Trong bối cảnh tín dụng chung của toàn ngành ngân hàng trong quý 1/2021 đạt mức tăng trưởng khả thi, kéo theo lợi nhuận tăng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông - OCB (HOSE: OCB) cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 1 tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tính đến hết quý 1/2021, tổng tài sản OCB đạt 160.418 tỷ đồng, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Huy động thị trường 1 (bao gồm ủy thác đầu tư), đạt 112,299 tỷ đồng, tăng 24,6% so cùng kỳ. Dư nợ cho vay thị trường 1 (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đạt 94.839 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 93.400 tỷ đồng, tăng 20,1% so cùng kỳ năm rồi.
Quý đầu năm 2021, OCB ghi nhận tổng thu thuần trên 2.000 tỷ đồng, tăng 3,3% so cùng kỳ. Trong đó, thu thuần từ lãi đạt 1.366 tỷ đồng, tăng 15,7% so cùng kỳ.
Mặc dù thu ngoài lãi và thu từ dịch vụ có dấu hiệu giảm nhẹ, với tỷ lệ thu thuần ngoài lãi trên tổng thu thuần của OCB trong quý 1/2021 giảm 7%, nhưng kết quả chung quý 1/2021 cho thấy OCB đã đạt được mức lợi nhuận khả quan. Lợi nhuận ngân hàng thu về 1.275 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với quý cùng kỳ.
Đáng chú ý, NIM (biên lãi ròng) của OCB tăng mạnh trong quý này lên 4,19% so với cùng kỳ ở mức 3,86%; Tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) của OCB tăng nhẹ lên 29,1% từ mức 26,3% của quý cùng kỳ năm trước.
Như vậy, nếu so với kế hoạch lợi nhuận OCB đưa ra cho cả năm nay ở mức 5.500 tỷ đồng thì ngân hàng đã thực hiện gần 25% chỉ tiêu đưa ra cho cả năm 2021. Thông thường quý đầu năm, lợi nhuận các ngân hàng chưa tăng cao và luôn tăng tốc ở các quý sau khi nhu cầu vốn của khách hàng cải thiện trong mùa cao điểm cuối năm. Vì vậy, với chỉ tiêu đưa ra năm nay, OCB có cơ sở để thực hiện được.
OCB cũng vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, dự kiến được tổ chức vào ngày 28/4 tới đây với nhiều nội dung quan trọng về chiến lược kinh doanh trong giai đoạn mới.
Tại đại hội lần này, Hội đồng Quản trị OCB sẽ trình kế hoạch kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020; tăng vốn điều lệ lên gần 14.450 tỷ đồng từ mức 10.959 tỷ đồng hiện nay, tương đương tăng 32%; mục tiêu cổ tức đạt 20 - 25%.
Trước đó, trong năm 2020, OCB đã thực hiện thành công tăng vốn thêm hơn 3.000 tỷ đồng bằng phát hành riêng lẻ cho đối tác ngoại Aozora Bank đến từ Nhật Bản và phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 25%. Hiện tại, Aozora Bank đang là cổ đông chiến lược nắm 15% vốn chủ sở hữu của ngân hàng.
Ngân hàng cũng vừa được Moody's Investors Service, một trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới nâng xếp hạn tín nhiệm. Theo đó, OCB là 1 trong 4 ngân hàng tại Việt Nam được điều chỉnh triển vọng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ & ngoại tệ dài hạn của OCB từ "Ổn định" lên "Tích cực" và tiếp tục duy trì xếp hạng đánh giá rủi ro đối tác (CRA-counterparty risk assessment) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR-counterparty risk ratings) ở mức Ba3, đây là mức xếp hạng thuộc nhóm cao tại Việt Nam hiện nay.
Xem thêm: mth.4530722151401202-1202-1-yuq-gnort-euht-court-gnod-yt-5721-ial-bco/nv.ymonocenv