đại biểu cũng mãi khắc sâu kỷ niệm về những năm tháng hoạt động ở Quốc hội và sẽ tiếp tục đóng góp sức mình vào công việc chung của đất nước, vì sự cường thịnh của Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân Việt Nam anh hùng của chúng ta” - Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng chia sẻ.
Giờ đây, thêm 2 nhiệm kỳ nữa trôi qua, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành kỳ họp cuối cùng. Số đại biểu Quốc hội khóa XIV đầu nhiệm kỳ là 494 đại biểu, hiện là 480 đại biểu. Dự kiến số đại biểu Quốc hội khóa XIV tái cử là 210 người, trong đó đại biểu chuyên trách ở Trung ương tái cử là 68 người, bao gồm 56 người đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội.
Tiêu chuẩn lựa chọn ứng viên để bầu vào Quốc hội các nhiệm kỳ không có nhiều thay đổi, đó đều là những tiêu chuẩn “cứng” đã được ghi rõ trong luật. Tại Điều 22, Luật Tổ chức Quốc hội quy định 5 tiêu chuẩn đại biểu, đó là: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
5 tiêu chuẩn trên không nhắc đến tiêu chuẩn nói - phát biểu, tức không thuộc tiêu chuẩn “cứng”. Tuy nhiên, nói, phát biểu là một kênh quan trọng trong hoạt động nghị trường. Điều này cũng xuất phát từ chính chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Một nguyên tắc trong hoạt động của Quốc hội để thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia là thảo luận tập thể (thảo luận tại hội trường, đoàn, tổ) trước khi đưa ra quyết định (biểu quyết tán thành hay không tán thành). Thông qua phát biểu thảo luận giúp Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng và cử tri, nhân dân biết được ý đại biểu muốn truyền đạt điều gì, thể hiện quan điểm, chính kiến của mình về vấn đề đặt ra. Điều này nếu kết hợp tốt với việc soạn thảo bằng văn bản sẽ giúp truyền đạt đầy đủ, rõ ràng hơn về nội dung đại biểu cần phát biểu, đóng góp ý kiến.
Trong chất vấn, trả lời chất vấn, việc phát biểu của đại biểu có ý nghĩa quan trọng. Chất vấn thực chất là đặt câu hỏi đối với thành viên Chính phủ, tòa án, viện kiểm sát về những vấn đề tồn tại thuộc trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan này. Để có câu hỏi chất vấn đúng nghĩa và xứng tầm trước diễn đàn Quốc hội vừa đòi hỏi trí tuệ của người hỏi, vừa là bản lĩnh, sự thẳng thắn, dám nói, dám vượt lên những rào cản về quan hệ xã hội. Sẽ khó thể hình dung buổi chất vấn đi đến đâu nếu người hỏi chỉ cầm văn bản đọc đều đều, hỏi những điều nhỏ nhặt, thậm chí chỉ ngợi khen hay kiểu phát biểu “nịnh” thay cho việc đặt câu hỏi làm rõ trách nhiệm. Còn đối với việc thực hiện các hoạt động giám sát theo chuyên đề, lĩnh vực cũng như quá trình tiếp xúc cử tri, khả năng nói, diễn đạt của đại biểu Quốc hội là kênh để giúp cử tri hiểu hơn,
Quốc hội nhiệm kỳ cũ khép lại, cử tri mãi nhớ đến những vị đại biểu năng động, làm việc hết mình, thể hiện ở hành động và lời nói, những chất vấn, phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm, truyền tải quan điểm, chính kiến của người dân đến các cơ quan chức trách trước nghị trường Quốc hội. Với những vị đại biểu như vậy, nhiệm kỳ Quốc hội cũ khép lại để cho cử tri, người dân sự nuối tiếc, luyến lưu nếu như đại biểu đó không tái cử. Hình ảnh, lời nói, hành động của những vị đại biểu đó vẫn còn mãi trong lòng nhân dân.
Nếu không tái cử, mỗi đại biểu cũng chỉ có 5 năm đảm nhiệm vai trò, vị trí trong cơ quan cao nhất dân cử. Rời nghị trường, rồi đây ai nhớ, ai quên...
Đăng TrườngXem thêm: /224736-naig-ioht-iov-ial-noC/ed-neyuhC/nv.moc.dnac.tcgtna