Điều kiện để niêm yết trên NYSE
NYSE là sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất trên thế giới, với tổng vốn hóa gần 24.500 tỷ USD tính tới tháng 1/2021, theo Statista. Danh tiếng của các sàn giao dịch lớn như NYSE phụ thuộc vào những cổ phiếu niêm yết tại đó. Do vậy, chỉ những doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt mới được xem xét.
Doanh nghiệp nước ngoài muốn lên sàn NYSE cần:
* Có 5.000 cổ đông sở hữu lô chẵn cổ phiếu trên toàn cầu;
* Số cổ phiếu do công chúng nắm giữ tối thiểu là 2,55 triệu đơn vị, giá trị của chúng không dưới 100 triệu USD;
* Giá cổ phiếu từ 4 USD trở lên.
Bamboo Airways ban đầu có ý định niêm yết 1,05 tỷ cổ phiếu lên sàn chứng khoán Việt Nam với giá 60.000 đồng/cp (tương đương 2,6 USD/cp), vốn hóa ngày chào sàn ước tính là 2,7 tỷ USD.
Ngày 14/4, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cho biết Bamboo chuyển sang mục tiêu niêm yết ở Mỹ với tham vọng vốn hóa nâng lên thành 4 tỷ USD. Với 1,05 tỷ cổ phiếu đang lưu hành và giá tối thiểu mà NYSE đặt ra là 4 USD/cp, có thể hiểu tại sao Bamboo lại đặt mục tiêu vốn hóa 4 tỷ USD.
Còn theo Reuters, VinFast nhắm đến mục tiêu định giá sau IPO là 60 tỷ USD, lớn hơn cả các đại gia xe hơi khác như Ford, Chrysler.
Ngoài các điều kiện phân phối nói trên, công ty muốn niêm yết cũng phải đáp ứng được một trong các tiêu chuẩn tài chính sau:
* Tổng lợi nhuận trước thuế trong ba năm tài khóa gần nhất từ 100 triệu USD trở lên, hai năm cuối phải đạt ít nhất 25 triệu USD mỗi năm;
* Tổng dòng tiền trong ba năm tài khóa gần nhất từ 100 triệu USD trở lên, hai năm cuối đạt ít nhất 25 triệu USD mỗi năm, vốn hóa thị trường toàn cầu 500 triệu USD, doanh thu trong 12 tháng gần nhất là 100 triệu USD;
* Công ty có vốn hóa toàn cầu 750 triệu USD, doanh thu năm tài khóa gần nhất 75 triệu USD;
* Hoạt động trên 12 tháng, có vốn hóa thị trường toàn cầu 500 triệu USD, là công ty liên kết hoặc công ty con của một doanh nghiệp niêm yết có vị thế tốt. Công ty mẹ hoặc công ty liên kết phải duy trì quyền kiểm soát hoặc chịu sự kiểm soát của công ty muốn niêm yết.
Điều quan trọng cần lưu ý là NYSE có toàn quyền quyết định trong việc niêm yết cổ phiếu. Dù VinFast hay Bamboo Airways có đáp ứng đủ mọi tiêu chuẩn định lượng ban đầu cũng chưa chắc sẽ được chấp thuận. NYSE có thể từ chối niêm yết hoặc bổ sung các tiêu chí nghiêm ngặt hơn.
Các yêu cầu tài chính đối với các công ty Mỹ muốn niêm yết trên NYSE không khắt khe bằng công ty nước ngoài. Công ty Mỹ chỉ cần đáp ứng một trong hai tiêu chí tài chính sau:
Một là tổng lợi nhuận trước thuế trong ba năm gần nhất từ 10 triệu USD trở lên, hai năm cuối phải đạt ít nhất 2 triệu USD/mỗi năm, không năm nào bị lỗ.
Nếu không đáp ứng điều kiện trên, doanh nghiệp có vốn hóa 200 triệu USD trên thị trường toàn cầu cũng được xem xét.
Điều kiện để niêm yết trên Nasdaq
Nasdaq là sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ hai thế giới, tập hợp các công ty công nghệ khổng lồ như Apple, Google, Microsoft, Amazon và Intel. Các hãng xe điện cũng thường lựa chọn Nasdaq để IPO, ví dụ như Tesla của tỷ phú Elon Musk.
Để được niêm yết trên Nasdaq, doanh nghiệp cần đáp ứng tất cả ba điều kiện:
* Có 2.200 cổ đông trở lên hoặc có 450 cổ đông sở hữu lô chẵn cổ phiếu;
* Số cổ phiếu do công chúng nắm giữ tối thiểu là 1,25 triệu đơn vị, giá trị của chúng không dưới 45 triệu USD;
* Giá cổ phiếu tối thiểu là 4 USD;
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đáp ứng thêm một trong 4 tiêu chuẩn tài chính:
* Lợi nhuận trước thuế trong ba năm tài khóa gần nhất tối thiểu đạt 11 triệu USD, hai năm cuối ít nhất đạt 2,2 triệu USD mỗi năm, không năm nào bị lỗ;
* Tổng dòng tiền trong ba năm gần nhất từ 27,5 triệu USD trở lên, dòng tiền dương trong cả ba năm, vốn hóa trung bình trong 12 tháng gần nhất lớn hơn hoặc bằng 550 triệu USD, doanh thu năm tài khóa trước từ 110 triệu USD trở lên;
* Vốn hóa trung bình trong 12 tháng gần nhất tối thiểu là 850 triệu USD; doanh thu cả năm tài khóa trước không dưới 90 triệu USD;
* Vốn hóa thị trường đạt 160 triệu USD, tổng tài sản 80 triệu USD, vốn cổ đông 55 triệu USD.
Cánh cửa SPAC luôn rộng mở
SPAC có thể tạm dịch ra tiếng Việt là "công ty mua lại có mục đích đặc biệt". Trong những năm gần đây, xu thế sử dụng SPAC để lên sàn ngày càng trở nên phổ biến.
Bản chấp SPAC chỉ là một cái vỏ doanh nghiệp, không có tài sản hay hoạt động kinh doanh gì đáng kể. Vòng đời của một SPAC thường kéo dài 24 tháng. Người thành lập SPAC đưa công ty này lên sàn chứng khoán sau đó đàm phán mua lại một doanh nghiệp khác, tạm gọi là A, đang có nhu cầu niêm yết thực sự.
Giao dịch này thường được gọi là sáp nhập ngược (reverse merger), tức là một công ty nhỏ, chỉ tồn tại trên hình thức như SPAC lại mua một công ty lớn hơn nhiều, có hoạt động kinh doanh thực tế như A.
Sau thương vụ sáp nhập, cổ phiếu của A sẽ được lên sàn chứng khoán dưới danh nghĩa cổ phiếu của SPAC.
Cách làm này cho phép những công ty không đáp ứng đủ tiêu chuẩn niêm yết được lên sàn nên còn được gọi là kiểu niêm yết cửa sau (back-door listing). Cũng có thể doanh nghiệp A đáp ứng tiêu chuẩn niêm yết nhưng không muốn IPO trực tiếp vì ngại công bố quá nhiều thông tin, khi đó dùng SPAC là cách làm được ưa chuộng.
Đại diện VinFast đã cho biết công ty đang xem xét nhiều kịch bản niêm yết tại Mỹ khác nhau, bao gồm việc sử dụng SPAC.
Xem thêm: mth.24881608051401202-ig-neik-ueid-cac-gnu-pad-nac-ym-o-opi-noum-oobmab-tsafniv/nv.zibmanteiv