Đồng tiền ảo (còn gọi là tiền kĩ thuật số, tiền điện tử, tiền mã hóa) Bitcoin nói riêng và thị trường tiền ảo nói chung đã không ngừng tăng giá tính từ năm 2020 đến nay.
Việt Nam đứng thứ 2 về sử dụng tiền ảo
Mới nhất, trong vòng 24 giờ qua, đồng Bitcoin thậm chí đã vượt qua ngưỡng 64.000 USD và tiến về gần mức 65.000 USD, đưa giá trị vốn hóa của đồng tiền ảo này lên hơn 1.300 tỉ USD.
Đồng Bitcoin nói riêng và các đồng tiền ảo nói chung chưa được công nhận chính thức ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, không ít các cá nhân trong nước hiện đã và đang đầu tư, lướt sóng với Bitcoin và các đồng tiền ảo khác.
Gần đây, khi trào lưu đào tiền ảo Pi rộ lên, càng thúc đẩy việc đào, đầu tư và lướt sóng tiền ảo tại Việt Nam.
Theo một khảo sát trên phạm vi toàn cầu của tổ chức chuyên nghiên cứu thị trường Statista được công bố gần đây, Việt Nam có tỉ lệ sử dụng tiền ảo cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Nigeria (cuộc khảo sát có từ 1.000-4.000 phản hồi tại mỗi quốc gia, đại diện cho cộng đồng online).
Và đặc biệt, với sự xuất hiện của Pi và các đồng tiền ảo khác, từ đầu năm 2021 tới nay tại Việt Nam đã xuất hiện thêm lớp nhà đầu tư, lướt sóng tiền ảo mới tìm kiếm cơ hội lợi nhuận.
Tuy nhiên mới đây, trên thị trường cũng xảy ra đợt bán tháo “trâu cày” (máy đào tiền ảo). Khi Bitcoin xuyên thủng ngưỡng 60.000 USD khiến nhiều người trong giới đào Bitcoin lo lắng muốn bán tháo để hiện thực hóa lợi nhuận và tránh rơi vào thảm cảnh như cuối năm 2017 đầu 2018. Lúc đó, đồng Bitcoin lên đỉnh 20.000 USD nhưng rất nhanh sau đó tuột dốc không phanh xuống mức đáy 3.200 USD.
Cơ hội cho tội phạm mạng
Theo thống kê từ coinmarketcap.com, những ngày tăng giá mạnh mẽ của Bitcoin và tiền ảo nói chung, thanh khoản thị trường thường xuyên lên đến hàng trăm tỉ USD trong vòng 24 giờ giao dịch. Đặc biệt khi Bitcoin vượt ngưỡng 60.000 USD, thanh khoản thị trường vượt lên trên mức 200 tỉ USD trong vòng 24 giờ.
Tổ chức bảo mật Kaspersky mới đây đưa ra cảnh báo rằng, thị trường tiền ảo càng sôi động thì cơ hội cho tội phạm mạng càng lớn. Cụ thể, những hành vi gian lận trong giao dịch điện tử bao gồm thu thập thông tin của nhà phát triển và nhà đầu tư; tấn công bằng phần mềm độc hại, lừa đảo, thông báo giả mạo, điều hướng đến website giả, tấn công DDoS, đánh cắp khoá bảo mật ví điện tử…
Các cuộc điều tra trong những năm qua từ những chuyên gia của Kaspersky đã lần ra manh mối về băng nhóm tội phạm mạng khét tiếng nhắm vào tiền điện tử là Lazarus và vòi bạch tuột của chúng.
Băng nhóm này đứng sau những vụ tấn công gần đây tại Singapore. Một trong những nhánh thuộc Lazarus là BlueNoroff, với “món mồi ngon” mà chúng yêu thích nhất chính là lĩnh vực tài chính.
Trong đó, trọng tâm cũng bao gồm thị trường tiền ảo, và các nhà đầu tư, lướt sóng tiền ảo ở khu vực Đông Nam Á mà Lazarus đội lốt với tên gọi là SnatchCrypto để thực hiện các tác vụ của mình. SnatchCrypto được cho là liên quan đến vụ trộm 81 triệu USD của Ngân hàng Bangladesh.
Tiền ảo đang là một thị trường đầy bất ổn không chỉ ở góc độ đầu tư mà cả ở góc độ an toàn và bảo mật.
Xem thêm: odl.889898-ueihn-gnac-cat-nit-ohc-ioh-oc-gnon-gnat-gnac-oa-neit/et-hnik/nv.gnodoal