Thêm một phiên hưng phấn và kết cục bất ngờ nữa, khi thị trường tăng trước giảm mạnh sau dưới áp lực xả dữ dội tại đa số cổ phiếu, đặc biệt là các mã ngân hàng.
Hôm nay thị trường là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index tháng 4 nên khả năng biến động mạnh là điều có thể dự đoán được. Tuy vậy không chỉ nhóm VN30 bị xả lớn, mà cổ phiếu trên cả sàn HSX đều quay đầu giảm rất mạnh. Mặt khác, hợp đồng tương lai tháng 4 đang ở giá cao nhất kỳ, nếu bên Long muốn "ăn đậm" thì không nhất thiết chỉ số phải giảm.
Diễn biến hôm nay hoàn toàn trái ngược với phiên trước và rất giống với phiên ngày 13/4 vừa qua: Đầu phiên thị trường tăng mạnh trước, sau đó lực bán lớn xuất hiện và đè thị trường giảm đến hết phiên. Mức giảm ở điểm số thì không nhiều, nhưng biên độ giảm trong phiên lại không hề nhỏ.
Thực vậy, hoạt động bắt đáy hôm qua kéo ngược thị trường tăng đã giúp tinh thần nhà đầu tư lên cao phiên này. Nửa đầu phiên sáng là thời điểm tăng tốt nhất, VN-Index vượt tham chiếu 0,8%, VN30 tăng 0,78%. Độ rộng sàn HSX rất tốt, nhóm blue-chips VN30 chỉ có 4 mã tham chiếu, còn lại toàn tăng.
Tuy nhiên từ khoảng 11h trở đi, áp lực bán bắt đầu tăng mạnh trở lại và kéo dài suốt tới tận lúc đóng cửa. Cũng phải lưu ý rằng lực bán không vượt trội quá mức, khi thanh khoản của HSX phiên sáng thậm chí còn giảm 5% so với sáng hôm qua, VN-Index từ chỗ tăng 10 điểm chỉ còn hơn 1 điểm. Do đó thị trường giảm là do lực mua suy yếu.
Ngoài ra, một số mã lớn mà tiêu biểu là VIC, HPG, VHM vẫn cố gắng duy trì đà tăng, nhưng không thể đỡ lại được số đông mã khác lao dốc. Ảnh hưởng rất lớn của nhóm ngân hàng đã khiến thị trường suy yếu rất nhanh. Độ rộng thu hẹp cực nhanh cho thấy có hiện tượng sập giá diễn ra trên diện rộng chứ không chỉ riêng ép trụ. Tình huống này cũng đã xảy ra hôm 13/4.
VCB là trụ diễn biến xấu nhất, từ chỗ tăng 1,11% quay đầu giảm 1,22%. BID cũng vậy, từ tăng 0,45% thành giảm 2,16%; TCB từ tăng 0,36% thành giảm 2,15%. CTG đóng cửa giảm 1,29%, MBB giảm 2,08%, STB giảm 2,4%, HDB giảm 1,97%, TPB giảm 2,87%, ACB giảm 2,17%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng là các mã kém nhất thị trường phiên này, một nghịch lý thường thấy khi giá tăng cao đã phản ánh trước kết quả kinh doanh. VN30-Index đóng cửa giảm 0,51% nhưng tính từ đỉnh buổi sáng đến hết ngày thì giảm tới 1,28%.
Rất nhiều cổ phiếu dĩ nhiên cũng có mức thiệt hại tương tự, thậm chí lớn hơn nhiều so với chỉ số. Chẳng hạn GAS bốc hơi tới 2,6% trong phiên, TCB giảm khoảng 2,5%, VCB giảm 2,3%, BID giảm 2,6%, BVH giảm 3,1%, MSN giảm 4,7%, PLX giảm 3,2%, POW giảm 3,5%, SSI giảm 3%... Nếu như hôm qua nhà đầu tư bắt đáy có lời ngay trong phiên thì hôm nay ngược lại, đu đỉnh lỗ khá nặng ngay lập tức.
Độ rộng cuối ngày ở sàn HSX cũng rất tệ khi số mã giảm giá nhiều gấp 2,5 lần số tăng. Sàn này ghi nhận 190 mã giảm trên 1%, trong đó khoảng 110 mã giảm trên 2%. Tính về cổ phiếu thì đây là thiệt hại khá lớn bất chấp VN-Index chỉ giảm nhẹ 0,69% hay 8,62 điểm.
Không nhiều cổ phiếu ngược dòng được phiên này. Các chỉ số nhóm vốn hóa đều giảm. Tuy vậy các mã đầu cơ còn tăng được thì đều cực khỏe. Có thể kể tới DLG, HQC, FLC kịch trần với giao dich hàng chục triệu đơn vị. TGG, SJF, ROS, HDC, AMD, HAI cũng kịch trần với vài triệu cổ mỗi mã. Dĩ nhiên đây đều là những cổ phiếu đầu cơ "có số má" và thị giá đều rất thấp.
Thị trường quay đầu giảm hôm nay không có tác động gì đặc biệt về thông tin. Cũng giống hôm 13/4, áp lực bán tăng đột ngột và xả dồn dập ở các cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn đến đà giảm chung. Trừ HPG hôm nay còn tăng 2,83% và thanh khoản cực cao thì các mã khác đều giảm. Đặc biệt các mã nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán hôm nay rơi rất sâu.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng xả ròng cực mạnh và VHM tiếp tục là mã dẫn đầu, khi bị rút ròng 298 tỷ đồng. GAS, KDH, CII, VRE, PLX, HPG, BID, DXG, POW, NLG, BVH, MBB là những cổ phiếu khác bị bán ròng rất lớn. NVL và VIC được mua khá tốt, trong đó NVL tăng giá 2,4% so với tham chiếu. HPG cũng là mã mạnh khi thu hút được thanh khoản trên 1.726 tỷ đồng và giá tăng 2,83%.
Tính chung cả phiên, khối ngoại xả tại HSX 833 tỷ đồng ròng. Lực bán dồn nhiều vào buổi chiều khi phiên sáng khối này chỉ bán ròng 236 tỷ đồng. VN30 cả ngày bị bán ròng 542 tỷ đồng thì phiên sáng mới bán hơn 104 tỷ đồng. Có thể thấy áp lực bán lớn của khối ngoại trong phiên chiều cũng là một trong các yếu tố gây sức ép lên giá.
Xem thêm: mth.26633835151401202-aul-cur-gnourt-iht-gnah-nagn-oc-ah-nod/nv.ymonocenv